Nhà Trắng muốn chi thêm 1,6 tỷ USD cho NASA để nhanh chóng trở lại Mặt Trăng

17/05/2019 10:11 AM | Công nghệ

Rõ ràng chi phí để quay lại với "Chị Hằng" là không hề rẻ!

NASA và Nhà Trắng sẽ đề nghị Quốc hội chi thêm một khoản kinh phí bổ sung trị giá 1,6 tỷ USD trong ngân sách năm sau (2020) để đẩy nhanh sứ mệnh lên Mặt Trăng và đưa con người trở lại bề mặt của vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất vào năm 2024. Được biết trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất Quốc hội chấp nhận khoản ngân sách trị giá lên đến 21 tỷ USD cho NASA.

Đề xuất tài trợ lần này được đưa vào một bản sửa đổi ngân sách mới mà các quan chức NASA đã dày công thực hiện trong vòng 2 tháng qua, trong đó đính kèm cả đề xuất từ phía Nhà Trắng. Các khoản tài trợ bổ sung được cho là sẽ giúp NASA hoàn thành được những kế hoạch mà Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đề ra nhằm đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong vòng 5 năm tiếp theo. Trong một buổi nói chuyện tại một cuộc họp của Hội đồng Hàng không Quốc gia hồi tháng 3, ông Pence nói rằng mục tiêu ban đầu của NASA nhằm đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2028 "đơn giản là không đủ tốt", và rằng cơ quan hàng không phải đạt được deadline mới "bằng bất kỳ giá nào".

Cũng tại buổi nói chuyện, ông Pence đã đề cập rằng Nhà quản trị NASA, Jim Bridenstine, đã nêu chi tiết chiến lược để gấp rút trở lại Mặt Trăng chỉ 5 phút trước khi Phó Tổng thống bước lên sân khấu. Nhưng hóa ra những chi tiết cụ thể của kế hoạch - liên quan vấn đề ngân sách và mô hình  vẫn chưa được quyết định. NASA sẽ tung ra những chi tiết còn bỏ ngỏ này, cùng với một tên gọi mới dành cho sáng kiến trở lại Mặt Trăng của họ: Artemis, đặt theo tên nữ thần Mặt Trăng của Hi Lạp và là chị gái song sinh của Apollo.

Trong số 1,6 tỷ USD mà cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đề xuất, 651 triệu USD sẽ được dành để đẩy nhanh tiến độ phát triển các phương tiện mà NASA đang nghiên cứu: một tên lửa siêu lớn mới mang tên Space Launch System, viết tắt là SLS, và một tàu nhỏ chở người (capsule) mang tên Orion. Orion sẽ được gắn lên trên SLS, mang theo con người vào không gian và lên Mặt Trăng. Các phương tiện này sẽ bay cùng nhau lần đầu tiên vào năm 2020. Tuy nhiên, ngày phóng cụ thể vẫn chưa được quyết định.

1 tỷ USD còn lại sẽ được dùng để bắt đầu phát triển một tàu hạ cánh Mặt Trăng mới có thể mang người đến và đi khỏi bề mặt Mặt Trăng - và theo một tài liệu ngân sách được công bố sau buổi nói chuyện thì sứ mệnh của NASA có thể sẽ được thực hiện "3 năm sớm hơn dự tính trước đây". Nhưng trong khi chương trình tàu hạ cánh có được tài trợ một khoản tiền khổng lồ, NASA  lại quyết định "hạ cấp" các dự án Mặt Trăng khác. Một phần của sáng kiến Mặt Trăng là phát triển một trạm không gian mới xoay quanh Mặt Trăng gọi là Gateway. Nền tảng mới sẽ đóng vai trò "tiền đồn" dành cho các phi hành gia lên Mặt Trăng, nơi họ sẽ sống và được huấn luyện trước khi thực sự đặt chân lên Mặt Trăng. NASA hinh dung Gateway này là tập hợp của nhiều mô-đun bổ sung liên kết với nhau, được thiết kế để cung cấp môi trường sống cho con người hoặc cũng cấp năng lượng và lực đẩy cho các phương tiện khác.

Nhà Trắng muốn chi thêm 1,6 tỷ USD cho NASA để nhanh chóng trở lại Mặt Trăng - Ảnh 1.

Jim Bridenstine

Nhưng vì muốn nhanh chóng trở lại Mặt Trăng, Bridenstine cho biết NASA có lẽ sẽ tập trung vào một phiên bản thu nhỏ của Gateway - một phiên bản chỉ chứ một mô-đun điện năng và một mô-đun năng lượng và một mô-đun môi trường sống nhỏ. Trong đề xuất nguồn tài trợ ban đầu của Tổng thống, Gateway đã nhận được 824 triệu USD, nhưng với đề xuất lần này, khoản tiền tài trợ bị giảm đi 321 triệu USD.

132 triệu USD sẽ được dùng vào việc phát triển công nghệ mới cần để đưa người từ Mặt Trăng quay về Trái đất; ví dụ như các loại động cơ đẩy và phần cứng mới có thể chuyển băng trên Mặt Trăng thành nước. 90 triệu còn lại sẽ được dùng vào mục đích "khoa học", giúp tăng cường "quá trình khám phá bằng robot đến các vùng cực của Mặt Trăng nhằm hỗ trợ cho công việc của con người".

Trong một buổi họp báo từ xa, Bridenstine nhấn mạnh rằng khoản tiền mới này sẽ không được trích từ bất kỳ chương trình đang thực hiện nào của NASA. "Đây là một thứ mà chúng tôi nghĩ sẽ rất quan trọng để tiếp tục hướng đi mà NASA đã và đang thực hiện, và là hướng đi mà chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi" - ông nói. Tuy nhiên, ông không nói khoản tiền này được lấy từ đâu bên ngoài NASA, vì ông cũng...chẳng biết. "Tôi chưa được thông báo chính thức, và chưa ai nói cho tôi nghe cả" - ông nói - "Sự tập trung của tôi là ở những thứ NASA cần". Một bản tin của tờ The Associated Press xác nhận khoản tiền sẽ đến từ bên ngoài NASA, và được trích từ phần dư ra trong Pell Grants - một quỹ phần thưởng liên bang được trao cho các sinh viên đại học cần hỗ trợ tài chính.

Các quan chức NASA còn nêu rõ rằng cơ quan hàng không này sẽ làm việc với các công ty hàng không vũ trụ và các cơ quan hàng không quốc tế liên quan vấn đề này. "Chúng tôi sẽ không đi lên một mình" - Mark Sirangelo, trợ lý đặc biệt cho nhà quản trị NASA phụ trách chiến dịch "Từ Mặt Trăng đến Sao Hỏa" của cơ quan này cho biết - "Chúng tôi sẽ tìm nhiều cách khác nhau để hợp tác với các đối tác thương mại, các đối tác toàn cầu, và các trường đại học".

Nhiều công ty thương mại đang rất hào hứng để được tham gia cùng NASA. Sau khi Phó Tổng thống Pence công bố chiến lược Mặt Trăng đầy tham vọng, nhiều công ty bao gồm Lockheed Martin và Blue Origin đã công bố những việc họ có thể làm để giúp NASA trở lại Mặt Trăng nhanh hơn. NASA vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào để chọn ra công ty cung cấp trang thiết bị cho mình, nhưng cho biết nhiều khả năng sẽ ký các hợp đồng mua tàu hạ cánh vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.

Theo Tấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM