Người Việt xem livestream game hàng giờ dù không biết chơi: Một thị trường “béo bở” sau hành vi tưởng chừng đơn giản

18/03/2019 08:03 AM | Kinh doanh

Thống kê của Appota cho thấy nhiều người Việt dành tới từ 1-3 giờ đồng hồ mỗi ngày để xem livestream game, dù đó là những game mà họ không tham gia chơi.

Thể thao điện tử (eSport) ra đời từ khá sớm, tuy nhiên vài năm trở lại đây cùng với sự bùng nổ của công nghệ và mạng Internet, ngành này đang trở thành một xu thế phát triển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đây là bộ môn thể thao sử dụng trò chơi điện tử, với thể thức thi đấu trực tiếp (livestream) qua các giải đấu bán chuyên và chuyên nghiệp; có luật lệ, yêu cầu thi đấu được xác định rõ ràng và bảo đảm bởi trọng tài.

Sự phát triển của thể thao điện tử đã kéo theo nhiều cơ hội giải trí mới, không chỉ cho người trực tiếp tham gia mà còn cho các khán giả quan tâm, những người có thể không chơi nhưng vẫn thích xem các trận đấu game đầy kịch tích.

Điểm đặc biệt là có tới 52% người xem theo dõi những game mà họ không hề chơi, thậm chí coi đó là một phần giải trí không thể thiếu của cuộc sống.

Theo báo cáo eSports Việt Nam 2019 do Appota phát hành gần đây, với 37% khán giả eSport, việc xem livestream game đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày, bên cạnh đó gần một nửa người trả lời thường xuyên xem livestream game ít nhất một lần một tuần.

Người Việt xem livestream game hàng giờ dù không biết chơi: Một thị trường “béo bở” sau hành vi tưởng chừng đơn giản - Ảnh 1.

Tần suất xem livestream game của khán giả Việt.

Với những người xem livestream eSports hàng ngày, có tới 67% dành hơn một tiếng mỗi ngày cho việc theo dõi các chương trình eSports trực tiếp.

"Điều này cho thấy việc xem livestream đã trở thành thú vui không thể thiếu cho họ", Appota nhận định.

Người Việt xem livestream game hàng giờ dù không biết chơi: Một thị trường “béo bở” sau hành vi tưởng chừng đơn giản - Ảnh 2.

Thời gian xem livestream eSport trung bình mỗi ngày.

Trong năm 2019, số người chơi eSport dự kiến sẽ đạt 26 triệu, nghĩa là khoảng hơn ¼ dân số Việt Nam, và người xem livestream tương đương có thể lên tới 15 triệu.

Appota dự đoán điều này sẽ mang lại những cơ hội phát triển đầy tiềm năng phía sau cho nhiều nhóm đối tượng, từ các streamer, nhà quảng cáo đến những nhà sản xuất nội dung eSport.

Sự trỗi dậy của livestream game như một sự nghiệp chuyên nghiệp.

Nhu cầu về nội dung giải trí sẽ tiếp tục tăng, cùng với sự xuất hiện của các kênh phát trực tuyến eSport chuyên nghiệp như CubeTV, NimoTV tại Việt Nam sẽ củng cố sự phát triển của cộng đồng người sáng tạo nội dung chơi game. Họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để kết nối với các thương hiệu và nhà quảng cáo, cũng như môi trường huấn luyện được cung cấp bởi các công ty tài năng và sản xuất nội dung eSport chuyên nghiệp.

Việc stream game giờ không chỉ là một trò tiêu khiển, giải trí lúc rảnh rỗi mà hoàn toàn có thể trở thành một ngành nghề tiềm năng với thu nhập "khủng" và được xã hội công nhận.

Tăng lượng người xem và độ phủ sóng trên truyền hình

Với nhu cầu giải trí ngày càng cao, sẽ ngày càng có nhiều nhà sáng tạo nội dung, kênh truyền thông và nhà tổ chức sự kiện eSports tham gia thị trường. Hơn nữa, khi những vận động viên chuyên nghiệp xuất hiện với quốc kỳ tại đấu trường thể thao quốc tế, sẽ có nhiều tin tức hơn trên các kênh truyền hình truyền thống, giúp nâng cao nhận thức về eSports tới toàn dân như một môn thể thao chính thức.

Việt Nam sẽ là điểm đến của các sự kiện thể thao điện tử quốc tế.

Đã có thông báo rằng giải đấu Mid Season Invitational của Liên Minh Huyền Thoại và giải World Cup Liên Quân sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2019. Cũng đã có sự xuất hiện của ESL – đơn vị tổ chức sự kiện eSports hàng đầu thế giới – tại Việt Nam với giải đấu đầu tiên cho tựa game Apex Legends. Từ năm 2019 trở đi, cùng với các quốc gia châu á khác như Phillipin, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, Việt Nam sẽ nổi lên như một địa điểm mới cho việc tổ chức các sự kiện thể thao điện tử tầm cỡ quốc tế.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM