Người trẻ dưới 30 tuổi quản lý tài chính như thế nào: Thu nhập chưa cao vẫn phân chia đủ "6 lọ", ưu tiên đầu tư để tiền đẻ ra tiền

20/12/2022 13:33 PM | Sống

Quản lý tài chính luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi thế hệ. Trong thời đại 4.0, những quan niệm về thu nhập, đầu tư và tiết kiệm của giới trẻ có nhiều thay đổi rõ rệt so với thế hệ trước. Tùy vào hoàn cảnh sống và tư duy, mỗi bạn trẻ chọn cho mình một mô hình quản lý tài chính riêng.


Đầu tư thay vì tiết kiệm

Anh Trần Tuấn Anh (27 tuổi) đã gắn bó với công việc Technical Architect (Kiến trúc sư hệ thống) tại FPT Software nhiều năm. Vốn là đàn ông, anh Tuấn Anh tự thấy bản thân mình ngoài công việc chuyên môn thì không phải là người quá tỉ mỉ trong mọi việc, kể cả việc quản lý tài chính. Anh quan niệm: “Tôi thường có suy nghĩ về cách để tăng thêm thu nhập thay vì nghĩ đến chuyện phải cắt giảm khoản nào đó để có thêm tiền tiết kiệm. Đương nhiên là  tôi vẫn luôn ưu tiên một khoản tiết kiệm cho cá nhân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống mà mình mong muốn”.

Người trẻ dưới 30 tuổi quản lý tài chính như thế nào: Quản lý tài chính khoa học, ưu tiên tiết kiệm, đầu tư để “tiền đẻ ra tiền” - Ảnh 1.

Trần Tuấn Anh, 27 tuổi sống tại Hà Nội

Vì chưa lập gia đình, còn đang sống cùng bố mẹ nên Tuấn Anh phân chia thu nhập khá đơn giản: “Tôi thường tách riêng một khoản sau khi nhận lương tầm 30% để gửi về gia đình, 20% mình để tiết kiệm. Phần còn lại tôi dành 10-15% để đầu tư cho việc nâng cao thêm kiến thức và trình độ cho bản thân. 35-40% còn lại dành cho chi tiêu và sinh hoạt. Ngoài ra thì tôi cũng đưa ra những mục tiêu tiết kiệm hàng năm và tăng dần theo thu nhập để thúc đẩy bản thân luôn cố gắng năm sau phải hơn năm trước.”

Chính bởi quan điểm đó, ngoài công việc chính, chàng trai 9x đã dành thời gian tìm hiểu cách hình thức kinh doanh, đầu tư để tăng thu nhập cá nhân. “Là dân công nghệ nên những kiến thức về kinh doanh và tài chính tôi đều tự mày mò học, chủ yếu là đọc sách và gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ từ những người bạn trong ngành. Quan trọng là bản thân muốn tìm hiểu và dám thử”, anh nói.

Người trẻ dưới 30 tuổi quản lý tài chính như thế nào: Quản lý tài chính khoa học, ưu tiên tiết kiệm, đầu tư để “tiền đẻ ra tiền” - Ảnh 2.

Tuấn Anh trong buổi làm việc cùng các đồng nghiệp

Về đầu tư, anh Tuấn Anh cũng chân thành chia sẻ “Tôi đã thử ở nhiều lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, chứng chỉ quỹ… Dần dần tôi nhận ra bản thân không nên chạy theo xu hướng hay rập khuôn theo người khác mà nên tìm kiếm lĩnh vực bản thân đủ năng lực và thực sự đam mê”. Chính nhờ quan điểm đó, anh đểTuấn Anh đã cùng góp vốn với bạn bè cùng: start-up một thương hiệu thời trang. Dù ban đầu khó khăn và đe dọa sẽ mất trắng các khoản đầu tư nhưng đây sẽ là hướng đầu từ lâu dài và ổn định.

“Tôi lựa chọn góp vốn start-up vì biết bản thân có thể áp dụng kiến thức công nghệ của mình để phát triển thương hiệu, cũng đồng nghĩa với việc tôi có thể làm chủ dòng tiền thay vì luôn lo lắng về những rủi ro như các khoản đầu tư nhàn rỗi khác”, anh nói.

Tuấn Anh cũng chia sẻ số tiền còn dư sau khi đầu tư cho start-up anh lựa chọn gửi ngân hàng như một biện pháp an toàn. Anh cũng đang hướng đến mục tiêu sẽ sở hữu một căn chung cư nhỏ cho bản thân vào năm sau.

Thu nhập chưa cao vẫn chia đủ "6 lọ"

Không giống như Tuấn Anh, Phạm Lan (22 tuổi) luôn là người tỉ mỉ trong việc quản lý và phân chia các khoản thu nhập. Hiện tại, 10x đang làm việc ở vị trí Chuyên viên Phân tích dữ liệu. Dù mới ra trường, Lan đã có ý thức quản lý tài chính khoa học để có nền tảng phát triển vững chắc trong tương lai. “Mình không phải là một người quá ưa thích sự mạo hiểm, rủi ro nên mặc dù hướng quản lý chi tiêu của mình có sự pha trộn giữa tiết kiệm và đầu tư. Mình ưu tiên những khoản đầu tư ít rủi ro và an toàn hơn”, Lan chia sẻ.

Người trẻ dưới 30 tuổi quản lý tài chính như thế nào: Quản lý tài chính khoa học, ưu tiên tiết kiệm, đầu tư để “tiền đẻ ra tiền” - Ảnh 3.

Phạm Lan 22 tuổi, Chuyên viên Phân tích dữ liệu.

Phạm Lan quản lý tài chính theo phương pháp quản lý JARS - phương pháp 6 lọ. Tuy đây không phải là phương pháp quá mới mẻ nhưng Phạm Lan đã tìm hiểu và biến tấu để phù hợp với bản thân. Thu nhập hàng tháng của Lan khoảng 15-16 triệu đồng, đến từ lương hàng tháng ở vị trí phân tích dữ liệu và thu nhập từ việc mình đứng lớp, quản lý một trung tâm đào tạo nhỏ mỗi tháng. Phạm Lan chia phần thu nhập này thành 6 lọ như sau: Chi tiêu cần thiết (45% thu nhập); Quỹ gửi về gia đình (40% thu nhập); Tiết kiệm dài hạn (5% thu nhập); Quỹ giáo dục (3% thu nhập); Quỹ dự phòng (5% thu nhập); Quỹ từ thiện (2% thu nhập).

 

Người trẻ dưới 30 tuổi quản lý tài chính như thế nào: Quản lý tài chính khoa học, ưu tiên tiết kiệm, đầu tư để “tiền đẻ ra tiền” - Ảnh 4.

Phạm Lan thường sử dụng Google Sheet để lên kế hoạch và quản lý chi tiêu theo từng tháng

“Mình thường lên kế hoạch chi tiêu và phân chia ngay từ đầu tháng để có một định hướng rõ ràng cho bản thân. Các khoản chi tiêu từng ngày, dù là nhỏ nhất cũng được mình ghi chép lại. Ban đầu khi mới áp dụng, nhiều bạn sẽ có cảm giác khá máy móc nhưng một khi thành thói quen, mình làm việc này rất dễ dàng và còn có chút cảm giác thành tựu”, Lan vui vẻ nói.

Nhờ ghi chép rõ ràng nên mỗi tháng Lan luôn có sự điều chỉnh phù hợp. 10x dành phần lớn thu nhập để gửi về cho gia đình, khoản này thường không thay đổi quá nhiều. Vài tháng gần đây Lan cũng chuyển sang thói quen mang cơm từ nhà đi, nên giảm được gần một nửa chi phí ban đầu, phần dư ra sẽ được Lan bù cho những khoản khác hoặc tiết kiệm.

“Mình vẫn luôn dành một khoản cho việc học. Khả năng tự học của mình khá tốt nên chủ yếu mình sẽ tự học với các nguồn free trên mạng và học hỏi trực tiếp từ những người xung quanh. Nhờ đó có tháng mình không động đến khoản này. Tùy từng tháng có những sự kiện khác nhau mà mình cân nhắc tăng hoặc giảm khoản từ thiện. Hiện tại mình đang cố cắt giảm một số khoản chi tiêu như chi phí ăn uống, đi lại để tăng thêm cho quỹ tiết kiệm dài hạn”, Lan nói thêm.

Dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Lan dự kiến sẽ trích khoảng 50-60% tiền thưởng Tết cho các nhu cầu mua sắm tết, lì xì, báo hiếu cho bố mẹ, ông bà. Phần còn lại sẽ chia đều cho quỹ dự phòng và tiết kiệm dài hạn.

Như vậy, tư duy và cách thức quản lý tài chính của các bạn trẻ đã có nhiều thay đổi so với thế hệ trước. Tùy vào hoàn cảnh, thu nhập cũng như quan điểm về tài chính mà các bạn trẻ có thể áp dụng các biện pháp quản lý sao cho phù hợp với cuộc sống và định hướng cá nhân.

Theo Thu Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM