Người xây chuỗi giá trị cho quả chanh

09/06/2017 07:41 AM | Kinh doanh

Từ ước mơ có một gia trại, Nguyễn Văn Hiển cùng bạn bè chuyển đổi vùng đất hoang vu thành cánh đồng chanh bạt ngàn. Những trái chanh được tăng thêm giá trị với chuỗi sản phẩm chế biến để xuất ra nước ngoài.

Nằm cạnh quốc lộ N2 đoạn qua Bến Lức, Long An là nhà máy mới đang được Chanh Việt hoàn thiện để gia tăng công suất chế biến chanh. Đó cũng là điểm đầu của con đường bê tông ngoằn ngoèo, xe máy qua lại đưa công nhân vào vườn chanh dài ngút mắt, vận chuyển vật liệu trồng chanh, chở trái về nhà máy. Một trăm năm mươi hécta của Chanh Việt đã khởi đầu cho vùng trồng chanh gần 7.000 hécta của huyện Bến Lức - đưa cây chanh thành một trong những cây trồng quan trọng, cho giá trị cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.

* Từ một người làm xây dựng, ông bắt đầu với nông nghiệp như thế nào?

- Xây dựng vẫn là nghề chính tôi đang làm, còn nông nghiệp là cái duyên. Ban đầu cũng như nhiều người khác, có dư dả chút ít thì mua đất để dành, mai này làm cái gia trại vườn ao chuồng để cuối tuần bạn bè tụ tập, bởi nghề xây dựng bôn ba các công trình, tối ngày cơm áo gạo tiền, rất cần một nơi thư giãn.

Nhưng mua xong bỏ đất lại thấy lãng phí, anh em muốn làm cái gì đó nhưng lại chưa biết làm gì, chỉ đơn giản là rất thích làm. Ngày xưa ở Quế Trung quê tôi (huyện Quế Sơn, Quảng Nam trước đây), nhà có mảnh đất vài sào đã thấy lớn, bây giờ đứng giữa mênh mông đất phương Nam mà không làm gì thì tiếc quá. Mày mò sáu bảy năm rồi cũng ra được những thứ cơ bản như bây giờ.


Ảnh: Quý Hòa

Ảnh: Quý Hòa

* Nhưng tại sao ông chọn cây chanh?

- Chúng tôi tìm hiểu nhiều loại cây nhưng sau cùng xác định được vùng đất này phù hợp với cây chanh. Suy nghĩ lúc đó là mình có thông tin, có lẽ hiểu biết nhiều hơn nông dân, nhất định phải có cách làm nào đó tốt hơn họ. Chúng tôi cũng tính toán phải làm cách khác đi, chứ nông dân bán đất cho mình đi làm công, mình lại làm như cách cũ thì như không!

Ngay cả khi trồng được chanh rồi cũng chưa nghĩ sẽ chế biến. Từ từ gỡ từng bước, những gì không làm được thì tìm đến các nhà khoa học. Từ đó chúng tôi xác định trồng chanh theo phương pháp hữu cơ và phải gắn với thị trường xuất khẩu để tăng giá trị, nên ngay từ đầu đã tuân thủ theo quy trình sản xuất của châu Âu.

* Làm cách nào để từ việc chỉ tính xuất khẩu chanh trái đi châu Âu, ông hình thành được chuỗi sản phẩm chế biến từ trái chanh như hiện nay?

- Cây trồng theo phương pháp hữu cơ thì tất cả trái không thể to đẹp đều như nhau, trái loại 1 đủ chuẩn xuất đi châu Âu chỉ khoảng 30 - 40% sản lượng. Phần còn lại nếu bán giá thấp như trồng đại trà thì không bõ công mà còn quay lại cạnh tranh với nông dân. Chúng tôi nghĩ nhiều hướng để chế biến.

Theo thông tin khoa học thì tinh dầu chanh chứa hơn 20 hoạt chất chống ung thư, như vậy là rất quý, có giá trị cao, thị trường lại chủ yếu loại pha hóa chất, hương liệu. Chúng tôi bắt tay nghiên cứu chiết xuất, 10 kilôgam chanh trái lấy vỏ chiết xuất chỉ được 10 mililít tinh dầu.

Lấy vỏ rồi thì ruột chanh phải bỏ đi. Nghĩ lúc nhỏ mỗi lần bị cảm, ba mẹ pha cho ly nước chanh là đỡ, thức uống giá trị vầy sao lại bỏ, thế là nghiên cứu làm máy vắt nước chanh. Ban đầu định tặng các trường học nhưng buộc phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nên khó. Lại đi gõ cửa các nhà khoa học. Nhờ thế mà những sản phẩm từ quả chanh lần lượt ra đời: tinh dầu chanh, nước cốt chanh, bột chanh sấy, nước giải khát đóng hộp, cho đến lá chanh, chanh lát sấy đưa đến các hội chợ triển lãm để chào hàng.

Dân gian có câu "Vắt chanh bỏ vỏ”, chúng tôi thì chẳng bỏ đi thứ gì trong quả chanh. Bã chanh cũng có thể làm kẹo, mứt. Nước cốt, vỏ chanh chúng tôi cung cấp cho Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà để họ kết hợp với cao cá sấu bào chế thuốc điều trị cho các bé bị bệnh xương thủy tinh (một nghiên cứu đã được quốc tế công nhận điều trị hiệu quả). Gia vị thì có muối tiêu chanh, muối ớt chanh, chanh xắt lát hoặc lá chanh sấy giữ lại độ xanh và dinh dưỡng làm gia vị để chế biến thức ăn. Cứ làm từng cái một...

* Rồi làm thể nào để ông đưa trái chanh lên giá trị cao hơn?

- Nước cốt chanh cung cấp cho một số doanh nghiệp Nhật Bản là sản phẩm đầu tiên đủ chi phí cho chúng tôi hoạt động. Dù mình đã xuất theo chuẩn châu Âu nhưng họ cũng không tin, xuống tận nơi kiểm tra vùng nguyên liệu, kiểm tra giống, cách trồng trọt. Để đàm phán được hợp đồng cung cấp nước chanh đóng lon với khách hàng Úc cũng mất gần một năm. Họ cùng mình thử nghiệm từ độ ngọt, độ chua, vị thơm... Rất mừng đó là doanh nghiệp toàn cầu đặt số lượng lớn, mỗi ngày vài container nước chanh đóng lon và nhu cầu còn lớn hơn rất nhiều.

May mắn chúng tôi là dân xây dựng, có chút hiểu biết máy móc nên tìm thiết bị về phối hợp với các kỹ sư cơ khí thiết kế cho phù hợp, rồi mày mò pha trộn công thức chế biến trái chanh chứ thị trường chưa có ai để học hỏi. Chúng tôi bôn ba ở thành phố nên nắm được nhiều thông tin khách hàng, từ đó còn kéo đối tác Đài Loan, Ấn Độ vào thu mua chanh cho nông dân. Họ đầu tư cả giống, mua chanh ép lấy nước nguyên liệu xuất về nước. Hướng của chúng tôi là chế biến sâu để nâng toàn chuỗi lên, nông dân sống tốt thì chuỗi sẽ tốt lên.

* Quan điểm của ông về kinh doanh và lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp?

- Chúng tôi chưa đặt nặng lợi nhuận. Hồi mới đến đây, tràm gió bạt ngàn, cứ bốn giờ chiều phải trở về TP.HCM vì không chịu nỗi muỗi và những côn trùng khác. Việc đầu tiên là chúng tôi kéo điện về (2011). Có điện bà con nông dan khoan giếng lấy nước sạch thay vì dùng nước sông và nước mưa.

Muốn di chuyển trên vùng đất sình lầy thì phải làm đường bê tông để đi lại, xe máy có thể len lỏi vào tận vườn. Khi chúng tôi làm được cái cơ bản thì Nhà nước đầu tư hạ tầng mạnh hơn, ô tô vào tận xóm ấp. Từ 150 hécta, bây giờ thì cả một vùng trồng chanh bạt ngàn gần 7.000 hécta. Đó là niềm vui lớn đối với chúng tôi.

* Xây dựng một thương hiệu nông sản quả là rất khó khăn...

- Chúng tôi không vội, phải chuẩn bị đủ cho thương hiệu Chavi của Chanh Việt. Thị trường rộng lớn lắm. Những tập đoàn lớn họ sẵn sàng để mình làm sản phẩm theo thương hiệu của họ, nhưng chúng tôi không chọn cách đó. Hoặc có nơi đồng ý lấy thương hiệu Chanh Việt nhưng yêu cầu tăng thời gian bảo quản sản phẩm.

Như vậy là phải có phụ gia. Nhưng tôi nghĩ mình không đến nỗi "cố đấm ăn xôi", trước mắt có lợi một tí nhưng lâu dài sẽ thua. Làm theo họ tức không xác định được giá trị cốt lõi Chanh Việt. Những cái khó nhất đã làm được, đã xác định được sản phẩm sạch thì cứ thế mà cố gắng. Người ta kinh doanh khách sạn có cả cà phê, trà trong từng phòng, biết đâu mai này có cả gói bột chanh nguyên chất? Xu hướng thị trường là sản phẩm sạch, cơ hội luôn rộng lớn.

* Bao giờ những sản phẩm mang thương hiệu Chavi của ông có mặt ở thị trường nội địa?

- Hiện tại tôi biết chi phí cho kênh bán hàng trong nước khá cao, lại phải cho nợ tới 45 ngày, trong khi công suất mình chưa đủ xuất cho khách hàng nước ngoài. Mục tiêu bây giờ của Chanh Việt là tập trung làm sản phẩm tốt để xuất khẩu. Nói thật, chúng tôi đã có kế hoạch kinh doanh nội địa, chuẩn bị cả việc bán trên các kênh trực tuyến, nhưng phải đi từ từ, đến lúc nhà máy mở rộng được công suất mới bung ra.

* Ông nghĩ gì về nông sản Việt Nam trong chuỗi sản phẩm từ trái chanh mà Chanh Việt đang làm?

- Làm nông nghiệp mà không chế biến thì giá trị rất thấp. Hằng tháng chúng tôi xuất khoảng 20 tấn chanh đi châu Âu, giá khoảng 1USD/kg. Giá vậy không cao nếu so với mua ở chợ hay siêu thị, có khi 30.000 đồng/kg. Nhưng người nông dân đâu được hưởng giá tốt và ổn định như vậy, bởi phải qua vài ba cấp trung gian mới ra đến thị trường.

Canh tác quy mô lớn thì không thể mày mò, phải biết cây cần gì bằng khoa học chứ không chỉ bằng cảm giác. Để có vùng chuyên canh lớn theo phương thức hữu cơ cần nghiên cứu về chỉ tiêu đất, nước, phân, cách chăm sóc, năng suất... Chúng tôi phải gõ cửa các trường đại học. Họ thấy mình tâm huyết với cây chanh nên hết lòng chia sẻ.

Khi tôi đưa những sản phẩm đầu tay đến thầy Xuân (GS-TS. Võ Tòng Xuân), thầy hết sức ủng hộ và khuyến khích. Hằng năm một số trường ở Mỹ đưa sinh viên đến trang trại Chanh Việt tham quan và còn gửi chuyên gia tinh dầu sang góp ý giúp chúng tôi. Hiện Chanh Việt cũng đã ký kết nghĩa, nghiên cứu với Chapman University của Mỹ và Universiti Putra của Malaysia.

* Còn về tính bền vững trong nông nghiệp?

- Như ông bà mình nói, ăn chắc mặc bền. Phát triển chuỗi sản phẩm từ một cây nông nghiệp hay công nghiệp theo xu hướng canh tác bền vững và chế biến sâu sẽ có giá trị lớn nhưng phải từng bước, phải hiểu biết thị trường, phải kết hợp với nông dân và các nhà khoa học để cùng đưa chuỗi giá trị lên, chứ không thể tự thân với hết tất cả được.

Mình làm rồi nông dân thấy có lợi họ mới theo, đời sống họ tốt lên thì chuỗi sản phẩm mới bền. Tôi chắc chắn khi làm ăn đàng hoàng thì lợi nhuận sẽ đến và có thể mở rộng. Như khi thấy Chanh Việt canh tác hữu cơ, các đối tác Nhật mới đặt trồng đu đủ, trồng chuối, bao tiêu hết. Nhiều đối tác Đài Loan đặt chanh dây, bao nhiêu cũng mua hết nhưng phải sạch. Một doanh nghiệp Singapore đặt trái gấc và chế biến sơ bộ để người ta làm thành phẩm. Nếu một mình sao làm hết được tất cả?

* Ông quan niệm thế nào về sự thành công?

- Ngay từ điểm xuất phát, chúng tôi đã không tham vọng nhiều. Mọi việc đến tự nhiên và mình làm được những thứ căn bản để tự tin đi xa hơn. Đất đai cũng nhờ dành dụm mà có nên cũng không bị áp lực gì. Sinh ra ở miền Trung, tôi nhớ mãi cảnh ba mẹ dầm mưa dãi nắng ngoài đồng nuôi con ăn học.

Đi học về là vào núi chặt củi, bứt đót bán kiếm thêm. Lúc trưởng thành có được chút tiền thì ba tôi đã qua đời. Cảm giác bùi ngùi đó nó theo tôi suốt đời. Vì thế mà bây giờ gắn với nông nghiệp tôi có những cảm xúc riêng và rất ưa thích. Tôi nghĩ cơ hội rất nhiều, làm được gì thì sẽ cố gắng hết sức.

Để kiếm tiền thì ở thành phố có thể kiếm nhiều hơn. Mục đích ban đầu không phải vì kinh tế nên chúng tôi quyết tâm làm ra cái gì đó gắn liền với sản phẩm nông nghiệp nước nhà. Đó là lý do tôi đặt tên công ty là Chanh Việt.

Giá trị đó phải mang thương hiệu của người Việt. Thấy người Thái thu mua trái cây của Việt Nam với giá rất rẻ, sơ chế xuất qua Malaysia, Singapore với giá cao, các nước ấy chế biến xuất lại Việt Nam với giá gấp nhiều lần mà xót xa. Nói đến trái cây là nghĩ người Thái hơn mình, chưa chắc. Tôi dám khẳng định người Thái bây giờ không cạnh tranh được sản phẩm từ quả chanh với Chanh Việt.

* Trung tâm nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp Chanh Việt sắp hoạt động, ông dự tính thế nào?

- Văn phòng sắp hoàn thành ở TP.HCM là để có một nơi thuận tiện cho các nhà khoa học nghiên cứu chuyên về sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, có lợi thế của Việt Nam, tính toán các yếu tố trồng trọt và năng suất để hỗ trợ nông dân.

Chanh Việt có được như ngày nay cũng nhờ các nhà khoa học ở các trường đại học giúp đỡ. Có những thạc sĩ được trường đưa về trang trại Chanh Việt nghiên cứu, khi hoàn thành, những đề tài đó đưa vào ứng dụng, họ lại về cùng làm với tôi, gắn bó với Chanh Việt. Họ cần một nơi thực nghiệm để góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đi xa hơn nữa.

* Cám ơn những chia sẻ thú vị của ông!

Theo TUYẾT ÂN

Cùng chuyên mục
XEM