Người Trung Quốc vỡ mộng ‘đầu tư bất động sản không bao giờ lỗ’: Khủng hoảng chưa chạm đáy, hơn 50 công ty vỡ nợ theo hiệu ứng domino

31/01/2024 14:57 PM | Kinh doanh

Người dân lúc này mới nhận ra sai lầm khi đầu tư vào bất động sản.

Niềm tin vững chắc của người dân Trung Quốc, rằng nhà đất là khoản đầu tư không thể lỗ, đã thúc đẩy lĩnh vực bất động sản vươn lên trở thành “xương sống” của đại lục. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm gần nhất, khi các công ty sụp đổ dưới gánh nặng nợ nần và doanh số bán nhà sụt giảm, người dân lúc này mới nhận ra sai lầm.

Tình trạng mất niềm tin sâu sắc đang ngày càng gia tăng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc - những người đang tìm mọi cách vực dậy ngành công nghiệp suy yếu song hiệu quả chẳng được là bao. Rắc rối lên tới đỉnh điểm khi mới đây, phía tòa án lệnh cho ‘gã khổng lồ’ một thời Evergrande ngừng hoạt động và thanh lý tài sản.

Giống như ngành công nghiệp mà nó từng thống trị, Evergrande chật vật tồn tại trong 2 năm sau khi không thể thanh toán trái phiếu đáo hạn cho các nhà đầu tư. Đợt suy thoái, vốn kéo dài nhất trong lịch sử, không hề có dấu hiệu giảm nhiệt.

Năm 2023, doanh số bán nhà ở của Trung Quốc giảm 6,5%. Theo Dongxing Securities, một ngân hàng đầu tư Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 12, doanh số bán hàng đã giảm 17,1% so với một năm trước đó. Hoạt động đầu tư cho các dự án mới cũng chậm lại.

“Thị trường vẫn chưa chạm đáy. Vẫn còn một chặng đường dài để đi”, Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Năm ngoái, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng dồn nén, thị trường bất động sản vẫn giảm tốc. Vấn đề xuất hiện từ khi Bắc Kinh lo ngại bong bóng nhà đất, đồng thời đưa ra loạt quy định vào năm 2020 nhằm hạn chế động thái vay vốn quá mức. Không thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng như trước, các nhà phát triển bất động sản chật vật thanh toán trái phiếu đến hạn và hoàn thành dự án còn dang dở.

Theo ông Xiao Yuanqi, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc, các ngân hàng không nên cắt ngay lập tức các khoản cho vay đối với những dự án gặp khó. Tuần trước, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính cho biết sẽ nới lỏng quy định đối với một số nhà phát triển để kịp hạn thanh toán trái phiếu.

Kể từ năm 2021, hơn 50 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ, trong đó có 2 tập đoàn lớn là Evergrande và Country Garden. Từng là đối thủ chính của Evergrande, Country Garden vỡ nợ vào tháng 10. Tình hình của công ty trở nên tồi tệ vì doanh số bán hàng sụt giảm.

Trong một báo cáo nghiên cứu tháng này, Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, cho biết đà sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản là điều dễ hiểu do doanh số bán nhà gặp áp lực. “Điều quan trọng cần theo dõi vào năm 2024 là liệu khi nào chính quyền sẽ can thiệp và chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn sự sụp đổ”, ông Hu nói.

Nydia Duan, một sinh viên đại học 19 tuổi sống tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, cho biết gia đình vừa đề xuất mua nhà, song cô ngay lập tức từ chối. Cô sợ rủi ro khi mua phải những dự án chưa hoàn thiện.

“Tôi sẽ cân nhắc khi thị trường bất động sản ổn định hơn”, Duan nói.

Tin buồn với các chủ đất Trung Quốc: Khủng hoảng BĐS chưa chạm đáy, hơn 50 công ty vỡ nợ theo hiệu ứng domino - Ảnh 1.

Giai đoạn suy thoái trước đây, Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào bất động sản và cơ sở hạ tầng để khởi động nền kinh tế. Thực tế nay đã khác. Các nhà phát triển gánh nợ nần, thành phố tràn ngập những ngôi nhà bỏ không còn chính quyền địa phương thì cạn kiệt tiền mặt sau vài năm gián đoạn vì COVID-19.

Nguyên nhân căn hộ trống đến từ nhiều lý do. Một là vì các nhà phát triển không hoàn thành việc xây dựng dang dở, hai là vì chủ nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp do bất đồng chính kiến.

Hồi năm ngoái, Bắc Kinh và chính quyền địa phương đã tung ra nhiều biện pháp khuyến khích để thu hút người mua nhà quay trở lại, đồng thời thúc giục các ngân hàng cho vay và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn nhất của Trung Quốc khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2023 sau đà trượt dốc kéo dài, song đáng tiếc, quá trình phục hồi đang mất dần sức sống và không đồng đều. Theo Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Harvard và Yuanchen Yang, nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng xây dựng quá mức diễn ra phổ biến ở các thành phố nhỏ - những nơi vốn không theo kịp tốc độ xây dựng nhà ở.

“Trung Quốc đã xây dựng bất động sản và hỗ trợ cơ sở hạ tầng với tốc độ chóng mặt trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, lợi nhuận đang giảm dần”, ông Rogoff nói.

Bùng nổ nhà ở Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1990 tại các thành phố lớn, sau đó lan dần sang các khu vực đô thị nhỏ hơn như Nam Xương vào những năm 2000. Năm đó, Trung Quốc xây dựng khoảng 2 triệu căn hộ.

Vào giữa những năm 2010, cả nước xây dựng hơn 7 triệu căn hộ mỗi năm. Bất động sản nhanh chóng trở thành “xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra rất nhiều việc làm, hỗ trợ tài chính cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trở nên phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản, chính phủ nước này thẳng tay trừng phạt các nhà phát triển nợ nần chồng chất và tuyên bố rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.

Ở những nơi như Nam Xương, số lượng công trình xây dựng nhiều hơn cả mức tăng dân số. Trong thập kỷ trước năm 2021, số lượng nhà ở xây hàng năm trong thành phố tăng gần gấp đôi trong khi dân số chỉ tăng 25%.

Kuang Wei, một đại lý bất động sản cho những ngôi nhà hiện có ở Nam Xương, cho biết giá nhà ở khu vực xa thành phố đã lao dốc đều đặn, giảm 25% kể từ năm 2019. Ông dự đoán giá nhà sẽ còn giảm do nhiều người muốn bán trước khi thuế bất động sản được ban hành hoặc để nâng cấp lên những căn hộ mới hơn.

“Thị trường bây giờ không giống như nhiều năm trước”, Kuang Wei nói.

Theo: The New York Times

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM