Người Việt và ám ảnh tuổi già

25/03/2016 21:06 PM | Sống

Đã đến lúc các bậc cha mẹ Việt Nam cần thay đổi tư duy,không nên coi con cái là một kênh đầu tư cho tuổi già.

Tôi đã từng rất dị ứng khi nghĩ đến chuyện những ông cụ, bà cụ dù có gia đình con cái đàng hoàng nhưng vì một lý do gì đó phải sống trong viện dưỡng lão, bởi lẽ trong thâm tâm tôi việc con cái chăm sóc cha mẹ khi về già là một lẽ đương nhiên của phận làm con cháu.

Nhưng suy nghĩ của tôi đã thay đổi rất nhiều từ khi tôi sang Pháp sinh sống, chứng kiến cảnh những cụ ông cụ bà ở đây vui vẻ cùng nhau trong viện dưỡng lão trong một lần tôi đến thăm chú ruột của chồng.

Chú chồng tôi năm nay ngoài 70, có vợ và 3 con đều thành đạt, giàu có. Tôi đã từng rất ngưỡng mộ em họ vì cái cách cậu ấy chăm sóc cha mẹ mình, rất tận tâm và chu đáo. Trước đây hai ông bà sống riêng trong một căn hộ, con cháu cuối tuần về thăm, riêng cậu con trai độc thân thì hầu như ngày nào cũng ghé qua thăm nom bố mẹ.

Ông bắt đầu có biểu hiện suy giảm trí nhớ khi gần đến tuổi 70, bà thì mắc bệnh khớp nên bà thành bộ não của ông, còn ông như đôi tay đôi chân của bà, suốt hơn chục năm qua. Có lẽ sẽ mãi như vậy nếu như không có biến cố, bà bị ngã gãy xương phải nằm viện vài tháng.

Ông xa bà, không có người bầu bạn nên bệnh càng nặng thêm, hầu như quên hết. Con gái phải tạm nghỉ việc về thay bà chăm ông, nhưng chỉ một chút sơ hở của cô ấy là ông lại mở cửa đi tìm bà, nhiều lần người thân tìm thấy ông trong tình trạng vô định ngoài đường. Cuối cùng mọi người quyết định gửi ông vào viện dưỡng lão.

Thú thật ban đầu tôi rất sốc, nói chuyện với bố mẹ chồng, ông bà bảo, ông bà thấy đấy là một giải pháp tốt cho cả hai phía. Ông thì được chăm sóc chu đáo, lại có những người già trong viện bầu bạn, con cái yên tâm đi làm, cuối tuần rảnh rỗi vào thăm ông. Bố mẹ chồng tôi còn dặn, sau này nếu ông bà không còn khỏe mạnh minh mẫn thì đừng giữ ông bà ở nhà, hãy cho ông bà vào viện dưỡng lão, như thế ông bà mới không cảm thấy áy náy với con cháu.

Ở Pháp, người già sống trong viện dưỡng lão là một việc rất bình thường. Có rất nhiều người có nhà cửa đàng hoàng nhưng đến tuổi già sẵn sàng bán nhà để vào viện sống hết quãng đời còn lại. Có rất nhiều sự lựa chọn, người già không có thu nhập, không con cái sẽ được đưa vào sống trong những cơ sở công do chính phủ lập ra. Những cơ sở tư nhân với điệu kiện vật chất và chăm sóc y tế hoàn hảo theo tiêu chuẩn sao của khách sạn thì đương nhiên chi phí cũng đắt tương đương.

Người Pháp có quan điểm rất khác người Việt về quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dậy con đến tuổi trưởng thành, đó là điều đương nhiên, vì một đứa trẻ không tự ý bước vào cuộc đời bạn.

Cha mẹ khiến nó ra đời thì buộc phải nuôi nó lớn, ít nhất đến lúc nó có thể tự đi làm nuôi sống bản thân mình, khi đó cha mẹ hết trách nhiệm với con cái. Việc cưới vợ, lấy chồng, mua xe, xây nhà là trách nhiệm của con đối với chính bản thân mình chứ cha mẹ không có liên quan gì.

Cha mẹ thừa tiền thừa bạc muốn hỗ trợ thì tốt, còn không cũng chẳng ai thắc mắc vì sao ông bà kia giàu thế mà con thì ở nhà thuê, đi xe nát. Ngược lại, người Pháp cũng hoàn toàn không có khái niệm con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ khi về già. Con cái khi trưởng thành, lập gia đình thì trách nhiệm lại phát sinh cho những đứa con của nó, nên cha mẹ tự thân vận động là điều hiển nhiên.

Gia đình gắn bó vui vẻ thì các kỳ nghỉ con cái đưa cháu về thăm ông bà, tặng quà cho nhau, gia đình sum họp trong vài ngày rồi việc ai nấy làm. Đa số người Pháp đều có lương hưu dù khi trẻ đi làm công ăn lương, làm chủ hay chỉ là nông dân nên mọi người đều có thể chủ động cuộc sống của mình.

Sẽ không có gì lạ nếu bạn thấy ở Pháp cảnh những người già chống gậy đi siêu thị tự mua đồ ăn, tự chăm sóc bản thân. Và với nhiều người, Viện dưỡng lão là lựa chọn hoàn hảo cho tuổi già.

Ở Việt Nam, do văn hóa và truyền thống nên cha mẹ không chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con đến lúc trưởng thành mà còn tự ôm vào mình trách nhiệm cả đến khi chúng đã lớn, đã có gia đình, con cái và đôi khi trách nhiệm cả với lớp cháu. Con cái như của để dành của cha mẹ, cứ đầu tư hết thời gian, tiền bạc vào đó để mong sinh lãi khi về già là được chúng chăm sóc, để chúng hiếu thảo và nghe lời.

Nhưng xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của mỗi người cũng không ngừng thay đổi. Việc chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ từ bữa ăn đến giấc ngủ như cha mẹ đã từng làm khi ta còn bé không phải là một điều dễ dàng gì. Không phải ai cũng có một công việc nhàn hạ để trưa chiều hai bữa kịp về nấu cơm cho ông bà, chăm ông bà khi đau ốm và vẫn phải lo toan trách nhiệm với lớp sau là con cái của chính mình.

Người giúp việc là một giải pháp nhưng chắc chắn không phải là một giải pháp tối ưu vì người giúp việc đa phần không được đào tạo bài bản để chăm sóc người già, trẻ nhỏ nhất là khi trái gió trở trời. Thêm vào đó thiết kế các ngôi nhà và trang thiết bị trong các gia đình Việt thật sự chưa thể đáp ứng được việc đảm bảo an toàn cho người già nếu để các cụ ở nhà một mình khi con cái đi làm, nhất là với những cụ gặp vấn đề về vận động hoặc suy giảm trí nhớ. Chưa kể đôi khi con cái sinh sống làm việc xa, việc sắp xếp để chăm sóc cha mẹ không phải là điều đơn giản.

Đã đến lúc các bậc cha mẹ Việt Nam cần thay đổi tư duy, không nên coi con cái là một kênh đầu tư cho tuổi già. Tự mình hoạch định cho mình, tự tích lũy tiền bạc, tự chủ cho cuộc sống là cách tốt nhất để đảm bảo cho tuổi già được thanh thản, bình an. Và Viện dưỡng lão chắc chắn không phải là lựa chọn tồi.

Theo Đan Hà

Cùng chuyên mục
XEM