Nhà giàu thế giới từ Bangkok đến Sydney đang “sốt” bất động sản ven sông, Việt Nam thì sao?

14/03/2017 09:28 AM | Kinh doanh

Một buổi tối thứ bảy ở Bangkok, một nhóm nhà giàu đang thưởng thức champagne ngoài hành lang tại Soi Nana - một con đường năng động trong khu phố Tàu. Trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, những dự án táo bạo ven sông hoặc bến cảng đang tạo ra các địa điểm bùng nổ hơn bao giờ hết.

Ai cũng muốn có miếng bánh dự án các đô thị ven sông, từ đại gia Singapore đến Sydney

Ngày nay, trọng tâm bất động sản ven sông tại Bangkok là các khu vực xung quanh sông Chao Phraya, là trái tim của thủ đô và là trung tâm phát triển của nền văn hóa mới.

Với các quán ăn sôi nổi, các dự án thiết kế cao cấp như The Jam Factory, các căn hộ phong cách như The River Bangkok, và một loạt các khách sạn quy mô vừa phải như The Siam và Sala Rattanakosin , một lần nữa dòng sông của các vị vua lại trở thành địa điểm luôn được nhắc đến.

Bờ sông tại Bangkok có thể là điểm mới nhất của khu vực gây được sự chú ý, nhưng nó chưa phải là duy nhất. Châu Á–Thái Bình Dương đang trong giai đoạn bùng nổ của các dự án đô thị ven sông, và rất nhiều nhà đầu tư đang muốn có được miếng bánh này từ Singapore đến Sydney.

“Vì các nền kinh tế tại địa phương đang ổn định và trên đà tăng trưởng, nên các dự án bất động sản ven sông đang ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư ở phân khúc giải trí và nhà ở,” theo Dr. Chua Yang Liang, Trưởng phòng Nghiên cứu, Đông Nam Á và Singapore tại JLL.

“Họ phát triển những ý tưởng rất độc đáo và khác biệt so với sự phát triển điển hình trong nước.”

Lấy ví dụ tại Sydney, các nhà đầu tư nước ngoài đang tranh nhau để thâu tóm những dự án bất động sản khách sạn hiện hữu tại cảng Darling Harbour đồng thời các dự án mới như The Harbour Royale Developments trị giá 10 triệu đô la Úc đang được xây dựng. Trong khi đó tại Manila, dự án cải tạo thành phố Bay City đang được thiết lập để định hình lại thủ đô.

Một vài thành phố đã thực hiện phát triển khu vực ven sông với kế hoạch thận trọng. Lấy ví dụ tại Singapore, nhờ vào Cơ quan Phát triển Đô thị (URA), thành phố Sư tử đã có một lối đi dạo bộ dài 3.5km được che chở bởi ba mái che gió trang bị quạt cảm ứng để tránh một phần nắng mặt trời.

Hoạt động từ năm 2010, khu vực ven song xung quanh Marina Bay Sands đã trở thành một trong những câu chuyện của sự phát triển thành công nhất trong khu vực.

Không phải nước nào cũng thành công như Singapore

Không phải dự án nào cũng thành công như vậy, chẳng hạn như ở Thái Lan, Dr. Chua chỉ ra rằng: Việc tiếp cận bờ sông khá yếu. Các quy định về xây dựng cũng là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất dọc theo bờ sông, làm cho sự phát triển này còn nhiều thử thách.

Những khó khăn này là một cách giải thích lý do tại sao con sông bị bỏ lại phía sau các khu vực khác của thành phố trong suốt thời gian dài.

Với sự trợ giúp của Bangkok River Partners, mọi thứ đang thay đổi, nhưng đó là một quá trình cần có thời gian. Tiến sĩ Chua lạc quan: “Chính phủ hiện nay đang lên kế hoạch cung cấp các dịch vụ công cộng như đường đi bộ và đường dành cho xe đạp dọc 2 bên bờ sông, khi có sự hợp tác từ khu vực tư nhân, có thể mang lại những lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường.”

Trong khi nhu cầu lối sống ven sông có thể tăng, nguồn cung thì hạn hẹp. “Không có quá nhiều khu vực ven sông tại các thành phố hay quốc gia được phát triển. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ đi theo nơi mà người mua muốn đi.” Dr. Chua cho biết.

Khi cơ sở hạ tầng cải thiện và các dự án táo bạo mới tập trung vào bờ sông, đường chân trời tại các thành phố lớn ven sông ở Châu Á sẽ thiết lập nhiều sự thay đổi hơn nữa trong những năm tới đây.

Tại Việt Nam, một trong những dự án ven sông thu hút nhiều giấy mực nhất là siêu đô thị ven sông Hồng (Song Hong City), mới được tái khởi động vào cuối năm ngoái.

Song Hong City được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương từ năm 1994. Theo thỏa thuận, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng. Phía Việt Nam đã thành lập một Ban dự án có trụ sở tại đường Phùng Hưng. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại.

Sau đó, Hà Nội đã phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố ven sông Hồng". Theo quy hoạch thành phố ven sông Hồng giai đoạn 1 sẽ trở thành trục không gian chính của Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông.

Đồ án đã được các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam lập trong phạm vi 4.200 ha đất và mặt nước, trải dài 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Dự kiến, vốn đầu tư dự án trên 7 tỷ USD và phải di dời 39.000 hộ dân.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM