img

Hùng Trần, một người Việt có tiếng ở Thung Lũng Silicon, tự nhận mình vẫn nghèo và sẽ trắng tay hoàn toàn nếu Got It! sập tiệm. Dù đang khởi nghiệp với phương châm siêu tiết kiệm và vẫn di chuyển bằng vé máy bay giá rẻ để tiết kiệm chi phí, nhưng giấc mơ tỉ đô và công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu của TS. Trần Việt Hùng, chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế.

Là mảnh đất hứa của khởi nghiệp toàn cầu (vốn lớn, hạ tầng kỹ thuật tốt, nhân lực giỏi hàng đầu thế giới), nhưng tỷ lệ startup thành công ở Thung lũng Silicon vẫn chỉ là 10%. Số lượng startup Việt thành công càng hiếm hoi hơn.

Vậy nhưng suốt nhiều năm qua, Got It! – nền tảng kết nối những người dùng với chuyên gia hàng đầu trên toàn cầu, do TS Trần Việt Hùng (Hùng Trần) sáng lập không ngừng mở rộng về quy mô và đối tượng người dùng. Ứng dụng đầu tiên dành cho lĩnh vực giáo dục của nền tảng đã giữ vị trí ứng dụng thứ 2 về giáo dục được tải nhiều nhất trên Apple App Store Mỹ, được Apple tôn vinh với rất nhiều danh hiệu khác nhau.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 1.

Phóng viên: Tôi rất muốn bắt đầu câu chuyện bằng chuyến bay về Việt Nam công tác lần này của anh vì tôi thực sự tò mò, khi đặt công ty ở cách xa Mỹ nửa vòng trái đất, anh có mục tiêu gì?

Hùng Trần: Trước năm 2011, trong giới công nghệ chưa từng có mô hình nào kết hợp nguồn lực giữa Mỹ và Việt Nam như Got It!. Vì thế, khi quyết định mở công ty trong nước, tôi muốn thử xem, với các nguồn lực ở đây, liệu chúng tôi có thể xây nên một công ty công nghệ mang tính toàn cầu hay không?

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 2.

Có thể chúng tôi sẽ thành công. Hoặc không!

Nếu thành công, điều ấy phần nào chứng minh rằng, những kỹ sư Việt Nam nếu được đào tạo tốt và có môi trường làm việc tốt, họ hoàn toàn có thể tham gia sân chơi công nghệ toàn cầu. Mô hình của Got It! có thể coi là tiên phong. Nếu như nó được nhân rộng thì trong số hàng trăm, hàng nghìn công ty vươn ra thế giới như vậy, tôi tin, chắc chắn sẽ có một vài doanh nghiệp trở thành "ông lớn", gây sức ảnh hưởng. Tới lúc đó, người Việt đi đâu "chém gió" cũng có chút cơ sở.

Hiện số lượng nhân sự công ty tôi ở Việt Nam là 65 người trong khi tại Mỹ là 25 người và Ấn độ là 3 người. Nếu chấm nhân sự bên Mỹ đạt 10 điểm thì các kỹ sư Việt Nam cũng đang ở tầm 7-8. Đó là điều rất đáng tự hào.

Phóng viên: Anh vừa nói đến cụm từ "chém gió", tôi rất muốn biết, theo cảm quan của anh, người Việt thường "chém gió" thế nào?

Hùng Trần: Tôi thấy nhiều người nói về khởi nghiệp như điều gì đó rất dễ dàng và coi đó là con đường tắt để làm giàu trong khi không thực sự hiểu sâu sắc rằng, làm khởi nghiệp vô cùng rủi ro.

Ngoài ra, nhiều người theo phong trào, hô hào rất nhiều về khẩu hiệu vươn ra thị trường toàn cầu trong khi bản thân họ có rất ít kỹ năng, hiểu biết về những thứ đó.

Cuối cùng là rất nhiều bạn chạy theo trào lưu startup công nghệ thay vì thực sự tìm kiếm lời giải đơn giản nhất về công nghệ cho những vấn đề thực tế phát sinh từ cuộc sống. Những thứ đó vừa làm mất thời gian của các bạn vừa gây ra những hiểu lầm cho công chúng.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 3.

Phóng viên: Khi nói Việt Nam chưa có công ty gây ảnh hưởng lớn trên phạm vi thế giới, anh nghĩ sao về những "anh lớn" trong nước như Viettel – Tập đoàn đi ra thế giới từ năm 2006, hiện đã có "chân rết" ở 11 quốc gia. Hoặc như FPT – Tập đoàn công nghệ lớn đang có nhiều đối tác nước ngoài, lấy xuất khẩu phần mềm cho thị trường toàn cầu làm mũi nhọn với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin vào năm 2021?

Hùng Trần: FPT và Viettel là hai công ty lớn nhưng lĩnh vực hoạt động của họ khác xa với những thứ tôi biết và làm tại Silicon Valley nên rất khó để bình luận về phần kinh doanh chính của họ.

Theo quan sát trên truyền thông của tôi thì họ cùng nhiều công ty lớn khác trong những năm gần đây đều đang đầu tư mạnh vào công nghệ, đặc biệt là AI. Song vấn đề tôi quan tâm là sản phẩm hay dịch vụ được tạo ra. Sản phẩm hay dịch vụ đó đó phải thành hình, có người dùng và người dùng không chỉ ở Việt Nam mà phải trải khắp nơi trên thế giới thì lúc đó mới tính là một sản phẩm có sức ảnh hưởng.

Lấy ví dụ như ngay như lúc này, nếu Google sập, cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc như Facebook đang len lỏi đến từng ngóc ngách cuộc sống ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vậy thì người Việt cũng phải có những công ty lớn mạnh, có sức ảnh hưởng sâu rộng như thế nếu muốn có tên trên bản đồ công nghệ toàn cầu như mong muốn của rất nhiều người.

Về mặt cá nhân, người Việt cũng có nhiều nhân vật xuất chúng có tầm ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn như anh Ngô Bảo Châu, anh Vũ Hà Văn, anh Quốc Lê (TS Lê Viết Quốc – Chuyên gia trí tuệ nhân tạo đứng sau thành công của Google AutoML, thành viên sáng lập của Google Brain - PV)… Tuy nhiên chưa có công ty Việt Nam nào gây ảnh hưởng như vậy.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 4.
Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 5.

Phóng viên: Có nhiều người đang cảm thấy chuyện các anh khát vọng xây một đế chế công nghệ tỷ đô ở Mỹ chẳng liên quan nhiều đến đất nước này. Một số thì ái ngại chuyện những người Việt ra nước ngoài rồi về nước hỗ trợ đào tạo, nhưng vô tình lại tiếp tục làm tăng nạn chảy máu chất xám. Liệu anh có băn khoăn với những suy nghĩ đó?

Hùng Trần: Tôi cho đó là những cách nghĩ rất hẹp. Trong giới công nghệ, ta không nên nói đến biên giới. Những người đi, học hỏi nhiều và biết được tiềm năng của mình tới đâu, khi họ phát triển, có thể sẽ giúp kéo người khác đi lên, từ đó tạo ra nguồn lực cho quốc gia.

Ngay cả một số vị lãnh đạo nhà nước mà tôi gặp, họ cũng rất ủng hộ việc kỹ sư công nghệ đi nhiều và cho rằng, nhân tài có thể đi càng xa càng tốt.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 6.

Rất nhiều người Việt thành công ở nước ngoài đang bằng cách này hay cách khác, có các hoạt động giúp đỡ thế hệ trẻ tại Việt Nam. Ví dụ, sáng lập viên của hai startup công nghệ đang rất thành công ở Silicon Valley mà tôi biết là Văn Đinh Hồng Vũ (Elsa) hay Vũ Duy Thức (OhmniLabs/Kambria) đã cùng nhau sáng lập quỹ VietSeeds (quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên giỏi vượt khó). Thức còn đồng thành lập tổ chức VietAI giúp phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Hoặc như anh Quốc Lê đang đóng góp cho ĐH Fullbright… Liệu có ai ép được họ làm những việc đó nếu họ không thật sự muốn?

Nếu như nước ta có hàng trăm, hàng nghìn người như vậy hoặc thậm chí giỏi hơn nhiều lần thì sức ảnh hưởng sẽ lớn như thế nào? Những người có tinh thần công dân toàn cầu thì đâu nhất thiết cứ phải ở Việt Nam mới giúp ích cho đất nước?

Nhìn ra thế giới, giờ đây dân tộc Ấn Độ cũng là người châu Á nhưng họ đang gây ảnh hưởng đến thế giới ra sao? Chẳng phải CEO của Google (Sundar Pichai), Microsoft (Satya Nadella) đều là người Ấn Độ? Những người như vậy sau này mới là những người tạo ra ảnh hưởng to lớn, mới là những người giúp tạo ra nguồn lực mạnh để từ đó đất nước có thể dựa vào phát triển.

Khi tôi gọi vốn vòng series A, có những nhà đầu tư họ đã từ chối vì ở Silicon Valley, họ chưa bao giờ thấy người Việt nào từ trong nước qua đó mà khởi nghiệp thành công. Những người đang phê phán việc đi ra nước ngoài, họ đã nghe về những điều như thế?

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 8.

Phóng viên: Nói về giấc mơ chinh phục toàn cầu, liệu anh có sợ bị "ném đá" như những câu chuyện đáng tiếc đã từng xảy ra với Nguyễn Hà Đông, Nguyễn Tử Quảng?

Hùng Trần: Tôi rất tiếc với trường hợp của Nguyễn Hà Đông vì trò chơi Flappy Bird của anh ấy có cơ hội vươn tới hàng tỷ người, điều mà có nằm mơ cũng không ai có thể tưởng được được nó được làm ra bởi một lập trình viên ở Việt Nam. Quả thực những áp lực dư luận và các áp lực khác… đã làm mất đi cơ hội ngàn năm có một đó.

Đối với anh Quảng, tôi rất mến anh vì anh hơn tôi khoảng 5 tuổi và hồi còn ở Bách Khoa, đã từng là thầy dạy tôi môn Lập trình Mạng.

Những người như anh Quảng ở Việt Nam không nhiều. Tôi nghĩ không chỉ có tôi mà nhiều người hiểu về công nghệ cũng đều nể trọng anh. Đó là người tuy không nói giỏi nhưng có thực làm, giàu khát vọng. Tuy nhiên, mỗi lần anh Quảng lên tiếng lại bị dư luận cho là "nổ", là "ảo tưởng".

Cá nhân tôi thì không thấy có gì "nổ" cả vì tôi nghĩ, ai cũng có quyền được khát vọng và không có gì sai khi nói về khát vọng ấy. Tôi cũng cho là những người startup mạnh mẽ vẫn có thể vượt qua được dư luận nhưng về lâu dài, nên chăng nước ta phải có thái độ khác đi với các startup công nghệ như Hà Đông, như anh Quảng?

Phóng viên: Tấn công vào thị trường ngách tìm kiếm thông tin, anh có cảm thấy lép vế trước đối thủ Google hay không? Liệu Got It! có thể trở thành kỳ lân trong thời đại mà Google đã gây nghiện toàn cầu và trở thành thói quen của hàng tỷ người?

Hùng Trần: Chúng tôi không cạnh tranh với Google. Đơn giản là người dùng, họ có một câu hỏi rất cá nhân hoá cần giải quyết và nếu không giải quyết được thì công việc có thể sẽ bị đình trệ. Got It! sinh ra để giúp giải quyết nhu cầu này.

Kết quả mà Google đưa tới người dùng là hàng loạt trang web để họ đọc, tự tìm lời giải cho câu hỏi của mình. Còn với Got It!, kết quả là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực bạn đang hỏi, có thể trao đổi trực tiếp giúp giải quyết vấn đề mà bạn đang vướng mắc.

Những ai không quan trọng giá trị thời gian thì họ có thể chọn Google. Nhưng những ai cần tới chuyên gia, cần tìm kết quả nhanh, uy tín và sự đảm bảo thì họ sẽ chọn Got It!.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 9.
Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 10.

Phóng viên: Ngoài chuyện bị nhà đầu tư hoài nghi về năng lực vì họ chưa từng thấy startup công nghệ Việt nào thành công Silicon Valley, theo anh, khởi nghiệp ở Mỹ có những khó khăn gì, đâu là khó khăn "cốt tử"?

Hùng Trần: Tôi nghĩ khởi nghiệp ở đâu, không riêng gì tại Mỹ cũng đều có vô vàn khó khăn. Nếu mọi thứ dễ dàng thì chắc thế giới này toàn chủ doanh nghiệp lớn hết rồi (cười).

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 11.

Đối với tôi, khi mở một công ty, tôi nhận ra khi một khó khăn còn chưa vượt qua được thì đã ngay lập tức có một khó khăn mới ập tới. Khó khăn trùng điệp, nối tiếp nhau. Có thể tạm xếp chúng vào các vấn đề: gọi vốn, cạnh tranh thị trường, sản phẩm, và thu hút nhân tài.

Hồi mới khởi nghiệp, nhiều khi lái xe về nhà, tôi không nhớ phải rẽ vào đường nhánh từ cao tốc để về nhà. Khi nhớ ra thì đi cách xa cả mấy chục dặm. Đó là khi tôi căng thẳng tìm cách xoay tiền để công ty tiếp tục hoạt động. Nếu không xoay xở được trong cuối tuần thì chiều chủ nhật, tôi sẽ phải thông báo cho nhân viên của mình, sáng thứ 2 nghỉ làm, không đến văn phòng.

Đã rất nhiều lần, công ty tôi rơi vào tình cảnh: hoặc sáng mai đi làm tiếp hoặc dừng lại. Rất may cuối cùng cũng đã vượt qua.

Tuy nhiên, thu hút vốn cũng không phải khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp. Phát triển sản phẩm có giá trị tích cực cho người dùng, chinh phục thị trường, vận hành công ty tăng trưởng mới là những thách thức lớn lao hơn.

Song, nếu phải chọn ra điều khó khăn cốt tử thì tôi nghĩ đó là sự cô đơn, nhất là ở giai đoạn đầu khởi nghiệp. Mặc dù có nhiều người thân luôn ủng hộ, nhưng đã không ít lần, tôi thấy mình rất cô đơn vì không ai hiểu được những điều mình nghĩ, những việc mình làm, không ai có thể thật sự giúp giải quyết vấn đề của mình.

Tôi nghĩ, nhiều startup cũng như vậy. Họ cô đơn trong nhiều quyết định, sự chọn lựa… Cảm giác đó khá khó để nói cho rõ hết tường tận.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 12.

Phóng viên: Một người Việt thành công ở Silicon Valley đã khó. Nhưng khó hơn là làm sao anh lại mời được "bố già Silicon Valley" - Peter Relan – về làm Chairman kiêm CEO của Got It! Rồi anh lại chiêu mộ được hai chiến tướng khác về làm việc cho mình là Matt Gabler, người từng phụ trách phát triển Google Books và Giacomo Lami, người từng là phó chủ tịch về sản phẩm, trực tiếp quản lý 5 sản phẩm toàn cầu của Rakuten - công ty mẹ của Viber…! Hành trình thuyết phục các vị ấy có điều gì đáng để kể?

Hùng Trần: Peter Relan là người rất nổi tiếng, được mệnh danh là "bố già Silicon Valley" khi tạo ra vườn ươm khởi nghiệp YouWeb, nơi cất cánh cho nhiều startup công nghệ đạt giá trị hàng trăm triệu USD như Crowdstar, OpenFeint – công ty được bán lại cho GREE với giá 102 triệu USD, Agawi bán cho Google, Spaceport bán cho Facebook, và gần đây nhất là Discord... Ông là một người có rất nhiều kinh nghiệm chinh chiến với nhiều vai trò khác nhau từ kỹ sư tới nhà quản lý, nhà sáng lập và nhà đầu tư.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 13.

Tôi nghĩ, founder là người có đóng góp lớn ở giai đoạn đầu nhưng giai đoạn sau chủ yếu đóng vai trò định hướng chiến lược cho công ty và hỗ trợ mỗi người để tận dụng tối đa điểm mạnh của từng cá nhân đẩy công ty về phía trước. Startup thành công quan trọng nhất là phải có một đội ngũ làm việc hiệu quả chứ không thể nào chỉ phụ thuộc vào một cá nhân. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng thu hút các nhân sự giỏi.

Để thuyết phục được Peter không dễ dàng. Phải mất nhiều tháng với không ít lần nói chuyện qua lại, Peter mới chọn đồng hành cùng chúng tôi vì ông ấy tin rằng chúng tôi có một cơ hội vô cùng lớn. Nhưng tôi nghĩ, vị trí Chairman & CEO rất đáng để Peter đồng ý vì ông ấy có thể tận dụng kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ của mình để giúp công ty đạt được các mục tiêu của mình. Tôi cũng phỏng vấn rất nhiều người khác cho vị trí này, có những người vô cùng giỏi song vấn đề chính trong trường hợp này là chọn đúng người, mời họ vào đúng vị trí.

Về trường hợp của Giacomo Lami, chúng tôi có những việc rất cụ thể mà anh ấy mơ ước được làm và khi chúng tôi trao nó cho anh, anh ấy lập tức gia nhập công ty. Mức lương và đãi ngộ không phải yếu tố chính. Phần lớn, sức hấp dẫn với những nhân sự đặc biệt như vậy tới từ cổ phần và triển vọng phát triển công ty.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 14.
Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 15.

Phóng viên: Anh từng nói rằng Got It! cần bao nhiêu tiền, nhà đầu tư cũng sẵn sàng nhưng thực tế là trải qua nhiều vòng gọi vốn, đến vòng series B, công ty mới thu hút được khoảng hơn 20 triệu USD vốn đầu tư. Vậy tương lai nếu công ty tiêu hết số tiền của nhà đầu tư sẽ là như thế nào? Anh sẽ IPO (Initial Public Offering – chào bán chứng khoán công khai) gọi vốn tiếp hay lâm vào kịch bản bán công ty như nhiều startup khác?

Hùng Trần: Sau 8 năm khởi nghiệp với thời gian thực sự đúng nghĩa startup là 5 năm, số vốn hơn 20 triệu USD huy động cho thấy sự tiêu xài đồng tiền rất hiệu quả của công ty.

Các công ty công nghệ hiện nay cần khoảng 12-13 năm mới lên sàn. Ví như Uber sau 12 năm mới tiến hành IPO, Facebook cũng vậy, Lyft cũng thế.

Quyết định IPO phải dựa vào tình hình thực tế của công ty. Nếu IPO mà mất tới 30% giá trị như Uber thì nên xem xét lại. Hay như WeWork, khi IPO, giá trị của công ty đã giảm tới 80%. Bởi tới lúc này, thông tin cụ thể của công ty lộ ra ngoài thông qua việc nộp hồ sơ để IPO.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 16.

Trước đây thời của dot.com những năm 2.000, IPO gần như là cách duy nhất để thu hút khoản vốn đầu tư lớn nên các startup nhanh chóng IPO. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều startup không cần IPO vẫn huy động được các khoản đầu tư hàng tỷ đô. Các nhà đầu tư với khoản vốn lớn như Softbank sẵn sàng đánh cược nếu thấy công ty vẫn trên đà phát triển tốt.

Sau những khó khăn về gọi vốn ở những vòng ban đầu, Got It! khá thuận lợi trong các vòng gọi vốn tiếp theo khi công ty thể hiện được tiềm năng và tốc độ tăng trưởng của mình.

Tuy nhiên, Silicon Valley cũng là nơi tập hợp thượng vàng hạ cám các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn, khi thấy công ty phát triển đến một mức độ nhất định, có thể bán để sinh lời, họ thường ép founder phải bán "đứa con" mình sinh ra. Nếu như founder không đồng tình với cách làm của nhà đầu tư, họ có thể tiến hành họp HĐQT và truất quyền của founder sau đó bán công ty để thu hồi vốn và lãi.

Thực tế, một khi công ty được rót vốn, dù chỉ một đồng thì công ty đã không còn là của riêng nhà sáng lập. Quyền lực và sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư rất lớn. Qua vòng gọi vốn series B, nếu thương lượng tốt thì tỷ lệ về quyền sở hữu công ty sẽ là 40-40-20 (tức là nhà đầu tư chiếm 40% cổ phần, 40% của co-founder và 20% của nhân viên). Càng về sau, tỷ lệ này sẽ càng nghiêng về phía các nhà đầu tư.

Nếu bị ép bán công ty thì đó là điều rất đáng tiếc với các founder vì họ luôn muốn đi đến cùng: hoặc thành công hoặc không. Cho nên việc lựa chọn nhà đầu tư uy tín ngay từ đầu là vấn đề rất đáng quan tâm.

Hiện nay, Got It! đang nhận được sự đầu tư vốn và cố vấn, hỗ trợ rất tốt từ Quỹ Capricorn Investment Group – Quỹ được sáng lập bởi chủ tịch đầu tiên của eBay, Jeff Skoll, thường lựa chọn đầu tư vào những startup hơi điên rồ một chút như SpaceX, Tesla, PlanetLab.

Chúng tôi luôn cố gắng để đi đầu trong lĩnh vực mình đang hoạt động và cũng quan sát thị trường. Nếu không thể giữ vị trí số 1, số 2 hoặc không thể tiến lên số 1 hoặc số 2 thì rất có thể bị các "cá lớn" thâu tóm hoặc "bóp chết". Còn nếu mình luôn ở số 1 hoặc số 2 thì tiếp tục tiến lên và khi thời cơ phù hợp có thể IPO.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 17.

Phóng viên: Ý anh là Got It! vẫn đang ở giai đoạn có thể đột tử bất cứ lúc nào? Và giả dụ chuyện đó không may xảy ra thật thì anh sẽ ra sao ở tuổi U40?

Hùng Trần: Nếu những gì xảy ra khiến công ty sụp đổ là nằm ở ngoài khả năng kiểm soát của mình thì phải chấp nhận.

Ở Thung lũng Silicon, môi trường cạnh tranh rất sòng phằng theo kiểu giỏi sống, dốt chết, không có chuyện chờ người đứng sau chống lưng. Các nhà đầu tư cũng rất chào đón những người từng thất bại đàng hoàng. Tức là dù lần hợp tác đầu không thành nhưng nếu bạn tử tế, lần khác họ vẫn sẽ tiếp tục rót vốn nếu thấy dự án của bạn tiềm năng.

Tôi hiện nay mới chỉ khởi nghiệp với công ty đầu tiên. Trong khi đó, ví như founder của Paypal đã làm đến công ty thứ 5 và ở công ty thứ 5 cũng phải thay đổi sản phẩm đến 3 lần mới thành công.

Kịch bản xấu nhất là tôi không còn đủ sức khỏe hoặc lý do nào đó khiến tôi không thể khởi nghiệp thì tôi vẫn còn kỹ năng để lao động kiếm sống và tôi tin mình sẽ sống rất ổn.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 18.

Phóng viên: Đương đầu với nhiều thách thức, mỗi ngày anh chỉ ngủ 3 tiếng và luôn ước có thêm 15 phút để làm việc là những chuyện anh từng chia sẻ. Ví dụ như sáng nay, khi chúng ta gặp nhau ở đây lúc 9h sáng, anh đã bắt đầu một ngày như thế nào và sẽ kết thúc nó ra sao?

Hùng Trần: Mỗi ngày tôi thường chỉ ngủ 2 chu kỳ (khoảng 3 tiếng) là đủ và cảm thấy không có vấn đề gì về sức khỏe.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 19.

Theo tôi, cách ngủ rất quan trọng. Chẳng hạn, chu kỳ ngủ của chúng ta là 90 phút. Trong chu kỳ đó có các giai đoạn ngủ nông – sâu khác nhau. Nếu thức dậy đúng vào lúc ngủ sâu thì sẽ rất mệt mỏi. Vì thế, tôi thường tính toán thức dậy vào lúc ngủ nông – giai đoạn giao giữa các chu kỳ.

Trước khi tới cuộc hẹn này, tôi tỉnh giấc lúc 5h45 để chuẩn bị cho cuộc họp với các bạn ở Mỹ vào lúc 6h sáng Việt Nam (tức 4h giờ chiều ở Mỹ). Từ 6-7h là một cuộc họp. Tiếp theo, nếu vẫn còn vấn đề cần giải quyết thì sẽ có cuộc họp khác từ 7-8h. Sau đó tôi đi tập gym, ăn sáng, và lên văn phòng lúc 10h.

Tôi chủ yếu làm việc ở văn phòng đến 21h. 22h tôi có mặt ở nhà, làm việc riêng, đọc sách đến 0h30 lại có một cuộc hợp với các bạn bên kia vào đầu ngày. Tôi thường đi ngủ lúc hơn 2h sáng.

Phóng viên: Hai người đồng sáng lập Google (Larry Page và Sergey Brin), ở tuổi ngoài 30, họ đã thành tỷ phú và gây dựng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Anh năm nay 39 và vẫn đang làm việc "điên cuồng" như vậy. Có khi nào anh thấy mệt mỏi cả về thể xác lẫn hướng đi hay không?

Hùng Trần: Tôi nhận thấy điều này, cũng không biết đúng hay sai nhưng ở Việt Nam, một số người thường dùng thước đo sự thành công bằng tiền. Còn ở Thung lũng Silicon, thước đo lại là sức ảnh hưởng.

Khi đã giàu đến một mức nào đó, tiền nhiều sẽ không giúp thay đổi cuộc sống, không làm người ta sung sướng hơn. Lúc đó, họ không quan tâm nhiều đến tiền bạc hay chuyện nhàn tản nữa mà chú ý hơn tới việc có ảnh hưởng, cống hiến thế nào đối với xã hội.

Còn về chuyện tuổi tác và tài năng, tôi nghĩ thật khó để so sánh. Những người giỏi hơn, họ có thể thành công sớm hơn, đó là điều bình thường. Nếu so sánh một lúc nữa, chắc bạn lại hỏi tôi nghĩ mình như thế nào nếu so với Mark Zuckerberg? (cười).

Thực tế, ở Thung lũng Silicon, những người đứng sau giúp các công ty tỷ đô lại là người lớn tuổi, tầm từ 40 đến 50. Khi đó họ mới từng qua chinh chiến, có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh và kiến thức để có thể đương đầu với những thách thức mà một công ty đang trên đà tăng trưởng cần.

Mark Zuckerberg rất giỏi nhưng anh ấy cũng rất may mắn khi tìm được Sheryl Sanberg. Tôi tin chính Sheryl - một người giàu kinh nghiệm vận hành đã góp phần quan trọng giúp công ty hoạt động đâu ra đấy. Mọi người biết đến Mark nhiều hơn nhưng ít ai quan tâm đến những người đứng sau như Sheryl.

Về phía mình, tôi chỉ quan tâm xem tiềm năng của mình đến đâu, đã phát triển đến cảnh giới cao nhất hay chưa và nếu chưa thì vì sao, khoảng cách từ thực tế đến giới hạn đó đang ở đâu, cần làm gì để đạt tối đa khả năng của mình?

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 20.
Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 21.

Phóng viên: Trong cuộc trò chuyện này, đã có hơn một lần tôi nghe anh nói đến ước mơ đưa Got It! trở thành công ty công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu? Vậy anh định vị, tương lai 5 năm nữa, startup của mình sẽ trở nên như thế nào và bao lâu thì có thể vươn mình thành kỳ lân (startup được định giá 1 tỷ đô trở lên)?

Hùng Trần: Rất khó để trả lời cụ thể vì thành công hay không, đôi khi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Chẳng hạn như câu chuyện của Huawei, một hãng đang trên đà trở thành công ty điện thoại số 1 thế giới thì chiến tranh thương mại nổ ra khiến đế chế này cũng phải liêu xiêu.

Đánh giá chủ quan của tôi, nếu công ty giữ được đà tăng trưởng 3X (gấp hơn 3 lần doanh thu - PV) sau 12 tháng như hiện tại, mọi điều kiện bên ngoài thuận lợi thì chỉ 5 năm nữa, công ty sẽ cán đích 1 tỷ đô về giá trị.

Con đường của chúng tôi đến giờ đã rất rõ, vấn đề là mình đi được xa đến đâu. Chúng tôi hiện vẫn luôn tìm cách tăng tốc: tìm người giỏi, tìm đối tác cùng làm với mình, biến Got It! trở thành hệ sinh thái. Hiện tại đã có những đối tác của Got It! xây dựng ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ và dịch vụ của chúng tôi để phục vụ hàng trăm triệu người dùng trong hệ sinh thái của họ.

Phóng viên: Con số tăng trưởng 3X sau 12 tháng rất ấn tượng. Tôi rất muốn biết về số lượng người dùng ứng dụng của các anh, hệ thống chuyên gia và cách mà Got It! kiếm được doanh thu?

Hùng Trần: Hệ thống chuyên gia của Got It! hiện tại có mặt ở 79 quốc gia trên toàn cầu. Số lượng chuyên gia là hơn 25.000 người đang hoạt động tích cực và đã giúp giải quyết hơn 4 triệu câu hỏi từ hàng triệu khách hàng.

Khi khách hàng có bất cứ câu hỏi gì thuộc 3 lĩnh vực giáo dục, văn phòng (các vấn đề với MS Office và nhóm khoa học dữ liệu, chỉ sau 15-30s, họ sẽ được kết nối với chuyên gia (hoặc con người hoặc AI) để được giải đáp, chia sẻ kiến thức. Trường hợp AI đủ khả năng giải đáp, nó sẽ trả lời luôn cho khách hàng. Nếu không, hệ thống sẽ kết nối người dùng với chuyên gia phù hợp ở bất cứ đâu trên thế giới.

Các chuyên gia được trả tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng. Got It! không chạy quảng cáo mà chỉ thu phí từ người dùng. Họ sẽ trả 99 cent đến 2,99 đô cho một phiên làm việc trong lĩnh vực giáo dục (khoảng 10 phút); từ 6,99-8,99 đô cho phiên làm việc trong lĩnh vực văn phòng (khoảng 30 phút).

Hiện nay, chúng tôi thấy người dùng từ hơn 2000 công ty lớn, nhỏ khác nhau ở Mỹ đã sử dụng dịch vụ của Got It!, nhiều công ty còn mua gói dài hạn cho nhân viên của mình dùng. Ứng dụng cũng cho phép người dùng trả theo từng lần hoặc mua trọn gói cả năm hay từng tháng, tùy theo nhu cầu. Chúng tôi đã có rất nhiều khách hàng dài hơi như vậy.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 23.

Phóng viên: Quay trở lại chuyện Việt Nam, theo anh, vì sao chúng ta nêu mãi khẩu hiệu Quốc gia công nghệ nhưng đến nay, nhiều người vẫn rất lạ lẫm khi nghe tới những khái niệm AI, blockchain…?

Hùng Trần: Tôi từng tham gia Diễn đàn Quốc gia về doanh nghiệp công nghệ Việt theo lời mời của Bộ Thông tin Truyền thông, chấm giải Nhân tài đất Việt cùng nhiều chương trình khác, cũng có may mắn học hỏi được qua thực tế khởi nghiệp ở môi trường cạnh tranh khốc liệt tại Thung lũng Silicon nên có một số nhận định riêng về tình hình công nghệ trong và ngoài nước.

Cảm quan cá nhân của tôi thì lĩnh vực này cần lấy các kỹ sư và các nhà quản lý sản phẩm làm trọng tâm. Họ mới chính là người tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ công nghệ có tính đột phá, biến 0 thành 1, hiện thực hóa các ý tưởng sử dụng công nghệ để giải quyết một bài toán lớn của thị trường, của doanh nghiệp nhằm tạo ra các giá trị tích cực cho người dùng.

Nhìn vào lực lượng kỹ sư của ta hiện nay thì thấy ngay là đang thiếu hụt trầm trọng. Cụ thể, theo số liệu của TopDev (nền tảng tuyển dụng CNTT thuộc Công ty cổ phần Applancer - PV) đưa ra thì năm 2019, số lượng nhân lực CNTT cần có là 350.000 nhưng chúng ta còn thiếu tới 90.000 nhân sự. Năm 2020, sự thiếu hụt sẽ còn tăng cao lên tới 100.000 nhân sự... Hơn nữa, đội ngũ kỹ sư của ta tuy có tư duy, đầu óc tốt nhưng thiếu kỹ năng mềm, tiếng Anh và phần kiến thức nền chưa được đào tạo chuyên sâu.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 24.

Nếu bắt tay xây dựng quốc gia công nghệ thì theo tôi, điều cần làm ngay từ bây giờ là bắt buộc phải có các chiến lược đào tạo nhân sự công nghệ thật tốt. Nhưng dù có như vậy thì cũng phải mất 4 năm nữa, đội ngũ kỹ ấy mới ra trường, thêm 2-3 năm trải nghiệm thực tế để cứng cáp. Nhẩm tính ra, cần phải 7 đến 10 năm nữa, lớp người ấy mới tạo ra sự thay đổi. Hoặc nếu không, Việt Nam sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền để thuê các chuyên gia công nghệ khắp nơi trên thế giới tụ tập về đây nhưng tôi e là sẽ khá khó để làm việc đó.

Hiện nay, ở ta đang có một nghịch lý là nhu cầu gia công phần mềm đang rất lớn. Nhiều sinh viên cảm thấy không cần học hành vất vả vẫn có thể tìm được việc làm lương khá và họ chẳng quan tâm đến khẩu hiệu quốc gia công nghệ.

Nhưng nếu chỉ gia công phần mềm thì không thể có quốc gia công nghệ hay nói cách khác, nền kinh tế của một quốc gia nếu phát triển theo hướng công nghệ thì không thể chỉ dựa vào gia công phần mềm.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để phát triển các công ty công nghệ. Tuy nhiên cơ hội sẽ không dừng ở đó chờ chúng ta. Các công ty công nghệ lớn thường phát triển rất nhanh để chiếm lĩnh toàn bộ thị trường (winner takes all) và đến khi đó thì gần như chúng ta sẽ không còn cơ hội ngoài việc giúp họ làm giàu.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 26.

Phóng viên: Ở tuổi trung niên, nhiều người sẽ nghĩ đến việc tích lũy để tự do tài chính, có một nguồn lực kinh tế để làm chỗ dựa, yên tâm hơn cũng như lo cho tương lai của các con?

Hùng Trần: Tôi bây giờ vẫn không giàu nếu không muốn nói là nghèo. Toàn bộ tài sản của tôi đang nằm ở công ty. Nếu Got It! sập, tôi sẽ thành người tay trắng. Mức lương mà tôi nhận đang ở mức tối thiểu đủ cho gia đình sinh sống, không có khoản tiết kiệm nào và luôn phải nghĩ cách tiết kiệm cho công ty. Kể cả chuyện bay qua, bay lại giữa Mỹ và Việt Nam cho công việc, tôi đều bay vé giá rẻ.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 27.

Tôi hiểu, ai cũng nên có những khoản tích luỹ nhất định chứ không thể tồn tại mà không có một chút tiền nào. Tuy nhiên, tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng duy nhất. Quan trọng là những gì mình và công ty làm ra có tạo được giá trị tích cực cho xã hội hay không. Nếu làm được điều ấy thì tiền sẽ đến như là một hệ quả tất yếu.

Nhiều người cũng lo tích lũy tiền vì muốn chuẩn bị tương lai cho con cái, điều đó hoàn toàn đúng vì không ai muốn con cái mình gặp rủi ro khi không có tiền. Nhưng tôi cũng suy nghĩ, chuẩn bị bao nhiêu tiền mới đủ? Vì thế, thay vì tích lũy tiền cho con, tôi và vợ chọn cách dạy cho con kỹ năng sinh tồn.

Có 3 thứ chúng tôi ép các con phải giỏi, đó là: kỹ năng đọc, tính độc lập và sự kiên trì.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh vì buổi trò chuyện và xin chúc anh luôn hạnh phúc!

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 28.

Người Việt mời được Bố già Silicon Valley đầu quân cho mình: Nếu giữ tốc độ hiện tại, 5 năm nữa công ty tôi sẽ vượt mức tỷ đô - Ảnh 29.
Trương Thu Hường
Tuấn Mark
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ25/11/2019

Trí Thức Trẻ