Người Việt "trong sạch" trong hồ sơ Panama: Có đi kiện ngược?

12/05/2016 08:58 AM | Xã hội

"Không thể nói cả 189 cá nhân có tên đều hoàn toàn không có vấn đề gì" - luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO nhận định về việc 189 cá nhân có tên trong “Hồ sơ Panama”.

Đó là nội dung chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, liên quan đến việc 189 cá nhân có tên trong “Hồ sơ Panama”. Đây được cho là vụ tiết lộ về bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử.

Theo dữ liệu "Hồ sơ Panama" vừa được công bố, liên quan đến Việt Nam có 189 cá nhân. Trong đó, có nhiều tên tuổi lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng tại Việt Nam như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Sovico kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ; ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)…

Dưới góc nhìn luật pháp, danh sách này có ý nghĩa như thế nào? PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia về pháp luật kinh tế để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm đến việc công bố hồ sơ Panama có tên 189 tổ chức cá nhân tại Việt Nam. Từ góc nhìn luật pháp ông có đánh giá thế nào về thông tin này?

Nhìn về mặt hình thức có thể thấy 2 khía cạnh.

Thứ nhất, theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền, có dấu hiệu của những “hành vi đáng ngờ” cần phải xem xét.

Thứ 2, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tài liệu của nước ngoài có thể chưa được xem xét nhưng khi báo chí Việt Nam đã đăng công khai thì đã có dấu hiệu của tố giác tội phạm. Phản ánh thông tin về tội phạm.

Tất nhiên, tôi phải nhắc lại cả 2 điều này cũng chỉ là “dấu hiệu” thôi.

Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xem xét khi có những thông tin này. Có thể những người được nhắc tên ở đây không vi phạm gì, minh bạch hợp pháp. Có thể vi phạm ở chừng mực nào đó như hành chính, nhưng cũng không loại trừ tội phạm hình sự như tội trốn thuế, tội rửa tiền hoặc những tội liên quan khác.

Nhưng thưa ông, theo thông tin “hồ sơ Panama” đưa ra, chỉ mới dừng lại ở những cái tên cá nhân, tổ chức, địa chỉ, vậy đã đủ cơ sở để coi là “tin tố giác tội phạm” hay chưa?

Theo thông lệ quy định pháp luật của các nước, lãnh thổ đó không cần đẩy đủ như pháp luật Việt Nam, nhưng chỉ cần có căn cứ để xác định đó là ai, ở đâu. Thông tin đó sẽ kèm theo những hoạt động nào đó có dấu hiệu như trốn thuế, hay hành vi khác thì cần phải bắt tay vào xem xét.

Theo tôi, trước tiên phải yêu cầu người ta giải trình, tại sao xuất hiện trên danh sách đó, có sai phạm gì không, lý do. Nếu họ xuất trình đầy đủ các giấy tờ có liên quan mà họ làm đúng pháp luật vẫn cho phép. Hoặc được thực hiện giao dich như vậy nhưng họ đã kê khai và nộp thuế. Họ làm đúng quy trình thủ tục thì được pháp luật cho phép.

Ngược lại, cũng có thể do sai sót, do không nắm vững quy định của pháp luật nhưng cũng có thể do cố tình vi phạm, mà họ có thể có những vi phạm trong giao dịch của mình. Chỉ khi nào cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì sự việc mới rõ ràng.

Phải chăng quan điểm của ông là các cơ quan cần vào cuộc xem xét để xác định xem thực hư thế nào, nếu người đó không vi phạm thì cần xử lý, nếu không vi phạm cũng cần phải trả lại sự trong sạch cho các cá nhân, tổ chức này?

Đúng như vậy. Rất cần sự xem xét kịp thời của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Hiện tại, một số cá nhân có tên trong hồ sơ Panama đã lên tiếng phủ nhận những ngi ngờ và khẳng định việc kinh doanh của mình là hoàn toàn hợp pháp. Ông có đánh giá gì về trả lời này?

Việc phản ứng nhanh của những cá nhân có tên như vậy là cần thiết. Điều này chứng tỏ họ đã thừa nhận là có những giao dịch liên quan.

Có thể có phần nào đó, các cá nhân, tổ chức này thực hiện đúng quy định, chứ không thể nói tất cả đều sai. Nhưng cũng có thể có giao dịch nào đó sai, ở chừng mực nào đó.

Cũng giống doanh nghiệp trong nước, họ đều muốn làm đúng, nhưng khi các cơ quan chức năng soi xét thì mới phát hiện ra những sai phạm.

Trong trường hợp này, có rất nhiều các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, xem xét. Chẳng hạn như liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, Cục phòng chống rửa tiền của ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, cơ quan thuế.... Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật mức độ hình sự có thể liên quan đến Bộ Công an vào cuộc.

Thưa ông, nhìn từ góc độ luật pháp, việc công bố những thông tin này mà chưa có gì rõ rằng thì có gì vi phạm không?

Ở nước ta cũng như nước ngoài việc bảo vệ thông tin kinh doanh, người tiêu dùng thì đều có những quy định bảo mật rất nghiêm ngặt. Nhưng trong trường hợp này, việc công bố thông tin công khai như vậy cho thấy thế giới đánh giá các cá nhân, tổ chức này “có vấn đề”, có thể có sự gian lận hoặc có vi phạm nào đó.

Nằm trong bối cảnh như vậy, người ta chấp nhận công bố những thông tin bí mật ảnh hưởng đến nhiều quốc gia hoàn toàn có căn cứ, có cơ sở, quan trọng nó có dấu hiệu nghi ngờ, cần phải xem xét. Chắc chắn thông lệ luật pháp cho phép công bố như vậy.

Xin hỏi ông, nếu các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra, xem xét mà những tổ chức cá nhân bị nêu tên đều “trong sạch” thì họ có quyền kiện lại Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) hay không?

Tôi nghĩ là không kiện được. Vì về nghiệp vụ, chuyên môn về báo chí, khi họ đã xem xét cân nhắc rất kỹ lưỡng với hàng trăm nhà báo, nhiều cơ quan báo chí liên quan. Họ sẽ không dễ gì lại làm một cách sơ sài, chủ quan, sai pháp luật. Một điều có thể khẳng định là ít nhiều sẽ có vi phạm. Sẽ có những rắc rối nhất định, chỉ có điều là có đến mức hình sự hay không, nhiều hay ít, toàn bộ hay một phần.

Không thể nói cả 189 cá nhân có tên đều hoàn toàn không có vấn đề gì.

Xin cảm ơn luật sư!

Theo Hồng Chuyên

Cùng chuyên mục
XEM