Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi “Nam tiến” bởi giá chênh lệch quá cao

27/02/2019 09:41 AM | Xã hội

Tình trạng lợn hơi được các thương lái vận chuyển vào các tỉnh phía Nam do mức chênh lệch giá cao từ 7.000đ-9.000đ/kg đang khiến các chuyên gia dịch tễ học và chủ các trang trại chăn nuôi lo ngại nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào các tỉnh phía Nam.

Theo thống kê, giá lợn hơi khu vực phía Nam, đặc biệt là tại các tỉnh vùng ĐBSCL trong mấy ngày gần đây chênh lệch khá cao với giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc, khiến gia tăng tình trạng thương lái “đánh hàng” vận chuyển lợn hơi từ Bắc vào Nam để hưởng chênh lệch.

 Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi “Nam tiến” bởi giá chênh lệch quá cao  - Ảnh 1.

Giá lợn hơi cập nhật ngày 26.2.


Ngày 26.2.2019, tại các tỉnh ĐBSCL giá lợn hơi xê dịch từ 52.000đ-56.000đ/kg (An Giang: 56.000đ/kg; Cà Mau: 55.000đ/kg; Cần Thơ, Đồng Tháp: 54.000đ/kg; Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long: 53.000đ/kg). Tại TPHCM giá lợn hơi ở mức 52.000đ/kg…

Trong khi đó giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc, nơi cao nhất cũng chỉ 46.000đ/kg, nơi thấp nhất chỉ 41.000đ/kg.

Lợi dụng dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào một số tỉnh, giá lợn hơi chênh lệch giữa các vùng miền, một số thương lái đã tăng cường gom lợn chở vào các tỉnh phía Nam. Đồng thời, nhiều thông tin giả cũng được các thương lái tung ra nhằm gây nhiễu thông tin để người chăn nuôi hoang mang, bán tháo lợn với giá rẻ.

Theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi TPHCM, hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 con lợn được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM bày tỏ lo ngại khi giá lợn 2 miền đang chênh lớn nên rất dễ xảy ra hiện tượng “bán tháo” từ Bắc vào Nam, có thể khiến nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lây sang các tỉnh khác và bùng phát thành dịch lớn.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, với mức đền bù theo quy định là 38.000đ/kg đối với lợn bị tiêu hủy, mức bán tại thị trường lên tới 41.000đ - 56.000đ/kg rất dễ tạo tâm lý “cố vớt vát” khiến người dân bán tháo lợn để tránh thua lỗ.

Theo KH.V

Cùng chuyên mục
XEM