Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam "bán sách rong" sau 8 năm du học ở Nhật Bản

18/01/2019 10:16 AM | Xã hội

Một người có thể không thay đổi được xã hội thế nhưng nhiều người góp sức thì chắc chắn có thể. Hành trình lan toả tình yêu đối với những cuốn sách của anh Nguyễn Quốc Vương đang ngày càng kết nối được nhiều độc giả, mỗi độc giả sẽ góp phần nâng cao văn hoá đọc của người Việt đúng như mong ước của anh.

Từng học tập và sinh sống đến 8 năm ở Nhật Bản, anh Nguyễn Quốc Vương hoàn toàn có cơ hội ở lại Nhật hoặc tìm kiếm một công việc mang lại cho mình mức thu nhập hấp dẫn. Thế nhưng, chàng nghiên cứu sinh ấy lại chọn trở về Việt Nam để trở thành một người "bán sách rong", làm công việc liên quan đến những cuốn sách và thực hiện ước mơ anh ấp ủ: Thay đổi văn hoá đọc của người Việt.

Câu chuyện về anh Nguyễn Quốc Vương và hành trình anh rong ruổi khắp nơi lan toả niềm cảm hứng, niềm yêu thích việc đọc đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards của chúng tôi ngày hôm nay.

Chàng nghiên cứu sinh làm công việc "dựa vào nó không thể sống được" và ước mơ thay đổi văn hoá đọc của người Việt Nam

Anh Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 trong một gia đình vốn có truyền thống ham đọc sách ở Bắc Giang. Sau thời gian học tập tại địa phương, anh Vương trở thành sinh viên rồi giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành.

Năm 2006, anh được chính phủ Nhật Bản cấp học bổng du học. Đến năm 2011 anh về nước, tiếp tục dạy học sau khi hoàn thành Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học lịch sử tại Khoa giáo dục, Đại học Shiga. Sau đó, anh Vương lại tiếp tục sang Nhật học nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Giáo dục Lịch sử tại Đại học Kanazawa.

Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Anh Vương chia sẻ, đam mê lớn nhất của anh là được làm việc với những cuốn sách, số lượng sách do anh viết, dịch cũng như biên tập đến hiện nay đã lên tới hàng chục cuốn với nhiều chủ đề, đề tài khác nhau.

Người ta nói đi Nhật Bản rồi tương lai rộng mở, về Việt Nam đâu có tốt bằng. Thế nhưng với anh Vương, về Việt Nam lại là hướng đi phù hợp. Hơn 8 năm ở Nhật Bản cũng là hơn 8 năm anh được nhìn nhận thái độ, hành xử văn minh, cách làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm của con người nơi đây. Đặc biệt, anh ấn tượng nhất khi người Nhật đọc sách bất cứ nơi đâu. Với tình yêu đối với những cuốn sách và nhận thức của một người nghiên cứu về giáo dục, anh ấp ủ ước mơ xây dựng và lan toả văn hoá đọc rộng rãi ở Việt Nam.

"Mình ở Nhật Bản hơn 8 năm, trở về Việt Nam vào tháng 4/2017. Mình học về giáo dục, việc trở về Việt Nam làm việc ở 1 góc độ nào đó sẽ thuận lợi hơn. Công việc của mình có thể nói là bán sách rong, mang sách đến cho những người đặt mua mà mình có thể đến được. Những cuốn sách đó chủ yếu do mình viết hoặc mình dịch. Ngoài ra mình cũng làm thêm công việc viết sách, dịch sách và biên tập sách.

Dù mình dịch sách hay viết sách thì cũng mong muốn góp một phần nhỏ thúc đẩy văn hoá đọc sách ở Việt Nam, để người ta thấy được rằng việc đọc sách cũng như 1 sinh hoạt rất bình thường cũng như việc mình ăn cơm, uống nước, ai cũng có thể làm được việc đó" - anh Vương chia sẻ.

Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Chàng nghiên cứu sinh đi xe buýt để bán sách, đưa sách đến nhiều người.

Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Nhiều cuốn sách do anh Vương viết, dịch hoặc biên tập.

Dù làm giáo viên, viết sách hay phiên dịch, được tiếp xúc nhiều người ở nhiều nghề nghiệp, địa vị khác nhau, thế nhưng anh Vương vẫn luôn thấy thú vị khi được gặp gỡ người khác trong vai trò "bán sách rong".

Anh chia sẻ, cái hay của việc tự mang sách đi bán, bán cho nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau là có thể giúp anh biết được những ai quan tâm và đọc sách của mình. Hơn nữa, kết nối với độc giả, anh có thể biết được cảm nhận, phản hồi, nhận xét của họ như khen, chê, chỉ trích.

"Bán sách rong đúng nghĩa là mình sẽ không biết được ai sẽ mua sách của mình, cũng không biết được địa điểm mình bán sách là ở đâu. Có thể có người ở địa điểm A này sẽ mua nhưng mình chưa biết người ta bao giờ. Những người mua sách thường mình sẽ gửi đến cho họ, hoặc nếu tiện với địa điểm mình đi xe buýt, mình sẽ mang đến tận nơi.

So với những cách bán khác, bán sách như này mình không biết được ngày hôm nay sẽ bán được bao nhiêu cuốn, bán cho ai và bán ở đâu. Ở một góc độ nào đó đương nhiên nó cũng phải mang lại một chút lợi ích kinh tế bởi đi như thế cũng mất thời gian, tiền bạc. Nhưng nếu mà dựa vào nó để sống thì chắc không sống được.

Một điều thú vị là có thể cảm nhận được văn hoá đọc của Việt Nam đang ở đâu, người ta đang đọc cái gì, những ai đang đọc sách mình và họ mong muốn gì từ việc đọc sách đó. So sánh với nước Nhật, ở Việt Nam văn hoá đọc vẫn đang yếu. Thậm chí những người đáng ra là đọc nhiều nhất như nhà báo, nhà văn hay giáo viên, số người đam mê đọc sách cũng không nhiều" - anh Vương kể về công việc của mình.

Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Với anh Vương, đam mê lớn nhất là được làm việc với những cuốn sách.

Nguồn cảm hứng đọc sách lan toả: Người mẹ xây dựng tủ sách gia đình, những đứa trẻ thích đọc sách hơn xem thiết bị điện tử

Với anh Vương, công việc mà chỉ để kiếm tiền sẽ khiến con người ta mệt mỏi nên anh hài lòng với cuộc sống đủ chi tiêu và có thời gian đọc sách, viết sách và bán sách. Vợ của anh cũng là giáo viên, thời gian rảnh cùng anh bán sách online và tập thói quen đọc sách cho cậu con trai nhỏ. Bé Cò - con trai anh Vương mà theo như anh nói, may mắn bé thích đọc sách hơn những thiết bị điện tử. 

"Nhà mình cả nhà đọc sách. Con mình được bố mẹ đọc sách cho nghe từ nhỏ, một cách tự nhiên cháu cũng rất thích sách. Trong gia đình tôi, có lẽ có 1 cái may mắn là cháu không thích các thiết bị kỹ thuật số" - anh Vương tâm sự.

Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 5.

Bé nhà anh Vương thích đọc sáchh hơn chơi những thiết bị điện tử.

Không chỉ lan toả niềm yêu thích đọc sách đến những người thân trong gia đình, anh Vương còn giúp nhiều người khác, kể cả những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi, hình thành thói quen đọc. Điển hình có thể kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Na (Hà Nội). Chị Na chia sẻ, từ lúc biết đến anh Nguyễn Quốc Vương gia đình chị đã xây dựng được 1 tủ sách, việc đọc sách đã giúp các bé nhà chị rất nhiều trong việc rèn luyện tính cách, phát triển tư duy trong học tập.

"Thời sinh viên mình cũng có đọc sách nhưng chỉ loanh quanh những cuốn sách phục vụ chuyên ngành thôi. Từ năm ngoái (năm 2017) khi mình tiếp xúc nhiều hơn với thầy Vương, theo dõi nhiều hơn những bài viết của thầy thì mình quyết định là phải thay đổi.

Giá sách của nhà mình mới được tạo dựng từ khoảng tháng 4/2018 thôi. Trước đó không hề có một cuốn sách nào trên giá của nhà mình, giờ đây mình đã lấp được một phần của giá sách này rồi (khoảng 100 cuốn) và mình hy vọng năm 2019 này mình có thể đọc được nhiều cuốn sách và mua được nhiều cuốn sách hơn nữa.

Các bé nhà mình sau khi thích đọc sách hơn thì mình cảm thấy các bé có suy nghĩ chín chắn hơn. Điển hình nhất là con trai lớn của mình, việc đọc sách giúp cháu vào lớp 1 phát triển tư duy ngôn ngữ tốt hơn". - chị Nguyễn Thị Na chia sẻ.

Bé Quang Lâm, con trai chị Na cũng rất hào hứng khoe tủ sách của riêng mình: "Con là Quang Lâm, con 6 tuổi. Con thích đọc sách, con hay đọc sách vào lúc buổi tối. Nếu con đọc sách con sẽ tìm hiểu được nhiều thứ hơn".

Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 6.

Bé Quang Lâm rất yêu thích việc đọc sách.

Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 7.
Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 8.
Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu sinh trở về Việt Nam bán sách rong sau 8 năm du học ở Nhật Bản - Ảnh 9.

Tủ sách của gia đình chị Na.

Một mình anh Vương, một mình chị Na hay bé Quang Lâm có lẽ sẽ không thể xây dựng được văn hoá đọc rộng khắp cộng đồng. Nhưng anh Vương nói, dù chúng ta là những hạt cát thì nhiều hạt cát sẽ thay đổi được xã hội, "vốn trên trái đất làm gì có đường, chúng ta đi mãi thì thành đường thôi".

"Nhiều người có ý nghĩ cho rằng mình chỉ là hạt cát thôi không làm được gì cả. Nhưng suy cho cùng cả xã hội này đều tạo thành từ các hạt cát, có thể mình sẽ không thay đổi được xã hội nhưng nhiều người giống như mình thì có thể. Như Lỗ Tấn nói "Trên trên trái đất làm gì có đường, chúng ta đi mãi thì thành đường thôi", một người đi có thể chỉ là 1 vệt mòn nhỏ, nhiều người đi sẽ thành đại lộ lớn. Những con đường khác nhau sẽ giao nhau, tạo nên 1 cái gì đó tốt đẹp. Con người tạo nên lịch sử chứ không phải chờ lịch sử đến" - anh Vương nói.

Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.

Hãy chia sẻ với BTC WeChoice Awards những câu chuyện, những nhân vật truyền cảm hứng cho bạn qua email: truyencamhung@wechoice.vn . Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/ .

Theo THỤC HẠNH

Cùng chuyên mục
XEM