Nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng

24/09/2019 14:47 PM | Bất động sản

Hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) tại Hội thảo: “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 24/9.

Tại sự kiện, ông Ninh nêu thực trạng và giải pháp phát triển nhà cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.

Theo báo cáo của các địa phương thì nhu cầu nhà ở của công nhân khu công nghiệp, tính đến đầu năm 2018 có khoảng 1,2 triệu công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở, dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các KCN, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), Tp.HCM (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)…

Nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng - Ảnh 1.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhà ở cho đối tượng khách hàng là công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn nhưng cái vướng lớn nhất hiện nay là thủ tục, nguồn vốn và cơ chế để doanh nghiệp tích cực tham gia. Ảnh: P.N

Riêng đối với dự án nhà công nhân hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2, bố trí cho ở cho khoảng 330.000 người lao động (mới chỉ đáp ứng khoảng 28 % so với nhu cầu; đang tiếp tục triển khai 73 dự án, với khoảng 88.000 căn hộ (khoảng 704.000 chỗ ở).  

Cụ thể, ở Tp.HCM, có 34 dự án đã hoàn thành với trên 5.700 căn hộ, 15 dự án đang triển khai, khoảng 17.200 căn. Đồng Nai hiện có 1 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với 146 căn hộ, 2 dự án đang triển khai với 4.000 căn hộ, 13 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư với 64,35 ha đất. Bình Dương hiện có 5 dự án đã hoàn thành với 3.430 căn hộ0; 5 dự án đang triển khai  với 6.800 căn).

“Hiện nay nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, người lao động trong các xí nghiệp đang rất lớn nhưng lại không có sản phẩm để đáp ứng nhu cầu này”, ông Ninh nhấn mạnh.

Theo vị Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS, vấn đề khó khăn lớn nhất trong triển khai các dự án nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nói riêng là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng - Ảnh 2.

Theo ông Ninh, hiện nay nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 5, hàng năm theo quy định của pháp luật. Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, địa phương chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương; Chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Chưa kể, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài,...

 Về phía các doanh nghiệp, ông Ninh cũng chỉ ra, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do  vướng mắc về thủ tục; lợi nhuận bị khống chế.

Về phía các đối tượng chính sách xã hội: Mặc dù nhà ở xã hội đã được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, giá bán thường thấp hơn giá nhà ở thương mại cùng loại trên thị trường từ 20%-30%, tuy nhiên do mức thu nhập của người dân nói chung, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, gia đình trẻ còn rất hạn chế, rất khó khăn trong việc mua nhà ở.

Tại một số địa phương có dự án nhà ở cho công nhân nhưng giá bán, cho thuê cao, cơ chế quản lý chặt chẽ, do đó chưa phù hợp với điều kiện thu nhập của công nhân lao động.    

“Bên cạnh đó, mặc dù thu nhập còn thấp nhưng tâm lý của đa số người nghèo, công nhân lao động vẫn muốn mua nhà ở xã hội, không muốn thuê, trong khi pháp luật quy định phải dành 20% nhà ở xã hội trong các dự án để cho thuê nhưng trên thực tế nhiều chủ đầu tư không cho thuê được do người dân không muốn thuê mà chỉ muốn mua nhà”, ông Ninh cho biết

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM