Nguyên sĩ quan công an chỉ ra 8 lí do tắc đường Hà Nội

15/09/2016 06:25 AM | Xã hội

Bài viết của ông Nguyễn Thành Lập, kỹ sư xây dựng, nguyên sỹ quan cao cấp công an.

Theo tác giả, có 8 nguyên nhân chính, gây ra tình trạng tắc đường, nhất là vào các giờ cao điểm.

Nguyên nhân chính sâu xa do công việc quy hoạch kiến trúc xây dựng bất cập, nếu chưa muốn nói là yếu kém, tiêu cực.

Cụ thể diện tích Hà Nội cũ là 921km2, với mật độ dân cư nội đô bình quân 11.600 người/1km2. Nhưng từ tháng 8/2008, Hà Nội đã có diện tích mới là 3.329km2 (rộng gấp hơn 3 lần diện tích cũ).

Ảnh: Trần Thường
Ảnh: Trần Thường

Song, hơn 8 năm trôi qua, cơ quan chức năng vẫn cấp giấy phép xây dựng chèn, cấy những tòa nhà siêu cao tầng; hoặc làm ngơ cho 1 số cao ốc xây vượt trái phép; án ngữ lẫn nhau và cùng cố thủ trong khuôn viên diện tích cũ vốn đã quá chật hẹp.

Vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn kỹ thuật về khoảng cách giữa các dãy nhà với quy định 2 dãy nhà xây dựng song song, phải cách xa nhau tối thiểu từ 1,5-2 H (H là chiều cao dãy nhà).

Mật độ dân cư nội đô gia tăng, dẫn đến lưu lượng phương tiện giao thông vượt quá khả năng thông xe của đường sá.

Thứ hai, thiết kế và xây dựng 1 số ngã tư, nút giao thông lớn có cầu vượt nửa vời, chắp vá.

Vì mới chỉ cho các xe đi thẳng liên tục được 1 chiều đường (trên mặt cầu vượt), chiều đường bên dưới và nhất là các làn xe rẽ trái vẫn bị đèn tín hiệu vàng, đỏ bật sáng, khiến các xe phải dừng chờ, bị ùn ứ rất lâu.

Ví dụ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, hay ngã tư Bưởi - Cầu Giấy, với diện tích mặt bằng khá rộng; lẽ ra có thể đầu tư, thiết kế xây dựng hệ thống cầu vượt hoàn chỉnh để bỏ đèn tín hiệu cho các xe đi lại vô tư tất cả các chiều đường, sẽ nâng cao năng lực thông hành xe, đồng nghĩa với việc hạn chế tắc đường.

Các phương tiện xếp hàng dài, không theo hàng lối. Ảnh: Trần Thường
Các phương tiện xếp hàng dài, không theo hàng lối. Ảnh: Trần Thường

Thứ ba, tổ chức giao thông (vạch sơn phân làn xe, lắp đặt đèn tín hiệu, đảo giao thông, dải phân cách, “trồng” biển báo hiệu...) không hợp lý tại một số tuyến phố và nút giao thông.

Điển hình ở ngã tư đường Cổ Linh giao với đường dẫn vào cầu Vĩnh Tuy đã lắp đặt đèn tín hiệu, nhưng vẫn để đảo tròn (làm đế cột đèn chiếu sáng) ở ngã tư, gây phản tác dụng, cản trở giao thông. Bởi theo yêu cầu kỹ thuật, nút giao thông đã có đèn tín hiệu, thì bỏ đảo trung tâm và ngược lại.

Thứ tư, công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền cho mọi người đi đường đúng luật Giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, khô khan, đơn điệu cả về nội dung và hình thức. Cho nên khá nhiều người ở Hà Nội đi đường chưa nắm rõ luật.

Thí dụ, họ chưa phân biệt được sự khác nhau cơ bản khi đi xe trên tuyến phố, với khi đi xe vào phạm vi nút giao thông. Một cụ thể về sự khác nhau cơ bản khi đi xe trên tuyến đại lộ, cần phải đi đúng các làn đường của xe 4 bánh riêng, của xe 2 bánh riêng; nhưng khi đi đến phạm vi nút giao thông thì lại phải đi đúng làn đường cho xe đi thẳng, làn đường cho xe rẽ trái, làn đường cho xe rẽ phải. Không phân biệt xe 4 bánh hay xe 2 bánh.

Hoặc họ chưa hiểu tại sao ở ngã tư này cấm xe rẽ phải khi đèn đỏ; đến ngã tư kia lại cho xe rẽ phải khi đèn đỏ.

Thứ năm, ý thức văn hóa giao thông quá tùy tiện và thiếu tự giác.

Người lái xe phía sau xin vượt (trong điều kiện an toàn) hiếm khi được người phía trước cho vượt. Và người lái xe sau liền “linh hoạt” vượt bên phải, ở những trường hợp không được vượt bên phải.

Một số người ở Hà Nội đi đường không hề có khái niệm xếp hàng. Nếu gặp phải 1 tuyến phố có tường cao, hoặc hào sâu ngăn cách không đi được, họ mới chịu. Còn gặp đèn tín hiệu giao thông màu đỏ bật sáng - không được đi, họ vẫn cứ đi.

Khác hẳn với ý thức dân trí người Mỹ khi đi đường, gặp đèn đỏ họ rất tự giác dừng xe để chờ đèn xanh. Người viết được biết 1 lý do thú vị khiến người Mỹ rất tự giác dừng xe khi đèn đỏ, vì họ coi thời gian ấy là lúc tâm hồn họ được cứu rỗi.

Thứ sáu, công vụ tuần tra kiểm soát cơ động của CSGT vẫn thường “dậm chân tại chỗ”. Đến nỗi nhiều người dân thuộc lòng bàn tay những chỗ hay có CSGT ra “đứng đường”. Cho nên hiếm khi có người lái xe đang lấn trái bị CSGT tuần lưu thổi còi, bắt lỗi quả tang.

Thứ bảy, phương tiện giao thông công cộng đến nay vẫn duy nhất 1 hình thức xe ô tô buýt. Người dân bình thường đi lại hàng ngày, chỉ có 2 loại phương tiện để chọn: xe cá nhân hoặc xe buýt (nếu thích hợp lộ trình).

Thứ tám, do các "trường điểm, trường chuyên" mở tràn lan và các trường tư thục nhận học sinh, không phụ thuộc vào nơi cư trú; dẫn đến tình trạng nhiều em đi học "chéo cánh", từ quận nọ sang quận kia, từ cuối lên đầu thành phố… cũng góp phần làm gia tăng mật độ, lưu lượng giao thông.

Cùng chuyên mục
XEM