Nhà đầu tư Vntrip: “Hãy chọn một đội ngũ hạng A với chiến lược hạng B, thay vì một đội ngũ hạng B với chiến lược hạng A”

20/07/2016 10:25 AM | Kinh doanh

Nhà đầu tư vừa rót vốn triệu đô vào startup Việt (chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến) Scott J. Hancock cho rằng, Việt Nam là thị trường tiềm năng hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, các startup cần phải có những chiến lược luôn linh động, thay đổi để thích ứng với thị trường.

Mới đây, startup Việt chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip.vn vừa công bố gọi vốn thành công lần đầu với 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại (Fenghe Group và Hancock Revocable Trust).

Người đứng đầu 2 quỹ này là John Wu và Scott Hancock - nhà đầu tư có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư đồng thời nắm giữ vị trị cấp cao trong doanh nghiệp lớn.

Trong đó, ông Scott J. Hancock là một nhà đầu tư lão luyện của Mỹ tại thung lũng Silicon, đã gần gũi và am hiểu về cộng đồng khởi nghiệp trên thế giới. Nhà đầu tư này đặc biệt quan tâm đến Việt Nam và đã có những chia sẻ rất cởi mở, thẳng thắn về môi trường khởi nghiệp tại đây:

Xin chào ông, được biết mới đây, Hancock Revocable Trust là một trong 2 đơn vị rót vốn vào một startup Việt Vntrip. Ông có thể chia sẻ lý do ông quyết định đầu tư vào startup này?

- Bất kể một thương vụ đầu tư thành công nào cũng sẽ phụ thuộc vào ít nhất 4 yếu tố: cơ hội thị trường, đội ngũ triển khai, chiến lược kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Thị trường du lịch nội địa trực tuyến của Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 3-5 năm nữa đang mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp.

Xét đến yếu tố đội ngũ triển khai, chúng tôi tin rằng ông Lê Đắc Lâm có đủ những phẩm chất cần thiết cho vị trí CEO trong một ngành đang phát triển rất nhanh.

Ông đánh giá như thế nào về chiến lược và khả năng cạnh tranh của startup mình vừa rót vốn?

- Mô hình hoạt động của một OTA (Online Travel Agency – đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến) đã được kiểm chứng về khả năng sinh lời ở các quốc gia khác. Chúng tôi tin rằng Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Còn về năng lực cạnh tranh, những tập đoàn quốc tế thường chọn phương án mua lại những công ty nội địa thay vì tự phát triển hệ thống của riêng mình. Do đó, tôi tin Vntrip đang có cơ hội để trở thành một OTA hàng đầu Việt Nam.

Yếu tố nào là quan trọng nhất để ông đi đến quyết định đầu tư vào một startup, thưa ông?

- Đội ngũ triển khai là yếu tố quan trọng nhất.

Tại thung lũng Silicon, nơi tôi từng làm việc nhiều năm, có một câu châm ngôn như thế này: “Hãy chọn một đội ngũ hạng A với chiến lược hạng B thay vì một đội ngũ hạng B với chiến lược hạng A”.

Vì sao vậy?

Có một điều chắc chắn là môi trường kinh doanh sẽ luôn thay đổi và chiến lược ban đầu bạn định ra rồi sẽ bị cho là không còn phù hợp nữa. Điều này hoàn toàn đúng với mọi startup.

Nhà chiến lược quân sự nổi tiếng Helmuth von Moltke từng nói: "Không có kế hoạch chiến đấu nào còn hiệu lực khi ta chạm mặt kẻ thù”. Chính vì vậy, điều thiết yếu ở đây là đội ngũ phát triển phải có đủ sự thông minh và sức sáng tạo để thích ứng với những biến động và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Việc tìm ra một đội ngũ nhân sự giỏi tại Việt Nam thực sự là một thách thức bởi vì văn hóa kinh doanh khởi nghiệp còn mới.

"Việc huy động vốn trong giai đoạn đầu thường nên đến từ những người quen - bạn bè, gia đình, quản lý cũ. Các nhà đầu tư thiên thần này cho các nhà đầu tư bên ngoài thấy những người thân quen với bạn cũng tin tưởng vào bạn"

Vậy đội ngũ phát triển Vntrip thì sao?

- Tôi muốn chia sẻ thêm một dấu hiệu để nhận biết một người CEO giỏi. Đó là người đấy có đủ sự tự tin và khả năng thuyết phục để khiến những nhân sự giỏi chấp nhận từ bỏ công việc ổn định đang có để xây dựng một doanh nghiệp mới.

Một khi đã đứng cùng đội ngũ, CEO giỏi phải là người khuyến khích được sự độc lập trong công việc, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn để nhân viên của có thể phát huy được tối đa khả năng của mình.

Lâm là người có khả năng này. Chúng tôi tin tưởng đội ngũ mà Lâm và các cộng sự đang dẫn dắt.

Bên cạnh đó, sự tham gia của người đồng sáng lập là ông Huy Nhật là một trong những lợi thế của startup này. Ông Nhật là một doanh nhân có hơn 20 năm kinh nghiệm, đồng thời đang là CEO và nhà sáng lập của chuỗi nhà hàng Món Huế đang rất thành công.

Sự tin tưởng của ông Nhật cùng với khoản đầu tư của ông vào Vntrip đã củng cố thêm niềm tin của chúng tôi.

Một startup được định giá theo tiêu chí nào?

- Tại Việt Nam, thị trường đầu tư mạo hiểm (venture capital) còn nhỏ, số lượng giao dịch khiêm tốn và có rất ít thương vụ đầu tư có thể đem ra so sánh khi định giá.

Giá trị của một startup tại Việt Nam chỉ đơn giản là mức giá mà thị trường chấp nhận. Điều này có nghĩa là, giá trị cao nhất một nhà đầu tư sẵn sàng trả và mức thấp nhất mà các nhà đầu tư trước chấp nhận.

Mức giá mà các nhà đầu tư chịu bỏ ra phụ thuộc vào quy mô của thị trường tiềm năng, khả năng mở rộng kinh doanh, năng lực của đội ngũ quản lý, môi trường cạnh tranh, và khả năng thoái vốn.

Nói cách khác, chúng tôi dựa vào khả năng phán đoán hơn là những con số. Do đó, nhà đầu tư phải hoàn toàn tin tưởng nhiều hơn bất kỳ ai khác ở các startup mà mình quyết định đầu tư.

Vntrip có phải dự án đầu tiên ông đầu tư vào Việt Nam và ông đánh giá như thế nào về thị trường này?

- Trước đây, với cương vị là người đứng đầu Hội Đồng đầu tư của Mekong Capital, tôi đã đánh giá nhiều cơ hội đầu tư của khu vực. Đồng thời, cá nhân tôi đã có một số khoản đầu tư vào Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác ở khu vực Đông Nam Á.

Với tôi, Việt Nam là một thị trường rất sôi động, tiềm năng và có lẽ là hàng đầu châu Á hiện nay. Thị trường công nghệ tại nơi đây rất thú vị và đang phát triển nhanh.

Tuy nhiên, tôi khá quan ngại về khả năng thành công của các công ty trực tuyến nội địa bởi họ thiếu năng lực cạnh tranh với các công ty đa quốc gia lớn như Amazon, Google, Alibaba.

Việt Nam đã trở thành một trong những môi trường lý tưởng nhất cho các startup tại khu vực châu Á và nhiều doanh nhân trẻ đang tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư.

Vậy ông có lời khuyên nào cho họ trên con đường tìm kiếm nguồn vốn và xây dựng công ty thành công?

- Các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn tìm kiếm những đội ngũ tốt nhất với chiến lược xuất sắc nhất. Vì vậy, nếu bạn có đầy đủ các yếu tố này (điều mà hiếm doanh nghiệp đạt được) thì khả năng gọi vốn thành công sẽ cao hơn.

Một trong những điều chúng tôi tập trung đánh giá là doanh nghiệp có thể hiểu khách hàng và cuộc chơi đến đâu, họ có xây dựng được quy trình tiếp nhận phản hồi để đo lường hiệu quả hoạt động hay không.

Điều cũng quan trọng không kém là họ phải biết cách cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm mà đối thủ không thể dễ dàng sao chép, thậm chí là các DN đa quốc gia với nguồn vốn mạnh.

Nếu doanh nghiệp chỉ dựa vào việc am hiểu ngôn ngữ và văn hoá thôi thì chưa đủ. Ví dụ, một trang web tiếng Việt với lượng truy cập lớn không phải là một chiến lược khả thi để đánh bại Alibaba hay Amazon.

Các doanh nhân ở Việt Nam có lợi thế lớn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên các mô hình đã thành công từ các nước phương Tây, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác. Áp dụng một mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng sinh lời tại các nền kinh tế tương tự là nền tảng vững chắc cho sự thành công của công ty.

Song bạn cũng cần tạo ra những rào cản để bảo vệ DN của mình khỏi các đối thủ quốc tế khi họ bắt đầu chú ý tới thị trường ngày càng hấp dẫn trong nước.

Về mặt cơ cấu và nhân sự, chúng tôi thường bị thu hút bởi các công ty được điều hành bởi nhiều nhà sáng lập với các kỹ năng bổ trợ lẫn nhau, tuân thủ quy định về thuế và điều hành minh bạch. Trong khi đó, các công ty gia đình tìm kiếm vốn để mở rộng với quy mô bé sẽ khó thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Việt Nam là một thị trường cực kỳ sôi động với dân số trẻ, năng động, chăm chỉ, nhiệt huyết, tôi tin rằng cơ hội dành cho startup Việt là rất lớn.

Cảm ơn ông!

"Tôi luôn muốn nói rằng, việc định giá công ty trong những vòng gọi vốn đầu tiên có thể không cao như các nhà sáng lập kì vọng.

Hãy luôn chọn những nhà đầu tư giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị và tăng trưởng nhanh thay vì chấp nhận nguồn vốn ít, ở mức giá thấp hơn từ các đối tác mang lại ít giá trị cho doanh nghiệp"

Scott J. Hancock

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM