Nhà khoa học của NASA cũng bị giữ lại ở sân bay, đòi mở khóa điện thoại vì sắc lệnh của ông Trump

14/02/2017 11:09 AM | Công nghệ

Mặc dù là một công dân sinh ra tại Mỹ và cầm trong tay một chiếc điện thoại NASA cấp, nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ vẫn không tránh khỏi các thủ tục lục soát.

Cách đây 2 tuần, anh Sidd Bikkannavar quay trở lại Mỹ sau khi dành vài tuần tới Nam Mỹ. Nhân viên của Trung tâm Thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) NASA, anh Bikkannavar vừa trở về sau một chuyến đi mang tính chất cá nhân để theo đuổi sở thích đua xe năng lượng mặt trời.

Bikkannavar là một người thường đi du lịch quốc tế, thế nhưng trong lần trở về Mỹ vừa rồi anh đã vấp phải nhiều trở ngại hơn bất cứ chuyến đi nào trước đây. Bikkannavar tới Nam Mỹ vào ngày 15/1, lúc đó Mỹ vẫn là chính quyền của Obama. Anh trở về Santiago, Chile theo Sân bay Quốc tế George Bush tại Houston, Texas vào Thứ hai, 30/1, chỉ một tuần sau khi quyền lực chuyển giao về tay chính quyền Trump.

Bikkannar cho biết anh đã bị Lực lượng Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) giữ lại, yêu cầu giao chiếc điện thoại của mình cùng mã PIN truy cập cho các nhân viên của CBP. Do đây là chiếc điện thoại của NASA cấp nên nó có thể chứa nhiều thông tin nhạy cảm không được phép chia sẻ. Chiếc điện thoại của Bikkannavar đã được trả về cho chủ sau khi bị CBP tiến hành lục soát, thế nhưng anh không rõ những thông tin chính thức nào đã bị lấy đi từ thiết bị.

Nhà khoa học của NASA quay trở lại Mỹ bốn ngày sau khi Sắc lệnh của Tổng thống Trump “càn quét” cả nước Mỹ. Lệnh cấm nhập cảnh đã khiến các sân bay trên khắp nước Mỹ bị chao đảo, mọi người cầm trong tay thẻ xanh và visa bị giữ lại và phải đối mặt với lệnh trục xuất, và chẳng bao lâu sau thì 60.000 visa đã bị thu hồi, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Câu chuyện của nhân viên NASA này làm dấy lên câu hỏi CBP có thể truy cập vào những thông tin điện tử của du khách ở mức độ nào, dù họ có hay không phải là công dân Mỹ: vào tháng một, Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo đã đệ đơn chống lại CBP vì cơ quan này đã yêu cầu các công dân Hồi giáo người Mỹ phải trao các thông tin về tài khoản mạng xã hội khi từ nước ngoài quay về Mỹ. Thậm chí còn có nhiều bằng chứng chứng tỏ cách thức đối xử này rất phổ biến với những du khách nước ngoài. Trước đó, Thư ký Bộ An ninh Nội địa Mỹ, John Kelly, còn cho biết những người muốn tới Mỹ có thể sẽ phải cung cấp mật khẩu các tài khoản mạng xã hội. Ông tuyên bố: “Nếu họ không muốn hợp tác, thế thì đừng tới”.

Trường hợp của Bikkannavar hơi đặc biệt bởi anh là một công dân gốc Mỹ và còn tham gia vào chương trình Global Entry, một chương trình thông qua CBP cho phép mọi cá nhân đã qua kiểm tra lý lịch có thể nhanh chóng nhập cư vào nước này. Anh này cũng không hề tới các quốc gia nằm trong danh sách bị cấm và còn là một nhân viên của NASA.

Bikkannavar cho biết anh tới Houston vào sáng sớm ngày Thứ ba và anh bị CBP giữ lại sau khi quét hộ chiếu. Một nhân viên CBP đã đưa anh Bikkannavar vào phòng hậu cần, yêu cầu anh ngồi chờ thêm chỉ thị. Khoảng năm du khách khác bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm cũng có mặt trong phòng lúc đó.

40 phút sau, một nhân viên xuất hiện và gọi tên anh Bikkannavar. “Anh ta đưa tôi vào một phòng phỏng vấn và giải thích đại loại là tôi đang quay lại đất nước và họ cần kiểm tra tư trang của tôi để đảm bảo tôi không mang vật gì nguy hiểm”, anh nói. Nhân viên CBP hỏi anh một số câu hỏi như anh từ đâu tới, sống ở đâu, vị trí công việc. Tất cả những câu trả lời đó đáng ra vị nhân viên CBP đó phải biết bởi anh Bikkannavar đã ghi tên vào chương trình Global Entry. Anh tiếp tục chia sẻ: “Tôi hỏi một câu ‘tại sao lại chọn tôi’ và anh ta không trả lời”.

Trung tâm Thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) NASA
Trung tâm Thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) NASA

Nhân viên này cũng đưa cho anh Bikkannavar một tài liệu có tựa đề “Điều tra các thiết bị điện tử” và giải thích rằng CBP có thẩm quyền lục soát chiếc điện thoại của anh ta. Bikkannavar không muốn trao chiếc điện thoại bởi nó là thiết bị được JPL cấp cho anh và nó là tài sản của NASA. Anh thậm chí còn đưa cho vị công chức xem mã vạch phía sau chiếc điện thoại. Thế nhưng CBP vẫn yêu cầu được truy cập vào chiếc điện thoại và đòi cả mã PIN để mở máy. “Tôi đã thận trọng nói với anh ta rằng tôi không được phép trao lại nó, bởi tôi không muốn tỏ ra là không hợp tác. Tôi nói với anh ta rằng tôi không sẵn lòng trao cho anh ta passcode; tôi phải bảo vệ quyền truy cập. Nhưng anh ta khăng khăng nói rằng mình có quyền lục soát chiếc điện thoại”.

Tòa án vẫn cho phép các cơ quan hải quan được quyền lục soát các thiết bị ở biên giới, nhưng bất cứ lệnh khám xét nào đơn thuần dựa trên sắc tộc hay nguồn gốc đều là bất hợp pháp. Thêm vào đó, luật pháp không bắt buộc du khách phải mở khóa thiết bị mặc dù các quan chức có thẩm quyền được phép giữ thiết bị lại trong một khoảng thời gian nếu họ có quyền lục soát thiết bị ở biên giới.

Thế nhưng anh Bikkannavar không được phép rời đi nếu không trao cho nhân viên CBP mã PIN và còn liệt kê ra hàng loạt hậu quả nếu không cung cấp cho nhân viên CBP thông tin để sao chép nội dung của thiết bị. Tuy nhiên anh Bikkannavar không muốn nhắc đến các hậu quả này. Vị nhân viên sau đó rời đi và quay trở lại trả thiết bị cho anh Bikkannavar sau 30 phút.

Dù đã nhận lại được thiết bị nhưng anh Bikkannavar không rõ chuyện gì đã xảy ra trong lúc nhân viên kia giữ thiết bị của anh. Ngay sau khi nhận lại máy, anh lập tức tắt đi và đưa nó thẳng tới bộ phận IT của JPL. Ngay khi tới Los Angeles, anh tới thẳng NASA và báo cáo chuyện đã xảy ra lên cấp trên. Anh Bikkannavar không thể bình luận về những chuyện có thể đã xảy ra với chiếc điện thoại nhưng đội an ninh mạng của JPL thì hoàn toàn không vui khi biết tin.

Bạn anh Bikkannavar chia sẻ lại bài đăng Facebook của anh trên Twitter
Bạn anh Bikkannavar chia sẻ lại bài đăng Facebook của anh trên Twitter

Anh Bikkannavar buộc phải đem theo chiếc điện thoại khi đi du lịch vì anh vẫn phải giải quyết một vài công việc. Anh cũng cho biết thái độ của nhân viên CBP trong quá trình tạm giữ rất thân thiện và chuyên nghiệp. Hiện cả JPL và CBP đều chưa trả lời yêu cầu bình luận. Anh Bikkanavar đã đăng tải câu chuyện của anh lên Facebook và được chia sẻ hơn 2.000 lần. Dòng tweet được bạn bè anh Bikkannvar chia sẻ từ bài viết của anh cũng được chia sẻ lại hơn 7.000 lần trên Twitter. Anh lo ngại vụ lục soát đã làm ảnh hưởng tới sự riêng tư của tất cả bạn bè, gia đình và đồng nghiệp được nhắc đến trong chiếc điện thoại. Hiện giờ nhà khoa học này đã được cấp một chiếc điện thoại mới kèm theo cả số điện thoại mới.

Theo Lê Kiên

Cùng chuyên mục
XEM