Nhà hàng Sài Gòn hơn 60 năm tuổi tố 7 đơn vị giả mạo thương hiệu

18/12/2018 08:48 AM | Thương hiệu

Mới đây, Ngọc Sương Sài Gòn – thương hiệu nổi tiếng tại Tp.HCM hình thành từ năm 1955 với 4 thế hệ nối nghiệp đã “tố” những nhà hàng Ngọc Sương giả mạo, đi trái lại với những nguyên tắc kinh doanh của Ngọc Sương Sài Gòn, gây nhầm lẫn cho khách hàng, tổn thất đến việc kinh doanh và ảnh hưởng đến thương hiệu ẩm thực Ngọc Sương lâu đời.

Được biết, Ngọc Sương Sài Gòn có 2 địa điểm kinh doanh chính tại 106 Sương Nguyệt Ánh, Q.1 và 6A Hoàng Việt, Q. Tân Bình (Tp.HCM). Tuy nhiên, hiện tại có đến 7 đơn vị bắt chước và lấy cắp thương hiệu Ngọc Sương trên mọi hình thức có tính chất kinh doanh. Do đó, nhằm bảo vệ thương hiệu của mình, Ngọc Sương Sài Gòn chính thức lên nhờ cơ quan chức năng vào cuộc nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Theo đại diện Ngọc Sương Sài Gòn, hiện tại đã có tất cả các tài liệu về hành vi vi phạm của các nhà hàng lấy tên Ngọc Sương để hoạt động, bao gồm vi bằng vi phạm, biên bản giám định của cơ quan chức năng. Việc công bố thông tin này, theo Ngọc Sương nhằm chuẩn xác để người tiêu dùng nắm rõ và phân biệt được đâu là nhà hàng Ngọc Sương thật, đâu là các nhà hàng đang giả, nhái thương hiệu, đánh lừa người tiêu dùng.

Nhà hàng Sài Gòn hơn 60 năm tuổi tố 7 đơn vị giả mạo thương hiệu - Ảnh 1.

Theo phán ánh của đại diện Ngọc Sương Sài Gòn, hiện nhà hàng có 2 địa điểm kinh doanh chính tại 106 Sương Nguyệt Ánh, Q.1 và 6A Hoàng Việt, Q. Tân Bình (Tp.HCM), tuy nhiên, hiện có đến 7 đơn vị bắt chước và lấy cắp thương hiệu Ngọc Sương trên mọi hình thức có tính chất kinh doanh

Theo thông tin từ Ngọc Sương Sài Gòn, hiện đơn vị này đang và sẽ tiến hành xử lý dứt điểm các địa điểm vi phạm như sau:

1. NGỌC SƯƠNG Resort:  Mũi Né, Phan Thiết. Bình Thuận:  Đã xử lý 1996           

2. NGỌC SƯƠNG  Hà Nội: Hồ Trúc Bạch Hà Nội: 1998

3. Rivia NGỌC SƯƠNG: 18 Nguyễn Cư Trinh, Q1, TPHCM (chưa triệt để)

4. NGỌC SƯƠNG Vườn Biển: 64,66,68 Trần Quốc Thảo Q3, TPHCM (Đã xử lý)

5. NGỌC SƯƠNG Thảo Điền: 40B, Quốc Hương, P Thảo Điền, Q2, TPHCM (Đã xử lý)

6. NGỌC SƯƠNG Bến Thuyền: 11 Nguyễn Văn Trỗi, P12, Q Phú Nhuận, TPHCM (Đang xử lý)

7. NGỌC SƯƠNG Mũi Né: 130 Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. (Sẽ xử lý)

Nói về hành trình bảo vệ thương hiệu, ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc điều hành nhà hàng Ngọc Sương Sài Gòn (thế hệ nối nghiệp thứ 4 của Ngọc Sương Sài Gòn) chia sẻ: "Theo tôi, các thương hiệu Việt đang bị làm giả rất nhiều và đang không được bảo vệ một cách chính đáng. Ngọc Sương cũng đang trong tình trạng như thế".

"Thương hiệu Ngọc Sương đã trải qua 4 thế hệ, hơn 60 năm lịch sử, có tên tuổi, tuy nhiên đã bị nhiều đơn vị giả mạo thương hiệu trong nhiều năm qua. Thị trường giờ đây có quá nhiều sản phẩm mang  tên Ngọc Sương khiến người tiêu dùng nhẫm lẫn, gây ảnh hưởng không tốt. Giờ đây, không thể chấp nhận được những hành vi như thế này, Ngọc Sương Sài Gòn muốn lên tiếng bảo vệ lại thương hiệu Ngọc Sương chân chính", ông Vinh nhấn mạnh.

Nhà hàng Sài Gòn hơn 60 năm tuổi tố 7 đơn vị giả mạo thương hiệu - Ảnh 2.

Một trong những thương hiệu "nhái" nhà hàng Ngọc Sương, gây ra nhiều nhầm lẫn cho khách hàng

Theo ông Vinh, từ trước đến nay, thương hiệu Ngọc Sương có những chuẩn mực nhất định. Khi các nhà hàng làm giả thì họ chỉ chú trọng bài toán kinh doanh chứ không chú trọng đến các yếu tố về chất lượng hay chuẩn mực chân chính mà Ngọc Sương chính hiệu đặt ra và tuân thủ từ hơn 60 năm nay. Trong thời gian qua, Ngọc Sương Sài Gòn đã phải qua những hành trình đơn độc và hết sức vất vả. Sau khi hết lần này đến lần khác chủ động liên hệ trực tiếp và bằng văn bản yêu cầu các đơn vị giả, nhái thương hiệu chấm dứt hành vi đánh cắp. Không nhận được  sự hợp tác của các đơn vị nói trên, chúng tôi đành phải tự thân vận động. Tiếp đó là một quá trình tự thân vận động bảo vệ chính mình: Thu thập chứng cứ, nhờ đến đơn vị thừa phát lại lập vi bằng các hành vi vi phạm, khiếu nại đến cơ quan chức năng. Thế nhưng, hiện nay cũng chỉ có một số đơn vị bị xử lý triệt để, đã hạ bảng hiệu xuống. Còn lại, một số vẫn ngang nhiên sử dụng biển hiệu Ngọc Sương như Ngọc Sương Mũi Né, Ngọc Sương Bến Thuyền… Một số khác tìm cách lập lờ đánh lận bằng cách hạ biển nhưng gây nhầm lẫn cho khách hàng bằng cách lấy tên NS, hoặc hạ tên nhưng trưng bảng hiệu "Công ty in ấn Ngọc Sương"…

"Thông qua kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận ra rằng, hiện nay đang tồn tại một sự bất công đối với các thương hiệu bị làm giả: Là nạn nhân, nhưng vừa phải vất vả chứng minh sai phạm của người đánh cắp, vừa tốn kém tiền bạc, mà đôi khi còn không được trả lại công bằng. Tôi cũng mong rằng các thương hiệu Việt Nam chân chính trong thời gian tới sẻ được bảo vệ bởi cơ quan quản lý nhà nước, được người tiêu dùng hiểu rõ hơn", ông Vinh nhấn mạnh.

Nhà hàng Sài Gòn hơn 60 năm tuổi tố 7 đơn vị giả mạo thương hiệu - Ảnh 3.

Đại diện thế hệ nối nghiệp thứ 4 Ngọc Sương Sài Gòn bức xúc lên tiếng, mong sự can thiệp của các cơ quan chức năng nhằm xử lý vi phạm các nhà hàng giả mạo thương hiệu, ảnh hưởng đến uy tín Ngọc Sương lâu đời

Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng phụ trách văn phòng đại diện phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, tình hình vấn nạn hàng giả hàng nhái như vậy là một điều rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Với vai trò của cơ quan quản lý, ông Khuê đưa ra lời khuyên doanh nghiệp nên đăng kí vừa hình ảnh vừa chữ để khi bị vi phạm bằng cách lấy hình ảnh, hoặc lấy  tên trùng, thậm chí cách điệu từ tên hay logo thì cơ quan pháp luật vẫn có thể bảo vệ được.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam khẳng định: "Rõ ràng, các hành động của những đơn vị nói trên đã vi phạm pháp luật, sử dụng thương hiệu Ngọc Sương để kinh doanh trục lợi. Với hiện trạng hôm nay, với những quy định về đăng kí độc quyền sở hữu trí tuệ, khi chúng ta thông qua Bộ Luật dân sự năm 2015 và sửa đổi năm 2017, đó đang là cuộc chơi không bình đẳng cho doanh nghiệp. Tôi tin rằng sắp tới đây, nhân sự việc của nhà hàng Ngọc Sương và nhiều thương hiệu Việt khác bị giả mạo sẽ là một tiền đề để sửa đổi luật. Nếu chúng ta không có sự minh bạch thì các nhà đầu tư sẽ rất ngại ngần khi đầu tư vào môi trường Việt Nam.

Theo ông Hậu,  nhãn hiệu hàng hóa chính là tài sản, và quan niệm về tài sản của chúng ta hiện đang được định hình lại, đồng thời có nhiều tranh luận chung quanh quan niệm về tài sản vô hình, điều này các nhà làm luật cũng nên cân nhắc để sửa luật theo hướng thông lệ quốc tế.

"Tôi cho rằng những trường hợp vi phạm pháp luật, giả mạo thương hiệu, lấy tài sản của người khác làm của mình là phải xử thật nặng. Doanh nghiệp thường hỏi những trường hợp như Ngọc Sương thì phải làm gì? Tôi biết rằng khởi kiện là một con đường rất đau khổ và gian nan với doanh nghiệp, nhưng dù thế nào cũng phải đấu tranh giành lại thương hiệu của mình. Với trường hợp của nhà hàng Ngọc Sương Sài Gòn thì quá rõ ràng: Logo, hình ảnh, tên thương hiệu đã đăng kí sở hữu. Các nhà hàng nhái, sai phạm bị bị lập biên bản, chứng minh bằng thừa phát lại. Trong thời gian tới, có lẽ Ngọc Sương Sài Gòn cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa, đưa sự việc đến những cơ quan có thẩm quyền để giải quyết sự việc, chấm dứt hành vi ăn cắp, đòi lại công bằng và quyền lợi chính đáng cho mình", Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM