Người uống rượu tưởng chỉ hại gan, nhưng viêm tụy mới là bệnh gây chết 'không kịp trở tay'

15/05/2019 19:00 PM | Sống

"Viêm tụy cấp, tủy hoại tử tiên lượng rất xấu ngay cả khi được điều trị tích cực, cơ hội sống của bệnh nhân rất mong manh. Vì vậy, đừng vì cạn cốc 100% để chỉ còn 1% sự sống",

Những ca thập tử nhất sinh

Không khí ảm đạm, những tiếng thở dài, những cái lắc đầu của người thân là những gì đang diễn ra ở căn phòng dành riêng để điều trị cho những bệnh nhân xơ gan, viêm tụy cấp, viêm tụy mạn tại khoa tiêu hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Chị Lê Thị Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi chăm bố bị xơ gan do rượu nói bâng quơ: "Bệnh nhân ở phòng này toàn do rượu dắt lối tới viện".

Tiếp lời chị Hoa anh Nguyễn Văn Thắng (43 tuổi, Hà Nội ) chia sẻ, hơn 10 năm uống rượu, nhưng lần đầu tiên đến viện trong tình trạng "thập tử nhất sinh", đã có thời điểm anh sợ không thể về nhà mà phải đi gặp tiên tổ.

Trước đây, anh Thắng chỉ nghĩ uống rượu để vui vẻ với bạn bè, giao lưu các mối quan hệ, anh chưa từng nghĩ rượu có thể dẫn lối anh tới bệnh tật thậm chí là tử thần.

Anh Thắng chia sẻ, mỗi ngày anh uống khoảng 300ml/ngày. Đợt nghỉ lễ vừa qua, do có thời gian gặp mặt bạn bè lâu ngày không gặp mặt để hàn huyên, anh uống rượu – bia nhiều và thường xuyên hơn, chính điều đó đã khiến cho anh Thắng phải nhập viện.

Anh Thắng đến viện với các triệu chứng buồn nôn, đau tức thượng vị.

 Người uống rượu tưởng chỉ hại gan, nhưng viêm tụy mới là bệnh gây chết không kịp trở tay - Ảnh 1.

Bệnh nhân đang được bác sĩ khám.


"Tôi nghĩ là bị đau dạ dày đã mua thuốc điều trị, tuy nhiên các triệu chứng không thuyên giảm", anh Thắng nói.

Khi anh Thắng bị đau bụng tới mức chỉ ngồi ôm bụng ngồi xổm, chườm nóng nhưng cũng không giảm được đau, lúc này anh mới tới viện khám. Tại bệnh viện qua kết quả khám và xét nghiệm anh Thắng được chẩn đoán bị viêm tụy cấp do rượu.

Anh Thắng chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi nghe tới căn bệnh viêm tụy cấp do rượu, trước tôi chỉ nghe nhiều về bệnh lý xơ gan do rượu. Được bác sĩ giải thích mức độ nguy hiểm của căn bệnh viêm tụy cấp tôi thực sự "lạnh người". Tôi không ngờ uống rượu lại có thể gây ra ăn bệnh nguy hiểm tới như vậy".

Phải trải qua những đau đớn, tận mắt chứng kiến những bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu mãi mãi không thể tỉnh dậy về với gia đình anh Thắng mới thực sự hối hận.

"Tôi thực sự sợ, khi chứng kiến những cái chết "không kịp trở tay" do rượu", anh Thắng nói.

40 tuổi làm nghề lái xe, anh Nguyễn Tiến Nam (Kim Ngưu, Hà Nội) đang điều trị bệnh viện tụy mạn. Anh Nam cho biết, căn bệnh viêm tụy đã bào mòn sức khỏe khiến cho cơ thể anh ngày càng suy kiệt, chất lượng cuộc sống của anh ngày càng kém, phiền toái, mệt mỏi và cực kỳ tốn kém. Tiên lượng sống của anh Nam không biết trước sẽ ra sao, có thể "ra đi" bất cứ lúc nào.

Anh Nam chia sẻ: "Giờ có thật nhiều tiền cũng không thể mua được sức khoẻ".

Bác sĩ Lê Dương Tiến, Khoa tiêu hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Thắng cho biết, bệnh nhân đến viện do có triệu chứng đau bụng, xét nghiệm men tụy cao tăng hơn gấp 3 lần bình thường, viêm tụy, đầu tụy to, chụp CT-scaner ổ bụng viêm tụy cấp banthaza D.

Ngay lập tức bệnh nhân đã được điều trị nhịn ăn, giảm đau theo các bậc của thang điểm đau, giảm tăng tiết dịch, dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch, sau điều trị 4-5 ngày bệnh nhân đỡ đau và bắt đầu ăn trở lại. Sau khi, bị viêm tụy cấp bệnh nhân đã ý thức hơn được hậu quả của viêm tụy

Còn trường hợp của bệnh nhân Nam, bệnh nhân bị viêm tụy cấp nhiều lần tái lại bệnh tiến triển thành viêm tụy mạn. Điều trị viêm tụy mạn rất tốn kém vì thuốc thay thế men tụy và các điều trị bổ trợ khác có giá thành rất cao. Tiên lượng sống của những bệnh nhân này rất dè dặt.

Nỗi ám ảnh của bác sĩ

Viêm tụy cấp thực sự là căn bệnh "ám ảnh" đối với các bác sĩ tiêu hóa khi điều trị cho những bệnh nhân lạm dụng rượu bia. Đó là những cái chết nhìn thấy trước trong vài năm (viêm tụy mạn) hay là cái chết chỉ trong một vài ngày, một vài giờ.

Bác sĩ Tiến đã từng chứng kiến và điều trị nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp nặng, nhất là thể viêm tụy bị hoại tử bệnh nhân dù đã điều trị rất sớm, tích cực ngay từ đầu nhưng cũng không qua khỏi.

 Người uống rượu tưởng chỉ hại gan, nhưng viêm tụy mới là bệnh gây chết không kịp trở tay - Ảnh 2.

"Đừng vì cạn cốc 100% để chỉ còn 1% sự sống", bác sĩ Tiến nói.


"Viêm tụy cấp, tủy hoại tử tiên lượng rất xấu ngay cả khi được điều trị tích cực, cơ hội sống của bệnh nhân rất mong manh. Vì vậy, đừng vì cạn cốc 100% để chỉ còn 1% sự sống", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Chi phí điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Với những bệnh nhân bị viêm tụy cấp nhẹ chỉ cần nhịn căn, điều trị giảm đau là cũng có thể ổn. Nhưng cũng có bệnh nhân mỗi ngày phải mất 25-30 triệu/ngày mà chưa chắc đã qua khỏi.

Hiện nay, khoảng 70% bệnh nhân bị viêm tụy, nguyên nhân hàng đầu là do rượu. Khi uống quá nhiều rượu, gây ra tổn thương tụy, rối loạn chuyển hoá. Lúc này men tụy sẽ được hoạt hóa, men tụy tự phá hủy tụy và các cơ quan lân cận gần nó, dẫn đến suy đa phủ tạng, bệnh nhân rất dễ tử vong.

"Men tuỵ, bản chất là axit cực mạnh gây bỏng các cơ quan xung quanh và tiêu hủy chính tuỵ", bác sĩ Tiến nói.

Dịch tụy tham gia vào quá trình tiêu hoá, bị tổn thương bệnh nhân sẽ có triệu chứng như : đau tức thượng vị và mạng sườn trái, đau xuyên ra sau lưng, nôn buồn nôn, chướng bụng… Nặng hơn bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tụt huyết áp, toan chuyển hóa nặng, hôn mê và tử vong.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, số bệnh nhân viêm tụy, do rượu bia hiện nay ngày càng tăng lên và nó chiếm khoảng 20-30% các mặt bệnh tiêu hóa điều trị tại khoa.

"Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng rượu rất nhiều. Có rất nhiều tác hại nếu như sử dụng nhiều năm và liên tục. Rượu, bia có thể gây ra tổn thương gan mãn tính, xơ gan do rượu, ung thư gan. Một bệnh lý nghiêm trọng khác đó là viêm tụy cấp do rượu.

Hạn chế uống rượu bia là cách phòng bệnh viêm tụy cấp hiệu quả nhất. Khi uống nhiều rượu có triệu chứng đau bụng, đau thượng vị… thì cần phải đi khám sớm", bác sĩ Tiến nói.

Cơn viêm tụy cấp đầu tiên thường được khỏi phát sau nhiều năm uống rượu kéo dài, bệnh nhân tăng lượng uống rượu. Thường các bệnh nhân viêm tụy cấp phải nhập viện sau một bữa ăn uống thịnh soạn có sử dụng nhiều rượu.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM