Người trẻ tuổi chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp nơi làm việc: Càng "tính toán" càng đỡ phải gánh thiệt thòi

25/11/2019 14:15 PM | Sống

Làm việc gì cũng cần nên có chừng mực, ngay cả sự lương thiện cũng vậy, chỉ nên cho người xứng đáng. Chúng ta thường hay có quan điểm không muốn tính toán quá nhiều, vì sợ dễ mất lòng nhau. Nhưng có đôi khi, sự rộng lượng của bạn chỉ là bàn đạp để đối phương lợi dụng.

Ở công ty, giao tiếp giữa các cá nhân là điều bắt buộc, nên rất khó tránh khỏi sự mâu thuẫn.

Vậy làm thế nào để duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và lãnh đạo?

Khi được hỏi câu hỏi này, hầu hết mọi người đều sẽ trả lời là: "Phải đối xử lịch sự với đồng nghiệp, không được quá khắt khe, tính toán. Hơn nữa, phải biết kính trọng và lịch sự với sếp, không nên cãi lời lãnh đạo, biến tiến biết lùi mới là người thông minh."

Đúng là những quan điểm này rất có sức thuyết phục, bởi vì nó phù hợp với một số tình huống nhất định trong thực tế, nhưng lại không phù hợp với chúng ta. Trong một số trường hợp khác, nó còn có thể gây phản tác dụng.

Thế chúng ta phải làm sao? Tôi xin khuyên bạn một câu:

Ở nơi làm việc, càng "tính toán" càng tốt, càng có thể kiếm được nhiều mối quan hệ đáng tin cậy, vững chắc, và càng đỡ chịu thiệt thòi.

Muốn tồn tại lâu dài ở một nơi cạnh tranh cao như vậy, bạn cần phải học cách "tính toán". Bởi vì có nó, bạn mới có thể phán đoán được đồng nghiệp mà mình đang thân thiết kia có đáng tin cậy hay không, nơi làm việc hiện tại của mình có thích hợp hay không?

Tại sao ư?

Người trẻ tuổi chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp nơi làm việc: Càng tính toán càng đỡ phải gánh thiệt thòi - Ảnh 1.

1. Tính toán trước, để sau này có phát sinh vấn đề đi nữa cũng không có ai có ý kiến bất mãn

Công ty trước đây của tôi để tiết kiệm tiền, đã chuyển văn phòng đến một tòa nhà ở ngoại ô thành phố. Do đó, mỗi ngày chúng tôi đều phải dậy thật sớm để đón xe bus, hoặc lái xe máy đến nơi cho kịp giờ. Cũng vì vậy mà có rất nhiều người không kịp ăn sáng.

Trong công ty cũng có vài đồng nghiệp ở gần văn phòng công ty mới, nên chúng tôi thường nhờ họ mua giúp bữa sáng và đem đến công ty.

Bạn nghĩ đây chỉ là việc nhỏ, không đáng kể ư?

Nhưng thực tế, mỗi người trong số chúng tôi đều có thái độ và cách hành xử khác nhau.

Ví dụ: Quản lý của chúng tôi, mỗi ngày khi đến nhận bữa sáng, anh ta đều sẽ cám ơn trước, sau đó trả tiền lại ngay cho đồng nghiệp đã mua giúp. Không chỉ trả tiền dư, mà còn cho họ thêm vài thứ đồ ăn vặt.

Chúng tôi chỉ là nhân viên bình thường, tiền lương đâu có nhiều bằng lãnh đạo, nên khi thấy có tiền dư nhiều như vậy, tất nhiên là rất vui mừng rồi.

Tuy nhiên, đâu thể làm phiền người khác mua dùm hoài vậy được. Nghĩ như vậy, nên chúng tôi đã nghĩ ra một cách: Nếu sau này, ai giúp mọi người mua bữa sáng, thì chúng tôi sẽ hùn tiền trả luôn tiền bữa sáng cho người đó.

Chắc chắn có một số người cảm thấy rằng không cần thiết phải làm như vậy. Bọn họ thuận đường thì mua giúp thôi, dù sao nhà bọn họ gần, cũng đâu ở xa xôi như những người khác.

Nhưng nếu bạn nghĩ như vậy thật, dù đối phương có nhiệt tình, có tốt tính đến đâu đi nữa. Qua một thời gian dài, cách hành xử của bạn sẽ khiến họ cảm thấy như không được tôn trọng, như bị lợi dụng, họ sẽ thất vọng, thậm chí còn có thể sinh ra cảm giác chán ghét đối với bạn.

Đồng nghiệp không phải cha mẹ bạn, họ không có nghĩa vụ phải chăm sóc, giúp đỡ bạn vô điều kiện.

Thà là lúc ban đầu cứ tính toán rõ ràng ra, anh đã giúp tôi cái gì, tôi đền đáp được anh ra sao. Có qua có lại, cư xử sòng phẳng, không nợ tiền, không nợ ân huệ, cũng không nợ tình cảm. Có như vậy, người ta mới không cảm thấy bạn đang thiếu tôn trọng họ.

Người trẻ tuổi chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp nơi làm việc: Càng tính toán càng đỡ phải gánh thiệt thòi - Ảnh 2.

2. Tính toán có qua có lại, mới dễ phát triển tình cảm đôi bên

Dù là ở nơi làm việc hay ngoài xã hội đi nữa, người ta "bánh ít đi" thì bạn nên "bánh quy lại".

Bạn nên tôn trọng những đồng nghiệp đã giúp đỡ, cho bạn mượn tiền trong lúc bạn gặp khó khăn nhất. Bởi vì họ dám cho bạn mượn, là vì cái "tình đồng nghiệp", họ tin tưởng bạn nên mới giúp đỡ. Vậy nên, bạn nhất định phải ghi nhớ ơn tình của họ, trả lại đúng hạn cũng như giúp đỡ họ nếu sau này họ có việc nhờ bạn giúp.

Ở công ty, sau khi lãnh lương, nếu như có đồng nghiệp nào đó mời tôi đi ăn, vậy tháng sau lãnh lương, tôi nhất định sẽ mời lại người đó. Đừng lo lắng và nghĩ rằng tính toán quá nhiều về vật chất như vậy sẽ khiến mối quan hệ đôi bên thêm xấu hổ, khó chịu.

Không phải kêu bạn tính toán "ăn lời" từ người khác, cũng không phải khuyên bạn tính toán làm sao để người ta thấy bạn đang "chịu thiệt" thì có gì đâu mà sợ?

Cái tôi khuyên bạn, là tính toán làm sao để đôi bên đều thấy sòng phẳng, thấy bạn không lợi dụng họ.

Người trẻ tuổi chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp nơi làm việc: Càng tính toán càng đỡ phải gánh thiệt thòi - Ảnh 3.

3. Chỉ khi tính toán, bạn mới không dễ bị thiệt thòi

Ở nơi làm việc, đừng có nói cái gì mà: "Thật thà, lương thiện, không tính toán thì sẽ dễ sống, được yêu mến."

Xin lỗi, nhưng thực sự không có đâu!

Nếu bạn quá ngay thẳng, thật thà, sớm muộn gì cũng out!

Nhưng nếu bạn quá giả dối, nhỏ nhen, chắc chắn sẽ bị ghét trước, và knock – out sau!

Làm việc gì cũng cần nên có chừng mực, ngay cả sự lương thiện cũng vậy, chỉ nên cho người xứng đáng. Chúng ta thường hay có quan điểm không muốn tính toán quá nhiều, vì sợ dễ mất lòng nhau. Thế là việc gì cũng nhượng bộ, để đối phương cảm thấy khả năng chịu đựng của bạn là không giới hạn, nên lại tiếp tục càng ngày càng quá đáng hơn.

Ví dụ: Một đồng nghiệp mượn tiền của bạn nhưng không trả. Lần thứ hai, anh ta lại tiếp tục mượn tiền bạn, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến tình cảm đồng nghiệp, không muốn anh ta thấy mất mặt, bạn lại tiếp tục im lặng, nhẫn nhịn mà cho mượn tiếp. Nhưng khi bạn nhịn không nổi nữa, nói anh ta nhớ trả tiền đúng hạn, anh ta lại giận dỗi nói bạn keo kiệt, thế là bạn lại không dám nói gì tiếp nữa.

Như vậy thật không đáng, có thể do tính cách "hay ngại" khiến bạn không dám mở miệng đòi. Nhưng nếu gặp trường hợp như vậy, bạn nhất định phải xử lí mạnh mẽ hơn. Một là bảo anh ta trả tiền lần đầu mượn đi, sau đó bạn sẽ cho anh ta mượn lại. Hai là làm một tờ giấy cam kết, đúng hạn sẽ trả cả tiền mới lẫn tiền cũ.

Với loại người như vậy, bạn không được rộng lượng, mà càng phải tính toán rõ ràng. Bởi vì anh ta đã thất hứa một lần, lại còn dám nói bạn keo kiệt, chứng tỏ anh ta không phải người biết giữ chữ tín, cũng không phải là người biết nói lí lẽ. Nếu vậy, thay vì nhân nhượng giữ mối quan hệ hòa hảo với người như vậy, chi bằng nói rõ ràng ra để sau này bạn không phải chịu thiệt thòi nhiều.

Nếu anh ta biết sửa đổi, vậy còn chấp nhận được. Nhưng nếu anh ta chứng nào tật nấy, vậy loại người này không cần thiết phải kết giao.

Thật ra, "tính toán" không hẳn là xấu. Tính toán giúp bạn không phải chịu thiệt thòi, cũng không nợ ơn nghĩa của người khác quá nhiều.

Thiên Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM