Người trẻ thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh: 1 người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc, 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng việc

27/02/2019 11:11 AM | Sống

Tranh luận với sếp được coi như một biểu hiện của sự không tôn trọng, không biết trên dưới, được đánh giá sang lĩnh vực đạo đức, thái độ làm việc. "Dĩ hoà vi quý" mà, việc xây dựng được một mối quan hệ tốt giữa các thành viên quan trọng hơn việc một công trình bị chậm tiến độ.

01

Sau nhiều băn khoăn và lần lữa, cuối cùng, Quốc Hưng quyết định trở về Việt Nam làm việc sau 5 năm làm việc tại Đức. "Mình là người Việt và muốn thử sức ở môi trường làm việc của một công ty do người Việt đứng đầu", suy nghĩ đó khiến Hưng phấn chấn và tràn đầy quyết tâm thử thách bản thân ở một môi trường vừa quen vừa lạ. Với thành tích làm việc tốt trước đó, ngay khi vào làm, Hưng đã được phân làm nhóm trưởng của dự án.

Những ngày đầu làm việc, công việc thuận lợi, anh cảm nhận được sự quý mến của đồng nghiệp dành cho mình. Không ít người thẳng thắn trầm trồ "Việt kiều chắc chắn giỏi giang rồi. Chẳng gì cũng bao năm lăn lộn, va chạm nơi xứ người". Nghe thế, Hưng chỉ cười. Anh khao khát được chứng tỏ và công nhận, không chỉ trong mắt đồng nghiệp, sếp mà là sự kỳ vọng của anh dành cho chính mình. 

Làm việc ở trời Tây, quen với cách làm việc nhóm, anh trở về Việt Nam, được sát cánh cùng những đồng nghiệp được được đánh giá xuất sắc nhất của công ty, ví dụ như Hải - nhân viên bán hàng xuất sắc 3 năm liên tục, Tú - chuyên viên tư vấn khách hàng lão luyện hay Diệp - người được mệnh danh là cỗ máy sáng tạo với những ý tưởng đột phá. Hưng tự nhủ, đây sẽ là cơ hội tốt để anh học hỏi và gia tăng kinh nghiệm khi được chung lưng đấu cật cùng những chiến hữu xuất chúng. 

Thế nhưng, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi họ làm việc chung với nhau. Được công ty giao xây dựng, phát triển chiến lược mới cho dự án lớn nhất năm, nhóm Hưng, Hải, Tú, Diệp được coi là những con Át chủ bài của dự án, họ được kỳ vọng và tin tưởng sẽ tạo nên bước tiến bất ngờ. Có điều, khi làm chung, trừ Hưng ra, ai trong nhóm cũng cho là mình giỏi, mình tài... không ai chịu nhường bên nào. Việc quy tập sức mạnh đoàn kết đối với Hưng trở nên khó khăn bởi không nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của những đồng nghiệp còn lại. Đáng nói trong lúc bàn công việc nhóm, họ hạn chế tối đa việc phát biểu, xây dựng dự án... nhưng khi đi ăn, đi cà phê tách lẻ với Hưng, những thành viên của đội thường chê bai ý tưởng của người kia. Nhiều lần Hưng nỗ lực góp ý của Hải, cho Tú và Diệp... nhưng họ luôn nghĩ họ "đủ giỏi" để làm theo ý mình, không cần phải thay đổi theo chủ ý của người khác. 

Thật ra, câu chuyện trên không xa lạ trong môi trường làm việc hiện nay. Hưng than thở với tôi, rằng anh làm việc ở trời Tây nhiều, anh thích nhất ở họ là lối làm việc khoa học, họ có cái tôi rất cao nhưng lại sẵn sàng cùng nhau hoàn thành công việc cần nhiều người. Họ biết cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ những người cộng sự theo lối tích cực nhất, chứ không phải bài xích, hạ bệ nhau. 

Anh than người Việt trẻ chỉ chăm chăm xây dựng các mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong nhóm, tỏ ra rất coi trọng bạn bè nên những cuộc tranh luận thường được đè nén cho có vẻ nhẹ nhàng. Đôi khi có cãi nhau vặt theo kiểu công tư lẵn lộn. Còn đối với sếp, tranh luận với sếp được coi như một biểu hiện của sự không tôn trọng, không biết trên dưới, được đánh giá sang lĩnh vực đạo đức, thái độ làm việc. "Dĩ hoà vi quý" mà, việc xây dựng được một mối quan hệ tốt giữa các thành viên quan trọng hơn việc một công trình bị chậm tiến độ.

Một người bạn của tôi gặp trường hợp tương tự, đồng nghiệp trong team của anh luôn tỏ ra thân thiện, yêu quý nhau ngoài đời sống, nhưng hễ cứ va chạm tới công việc, là y rằng nảy sinh vấn đề. 

Người trẻ thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh: 1 người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc, 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng việc - Ảnh 1.

02

Một dạo ghé thăm công ty nhỏ của người bạn tôi, hôm đó trùng với ngày cuối đi làm trước đợt nghỉ lễ kéo dài một tuần. Bạn tôi đưa chỉ thị: Mọi người trong công ty cùng tổng vệ sinh, dọn dẹp phòng làm việc sạch sẽ trước khi nghỉ. Thế nhưng, một tuần sau, phòng làm việc vẫn đầy rác, giấy tờ, hồ sơ tung tóe khắp nơi. Rút kinh nghiệm cho lần đó, từ những lần sau, bạn tôi chỉ định rõ ràng những người chịu trách nhiệm cho công việc dọn dẹp này thì phòng ốc mới gọn gàng, sáng loáng. 

Tôi có trách bạn mình rằng, chính sự thảo luận không dứt điểm, phân chia công việc không phân minh nên ai cũng nghĩ đó là việc của người khác chứ không phải của mình khiến các nhân viên của cậu ta đồng loạt đóng vai im lặng đồng ý, trong đầu mỗi thành viên thường tạo ra cho mình một ý kiến khác, đúng đắn hơn, sáng suốt hơn và không nói ra. Và kết quả là chẳng ai động tay, động chân làm những việc mà họ tự cho rằng "không phải của mình". Thế nên, người xưa mới có câu "cha chung không ai khóc" là vì thế. 

Tại sao có sự ì ạch, đổ vấy này? Đơn giản vì khi đã "chỉ mặt gọi tên" người làm cụ thể, họ buộc phải làm chứ không thể đùn cho ai khác. 

Điều này xuất hiện tương tự trong các cuộc họp. Đa phần khi sếp hỏi "ai có ý tưởng gì không?", thì phần đông các bạn "ngồi thiền" im phăng phắc. Bởi lẽ, trong đầu các bạn có suy nghĩ rằng, nếu chẳng may nhóm gặp thất bại, tất nhiên, không phải do ý kiến của mình, vì lúc họp mình có nói gì đâu. Ý tưởng của mình vẫn còn cất trong đầu mà! Rất nhiều lý do để giải thích tại sao thất bại, lý do nào cũng dẫn đến điều mình không phải chịu trách nhiệm. Một trong những nguyên nhân của điều này là do chúng ta hiếm khi phân công việc cho từng người, vì chúng ta thiếu lòng tự tin và tâm lý sợ sai. 

Người trẻ thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh: 1 người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc, 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng việc - Ảnh 2.

Một ca sĩ không hiểu đầy đủ về giọng hát của chính mình có gì hay, có gì hạn chế sẽ không thể chọn được dòng nhạc phù hợp, giúp che giấu thiếu sót chắc hẳn sẽ rất khó để thành công trên con đường ca hát chuyên nghiệp. 

Một người đi làm, quá tự tin vào bản thân, tự cho mình xuất chúng, giỏi giang hơn người khác, từ chối học hỏi... thì sẽ đánh mất nguồn tài nguyên có sẵn - nguồn tài nguyên tri thức từ những người xung quanh. Đây sẽ là lực cản trên hành trình tìm kiếm thành công của bạn. 

Bạn ạ, đã qua cái thời "chủ nghĩa anh hùng cá nhân" rồi. Thời đại này, cần làm việc nhóm, cần khắc ghi "đoàn kết tạo nên sức mạnh". Chỉ khi hiểu hết giá trị thực tế của chính mình – “biết người, biết ta", mở rộng kỹ năng làm việc nhóm, phát huy tối đa tiềm lực của bản thân, bạn mới có cơ hội dành "trăm trận trăm thắng". Đừng bao giờ quên điều đó!

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
XEM