Người Việt ăn gạo ít đi, đóng góp của nông nghiệp trong GDP giảm xuống

06/12/2016 14:51 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu chuyển đổi với tỷ trọng đóng góp cho GDP giảm xuống, cơ cấu sản xuất thay đổi và lượng tiêu thụ gạo trong nước ít đi.

Đầu tháng 12/2016, trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam với chuyên đề Chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam - Tăng giá trị giảm đầu vào, Ngân Hàng Thế Giới đã chỉ ra những dấu hiệu chuyển đổi cơ cấu sớm nhưng mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp. Theo đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực nông nghiệp cho GDP giảm xuống, lượng tiêu thụ gạo trong nước cũng giảm do thay đổi khẩu vị của người dân và một số thay đổi cũng được nhận thấy ở sản xuất.

Những năm gần đây, khi khu vực Công nghiệp/xây dựng và Dịch vụ tăng về tỷ trọng trong GDP, đóng góp của nông nghiệp cho GDP có xu hướng ngày càng giảm. Đây là dấu hiệu tích cực về sự biến chuyển của nền kinh tế.

Từ năm 2000 đến năm 2015, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp trên GDP giảm từ 24,53% xuống 17%, trong khi đó phần trăm đóng góp về tạo việc làm giảm mạnh hơn từ 65% xuống 47%. Dự báo tới đầu những năm 2030, ngành nông nghiệp chính sẽ chỉ chiếm khoảng 8% cho GDP của Việt Nam. Theo dự báo, sự đóng góp của sản xuất nông nghiệp cho GDP dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong hai thập kỷ tới, ước tính khoảng 0,5% mỗi năm.

Báo cáo cũng chỉ ra sự thay đổi trong khẩu phần bữa ăn của người dân Việt Nam khiến cho lượng tiêu thụ gạo giảm xuống. Theo đó, lượng gạo tiêu thụ của quốc gia và theo đầu người bắt đầu suy giảm. Nếu như lượng gạo tiêu dùng theo đầu người tăng theo tốc độ tăng trưởng thu nhập từ khoảng năm 1996 đến đầu những năm 2000, xu hướng này bị đảo chiều ở những năm gần đây.

Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thịt, sữa và trứng cao nhất. Thủy sản và các loại thực phẩm chế biến cũng có tốc độ tăng trưởng trong tiêu thụ cao không kém.

Đến nay, gạo chỉ chiếm một phần ba tổng chi cho bữa ăn, trong khi các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản gộp lại chiếm đến 39%. Điều này không chỉ diễn ra ở phân khúc nhà giàu mà còn ở các hộ nghèo và cận nghèo ở Việt Nam.

Cũng theo đó, những chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam được chỉ ra. Thay đổi cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt chỉ diễn ra ở mức khiêm tốn. Năm 2011, số lượng hộ nông nghiệp là 8,9 triệu, giảm so với 10,1 triệu ở thập kỷ trước đó.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những thay đổi lớn về cơ cấu sản xuất, đặc biệt là sản xuất thương mại. Ví dụ như, số hộ trồng lúa trên toàn quốc đã cao hơn 9 triệu. Cách đây khoảng 16 năm, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 2/3 tăng trưởng sản lượng của quốc gia và hầu hết tăng trưởng diễn ra ở khoảng 20 huyện. Tăng trưởng sản lượng của khoảng 300.000 hộ nông nghiệp (với diện tích ruộng đất bình quân là 2,74 ha) đóng góp cho hầu hết tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu đến giữa thập kỷ 2000.

Cũng vậy, tăng trưởng về chăn nuôi diễn ra hầu hết ở các trang trại quy mô trung bình, trong đó tăng trưởng gần đây về sản lượng các sản phẩm sữa lại chỉ đặc trưng ở một số cơ sở sản xuất tích hợp quy mô lớn. Về cây lâu năm, sản lượng thu được vẫn chủ yếu nhờ vào đóng góp của các hộ nhỏ và trung bình, nhưng trong lĩnh vực này ta cũng có thể thấy một số xu hướng hợp nhất.

Báo cáo chỉ ra rằng, trong thời gian tới, những thay đổi tiếp tục diễn ra về nhu cầu ăn uống và xu hướng chi tiêu cho bữa ăn sẽ có những tác động nhất định tới an ninh lương thực Việt Nam. Trong khi đó, khu vực này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn thách thức như chuyển đổi chưa diễn ra nhiều dọc theo chuỗi giá trị, phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng nhiều trong nước - với các đô thị, công nghiệp và dịch vụ - về lao động, đất đai và nước, chi phí lao động tăng bắt đầu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành, và hệ quả thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào đang ngày càng trở nên rõ nét - cả về môi trường và thu nhập của nông dân khiến cho khu vực quan trọng này cần sự quan tâm nhiều hơn của chính sách công.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM