Người thu nhập thấp đô thị chiếm hơn 50% dân số nhưng giá nhà cao gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân

16/08/2019 19:31 PM | Bất động sản

Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Trong đó, có 274.622 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân ngoại tỉnh là 189.489 người, chiếm 69% tổng số lao động.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), rào cản lớn nhất đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở đó là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại); thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp. Đặc biệt, giá nhà cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân. Trong lúc ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân. Ngoài ra, Nhà nước chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên cũng là một rào cản lớn hiện nay.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng, Tp.HCM có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; Có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; Có 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; Có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.

 Người thu nhập thấp đô thị chiếm hơn 50% dân số nhưng giá nhà cao gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân  - Ảnh 1.

Còn rất nhiều rào cản để người thu nhập thấp đô thị có thể mua được nhà ở

Theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có đến 65% đến 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.

Trong khi đó, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Trong đó, có 274.622 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Hàng năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới. Có hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.

Tuy nhiên, theo HoREA, thực tế nguồn cung phân khúc này đang cạn kiệt, thậm chí vắng bóng trên thị trường. Trong khi các giải pháp hỗ trợ nhà ở cho những đối tượng này còn chưa “mạnh tay”. Vẫn còn khá nhiều rào cản về nguồn cung, giá bán và sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Riêng Tp.HCM có đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà. Đến nay, đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người (chủ yếu là ngành y tế, giáo dục).

“Kết quả này đáng khích lệ, nhưng cần có nguồn lực lớn hơn để giải quyết cho nhiều người hơn để đảm bảo công bằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách này cần được nhân rộng, nếu trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên (thuộc loại nhà có giá vừa túi tiền) thì sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở”, đại diện HoREA đề xuất.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM