Nguy cơ xuất hiện 'chợ đen vaccine Covid-19' vì nhu cầu bùng nổ

29/11/2020 17:00 PM | Xã hội

Hàng trăm nghìn người ở Trung Quốc đã được tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm.

Trước chuyến đi đã được lên kế hoạch tới Mỹ, Cheng muốn mình được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Để có thể làm được điều đó, anh nhờ tới sự giúp đỡ từ một người bạn, đang làm việc cho một công ty vận tải đông lạnh trụ sở tại vùng đông nam Trung quốc, giả vờ như anh đang là nhân viên chính thức của công ty này. Điều đó cho phép Cheng có thể tiếp cận chương trình thử nghiệm vaccine tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cheng, một chủ doanh nghiệp tại thủ đô Bắc Kinh, dự định bay tới tỉnh Quảng Đông và chi khoảng 91 USD cho hai liều vaccine anh tin là được sản xuất bởi công ty con của Sinopharm, nhà phát triển vaccine chống Covid-19 được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

“Bạn chỉ cẩn chuyển tiền cho anh ta thông qua Alipay thôi, nhưng anh ấy sẽ không cho bạn biết quá nhiều thông tin chi tiết vì đây là thị trường ngầm”, Cheng cho biết.

Khi các công ty phát triển vaccine như AstraZeneca và Pfizer rất gần với những công đoạn cuối để có thể đưa sản phẩm ra thị trường, các quốc gia đang chuẩn bị cho một thử thách rất lớn trước bối cảnh nguồn cung chắc chắn sẽ hết sức hạn chế, cùng với đó là những nghi ngại liên quan tới việc phân phối vaccine thiếu công bằng giữa các quốc gia và thậm chí là sự hình thành của những thị trường buôn bán vaccine trái phép. Có một nơi việc vận chuyển vaccine đã và đang được thử nghiệm, đó chính là Trung Quốc, qua đó cho phép các nhà phát triển vaccine nội địa có khả năng cung ứng sản phẩm trong trường hợp khẩn cấp từ giữa năm 2020.

Chương trình đó, trên lý thuyết, là để phục vụ những nhân viên trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 như nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus và nhân viên cảng biển. Bloomberg trao đổi với hơn 10 người đã “phá” quy định hoặc người quen biết họ để có thêm thông tin về những loại vaccine chưa được cấp phép tại Trung Quốc.

Không giống như những công ty phương Tây, các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc chưa công bố thông tin về mức độ hiệu quả vaccine Covid-19 của họ trong giai đoạn thử nghiệm 3, gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ thành công. Nhiều người đang săn lùng các loại vaccine, nhất là những loại được thử nghiệm ngoài Trung Quốc, tại những nơi từng là tâm dịch nhưng hiện nay đã bị đẩy lùi.

Hối lộ

“Có rất nhiều khả năng vaccine có thể đến tay những người sở hữu nhiều mối quan hệ”, theo Rachel Cooper, giám đốc bộ phận y tế thuộc tổ chức Transparency International.

“Trước đại dịch, người dân thường phải tận dụng tới các mối quan hệ cá nhân hoặc lót tay để có thể tiếp cận được nhiều dịch vụ khám chữa bệnh”, bà nói dựa trên một nghiên cứu được thực hiện bởi Transparency International, qua đó cứ 1 trong 5 người dân tại châu Á từng phải nhờ tới sự trợ giúp nào đó mới có thể được chăm sóc tốt.

Cho dù trên thực tế, các loại vaccine vẫn chưa nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan chức năng, hàng trăm nghìn người tại Trung Quốc được tiêm phòng thử nghiệm dưới chương trình khẩn cấp của Bắc Kinh. Điều đó đã làm dấy lên không ít những lo ngại từ giới khoa học về những rủi ro an toàn tiềm tàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

China National Biotec Group (CNBG), một thành viên của Sinopharm đang phát triển 2 loại vaccine Covid-19, cho biết quá trình thử nghiệm trên người, với sự tham gia của 50.000 tình nguyện viên đến từ các quốc gia như Argentina và Ai Cập, đang được tiến hành một cách hết sức thuận lợi. Công ty này chưa nhận được bất cứ một báo cáo nào liên quan tới những triệu chứng bất thường nghiêm trọng từ những người tham gia.

Vào ngày 25/11, Xinhua Finance đưa tin CNBG đã đệ đơn xin được cấp phép lưu hành rộng rãi trong cộng đồng đối với vaccine họ phát triển, trích lời Shi Shengyi, phó tổng giám đốc Sinopharm. Nếu như được thông qua, CNBG sẽ trở thành nhà phát triển vaccine đầu tiên trên thế giới ngoài Nga đưa được sản phẩm ra thị trường. Các nhà sản xuất vaccine phương Tây như Pfizer và AstraZeneca cũng chỉ đang trong giai đoạn xin cấp phép cho sản phẩm của họ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

CNBG cũng đạt thỏa thuận cung cấp vaccine với một số các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Pakistan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, theo thông tin Bloomberg thu thập.

Nguy cơ xuất hiện chợ đen vaccine Covid-19 vì nhu cầu bùng nổ - Ảnh 1.

Vaccine Covid-19 thử nghiệm của CNBG. Ảnh: Bloomberg.

Đặc quyền vaccine

Cho dù nhiều người dân được tiêm phòng vaccine tại Trung Quốc, vẫn còn một bộ phận cảm thấy hoài nghi về những sản phẩm này.

Những người bạn của gia đình Jason được tiêm vaccine thông qua quan hệ quen biết với một số quan chức đang công tác trong chính quyền tỉnh Hồ Bắc, miền bắc Trung Quốc. Vài người trong số họ đã hối thúc gia đình anh tiêm phòng Covid-19 nhưng anh lại tỏ ra ngần ngại bởi không tin độ an toàn cũng như tính hiệu quả của các dòng vaccine Trung Quốc.

“Họ cảm thấy tự hào khi được tiêm phòng”, Jason cho biết. “Họ coi đó là đặc quyền, thúc giục chúng tôi nên làm điều tương tự. Sẽ không khó để tiếp cận với nguồn vaccine đó nếu như bạn có các mối quan hệ tại Trung Quốc”.

Nhân viên làm việc trong các cơ quan bộ, ngành của Trung Quốc và nhân viên công ty quốc doanh có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn. Một nhân viên làm việc trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ được tiêm vaccine của CNBG từ 2 tháng trước vì công việc đòi hỏi tiếp xúc với người nước ngoài, dù không phải đi công tác ngoại quốc. Nhiều phòng ban khác trong bộ cũng nhận được “đặc quyền” này.

Một nhân viên Bank of China cho biết nhiều đồng nghiệp đã được tiêm trước khi tham gia một sự kiện triển lãm tổ chức tại Thượng Hải trong tháng 11. Một người khác đang làm việc tại một công ty công nghệ quốc doanh cho biết hàng chục nhân viên trong công ty đã được tiêm phòng trước khi họ tổ chức một hội thảo lớn trong tháng 9. Nhân viên công ty đó phải ký một bản cam kết không được tiết lộ thông tin và họ chỉ được tiêm phòng trước khi sự kiện được khai mạc không lâu.

Một người khác cho biết họ có thể tiếp cận với nguồn vaccine vì bố mẹ của họ làm việc tại một cơ quan chính quyền.

'Thử nghiệm'

Một vài người, giống như Cheng, đơn giản mong muốn bản thân được bảo vệ khỏi Covid-19 trước khi  ra nước ngoài. Một sinh viên Trung Quốc, người cần quay trở lại Pháp trong tháng tới để hoàn thành khóa học MBA, tìm tới gian hàng của CNBG tại hội chợ triển lãm Bắc Kinh trong tháng 9, nơi cung cấp dịch vụ tiêm vaccine cho người có nhu cầu ra nước ngoài.

“Tôi nghe nói rằng sản phẩm được cung cấp cho các du học sinh mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm”, sinh viên trên chia sẻ.

Công ty sản xuất cũng công bố rõ rằng sản phẩm của họ chưa được hoàn toàn cấp phép. Đến giữa tháng 10, sau khi xuất trình các giấy tờ chứng minh, cô nhận được liều tiêm phòng đầu tiên tại nhà máy của công ty thuộc vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Cô được yêu cầu không tiết lộ thông tin về việc tiêm phòng trên các phương tiện mạng xã hội, các sinh viên đã đăng hình ảnh liên quan đều được yêu cầu gỡ bỏ.

Thực trạng đang diễn ra tại Trung Quốc, quốc gia rất quyết liệt trong việc đẩy lùi đà lan rộng của Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, làm dấy lên quan ngại về tình trạng bất bình đẳng tại các quốc gia sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém nhưng lại phải đang đối diện với tỷ lệ lây nhiễm cao. Áp lực từ nguồn cung bị hạn chế được cảm nhận rõ nét tại quốc gia láng giềng Ấn Độ, nơi có chênh lệch giàu nghèo đáng báo động và là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai trên thế giới với hơn 9 triệu ca nhiễm bệnh.

Cho dù Ấn Độ này hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại nhưng những quảng cáo cho những chuyến “du lịch tiêm phòng” tới Mỹ đang xuất hiện ngày một tràn lan trên các hội nhóm ứng dụng WhatsApp. Gem Tours & Travels Pvt., công ty lữ hành có trụ sở tại Mumbai, cung cấp những chuyến đi như thế cho bất cứ ai mong muốn được tiêm phòng vaccine công nghệ mRNA của Pfizer, chia sẻ với Bloomberg rằng họ sẽ không tự đứng ra để đặt hàng vaccine cũng như chưa ấn định thời gian của các chuyến đi. Nhưng, trong khi công ty chưa thu tiền đặt cọc của các khách hàng, họ lại đang cố gắng thu hút những người quan tâm và thu thập các bản sao hộ chiếu của họ.

Trò chơi chờ đợi

Các nhà sản xuất tại Ấn Độ, bao gồm Viện Serum Ấn Độ - đang thử nghiệm trên người đối với sản phẩm vaccine của AstraZeneca, và sẽ tự sản xuất ít nhất 1 tỷ liều nếu như được “bật đèn xanh”, đã phần nào xoa dịu những quan ngại rằng giới nhà giàu sẽ nhận được những lô vaccine hiếm hoi đầu tiên. Họ cho biết chính phủ Ân Độ có ý định dành những lô vaccine đầu tiên cho nhân viên trên tuyến đầu chống dịch và những người yếu thế trước khi tung sản phẩm ra thị trường.

Nhưng điều đó không thể ngăn cản những cuộc điện thoại gọi đến giám đốc điều hành của Serum, Adar Poonawalla, thuyết phục ông cho họ được nhận những sản phẩm đầu tiên. “Tôi đã từ chối, cho dù người đó giàu có và quyền lực tới cỡ nào, hoặc đó là một người bạn thân thiết. Tôi cho rằng chúng ta đều phải chờ đợi”, ông nói hồi đầu tháng 11.

“Tất nhiên, ban đầu sẽ là những người bạn, rồi xuất hiện thêm nhiều người khác nữa. Con số sẽ lên tới hàng trăm người, chẳng đáng là bao nếu so sánh với năng lực sản xuất trong 1 ngày của chúng tôi”, ông cho biết. “Nhưng, việc ưu tiên những người yếu thế, người cao tuổi, những người làm việc trên tuyến đầu vẫn là trọng tâm của công ty”.

Dựa trên những gì đang xảy ra tại Trung Quốc và những thách thức liên quan đến vấn đề phân phối vaccine tới toàn thế giới, không ít người cảm thấy hoài nghi về sự công bằng.

Anil Hebber, chủ một công ty thiết bị y tế đồng thời cũng tình nguyện tham gia vào chương trình thử nghiệm vaccine của AstraZeneca tại thành phố Mumbai sau khi một người bạn qua đời vì Covid-19 cho biết có không ít người đang sử dụng những giấy tờ chứng minh được đóng dấu, vốn chỉ được sử dụng cho các nhân viên y tế, để có thể di chuyển trên hệ thống tàu hỏa của thành phố. Ông không khỏi “rùng mình” khi tưởng tượng về viễn cảnh một khi các loại vaccine được triển khai trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.

“Tất cả mọi người sẽ nhận mình là y tá, hoặc một bác sĩ hay một nhân viên bệnh viện”, Hebbar cho biết. “Con người luôn sử dụng những thủ đoạn để phục vụ lợi ích của chính mình”.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM