Thâu tóm đội bóng AC Milan, hãng phim Mỹ Legendary, trở thành cổ đông lớn nhất của Mercedes: Người Trung Quốc đang 'shopping' khắp thế giới như thế này đây!

26/02/2018 15:08 PM | Kinh doanh

Các công ty Trung Quốc cần thực hiện các thương vụ thâu tóm ra nước ngoài là bởi họ cần động lực mới để tăng trưởng, dễ dàng thâm nhập vào thị trường.

Tháng 4/2017, tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) đã giành được chấp thuận từ cơ quan chống độc quyền Mỹ đối với đề nghị mua lại hãng trừ sâu lớn nhất thế giới của Thụy Điển (Syngenta) với giá 43 tỷ USD. Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lịch sử và nó có khả năng làm thay đổi toàn bộ ngành hóa chất toàn cầu. 

Nhìn chung vài năm trở lại đây các công ty Trung Quốc đang tích cực "mua sắm" trên khắp thế giới. Số liệu thống kê cho thấy giá trị các thương vụ thâu tóm đã đạt kỷ lục vào năm ngoái khi lên tới gần 250 tỷ USD.

Thâu tóm đội bóng AC Milan, hãng phim Mỹ Legendary, trở thành cổ đông lớn nhất của Mercedes: Người Trung Quốc đang shopping khắp thế giới như thế này đây! - Ảnh 1.

Ban đầu, những thương vụ thâu tóm công ty nước ngoài của Trung Quốc chủ yếu là tìm kiếm những nhà cung cấp nguyên vật liệu thô cần cho ngành sản xuất thép, hỗ trợ lĩnh vực sản xuất công nghiệp và đẩy mạnh các nhà máy sản xuất. Nhưng đó là nền kinh tế cũ!

Khi Trung Quốc phát triển hơn, dĩ nhiên các công ty trong nước vẫn tiếp tục đẩy mạnh mua sắm ở nước ngoài. Tuy nhiên họ đã chuyển tập trung sang mua các thương hiệu và công ty công nghệ mà Trung Quốc cần để chuyển đổi sang nền kinh tế hướng tới tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu, và trở thành nền kinh tế mới.

Trước năm 2013, các thỏa thuận ở nước ngoài của Trung Quốc vốn bị thống trị bởi những công ty thuộc sở hữu nhà nước. Họ nhắm tới mua lại nhà máy thép tại Australia, nhà sản xuất điện Canada và một mỏ đào đồng ở châu Phi. Có tới hơn một nửa các thương vụ mua lại là công ty điện và hàng hóa.

Hiện tại các doanh nhân tư nhân cũng đang tích cực "shopping" nhưng khẩu vị có phần thay đổi. Có người chọn mua đội bóng Ý, hãng phim Mỹ và nhà mốt Pháp trong khi những công ty thuộc sở hữu của chính phủ trường mua các nhà sản xuất chip và các công ty công nghệ.

Ngay trong năm 2016, công ty bất động sản và đầu tư Dalian Wanda công bố việc mua lại cổ phần sở hữu với hãng sản xuất Legendary Entertainment của Hollywood. Mới đây nhất, CLB danh tiếng một thời của bóng đá Ý là Parma vừa chính thức thuộc quyền kiểm soát của Công ty Desports của Trung Quốc. Chưa hết, năm ngoái, câu lạc bộ AC Milan cũng chính thức về tay người Trung Quốc trong một thương vụ trị giá 821 triệu USD. 

Mới ngày hôm qua, tỷ phú Li Shufu - ông chủ hãng xe hơi Geely của Trung Quốc cũng gây bất ngờ khi chính thức ký kết thỏa thuận mua lại lượng cổ phần trị giá 9 tỷ USD của công ty mẹ Mercedes-Benz. Sau thương vụ này, tỷ phú Shufu trở thành cổ đông lớn nhất của hãng xe hơi Đức. 

Để hiểu hơn về mức độ to lớn của những mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới, hãy nhìn biểu đồ dưới đây:

Thâu tóm đội bóng AC Milan, hãng phim Mỹ Legendary, trở thành cổ đông lớn nhất của Mercedes: Người Trung Quốc đang shopping khắp thế giới như thế này đây! - Ảnh 2.

Lý giải cho nguyên nhân "shopping" khắp thế giới, Vikas Seth, nhà phân tích thuộc Credit Suisee chia sẻ: "Một trong những động lực chính để tiến hành các vụ thâu tóm xuyên biên giới là để xâm nhập những thị trường mới, thương hiệu, công nghệ, R&D mới và trong một vài trường hợp, đế tạo ra các chuỗi cung ứng sản phẩm bán cho các mạng lưới phân phối ngay trong Trung Quốc". 

"Chúng tôi cho rằng việc thâu tóm sẽ tiếp tục được duy trì kể cả khi Trung Quốc đang tiến hành cải cách nền kinh tế", Seth cho biết thêm. 

Vẫn biết các công ty Trung Quốc cần thực hiện các thương vụ tha tóm ra nước ngoài là bởi họ cần động lực mới để tăng trưởng, dễ dàng thâm nhập vào thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những điều đáng lo ngại.

Chỉ riêng năm 2016, 3 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc gồm Dalian Wanda, HNA và Anbang Insurance đa dành ra 50 tỷ USD cho những thương vụ "shopping" khắp thế giới. Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo ngại.

Chính phủ lo ngại rằng dòng tiền sẽ bị chảy ra ngoài nước họ quá nhiều, gây rủi ro cho các công ty Trung Quốc - nhất là những khoản đầu tư thất bại.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM