Người ta chỉ nhớ ưu điểm của người chết và soi khuyết điểm của người sống, đừng để người mất rồi mới biết yêu thương

16/10/2019 08:31 AM | Sống

Nếu một ngày bạn chết, thế giới bỗng dưng tha thứ cho bạn, yêu thương bạn, dù trước đó từng vô cùng phiền não bởi những khuyết điểm của bạn. Nhưng sao phải đợi đến khi chết mới được yêu thương?

Người ta chỉ nhớ ưu điểm của người chết và soi khuyết điểm của người sống, đừng để người mất rồi mới biết yêu thương - Ảnh 1.

Sau khi tin dữ về Sulli nổ ra, rất nhiều netizen Hàn Quốc đã lên tiếng xin lỗi vì những phát ngôn tiêu cực, gay gắt trước đó của mình. Ở Hàn Quốc, Sulli gắn liền với hình tượng idol không mặc áo lót và đăng hình kỳ quặc. Phụ nữ hoặc rất thần tượng Sulli hoặc coi Sulli là tuýp phụ nữ lẳng lơ được mỗi cái mặt.

Từ những chia sẻ trong quá khứ, Sulli đã nhiều lần kêu cứu, nhiều lần ngơ ngác hỏi rằng “tôi không phải người xấu, nói với tôi lý do vì sao tôi nhận sự đối xử này”. Người ta ghét bỏ cô vì cô dám công khai hẹn hò và thoải mái tận hưởng tình yêu với bạn trai Choiza, một người hơn cô 14 tuổi. Cô khoe những cung bậc cảm xúc của mình lên trang cá nhân, và cô lại trở thành tâm điểm dè bỉu. Sau khi bị người yêu lớn tuổi đá, người ta cũng hả hê, mắng chửi Sulli.

Người ta ghét bỏ cô vì “dám” trở thành “gái hư”. Sulli không hút chích ma túy, không bán dâm, không làm gì phạm pháp nhưng cô bị chỉ trích là không đứng đắn vì thường xuyên đăng ảnh không mặc áo lót, chấp nhận thực hiện các bộ ảnh theo phong cách Lolita, đóng cảnh nóng 18+ trong một bộ phim điện ảnh...

“Idol hết thời, bị bồ lớn tuổi đá, bạn thân bị vướng vào lùm xùm tình tiền bạo lực, không mặc áo lót, thả rông chụp ảnh, bây giờ dùng nhan sắc để chụp mấy bộ ảnh khiêu khích với đi các event vô bổ để kiếm tiền” - từng đấy câu chữ của netizen tóm tắt 25 năm cuộc đời của một cô gái luôn là con vàng con bạc của bố mẹ, một nàng công chúa của SM.

Người ta chỉ nhớ ưu điểm của người chết và soi khuyết điểm của người sống, đừng để người mất rồi mới biết yêu thương - Ảnh 2.

Khi Sulli nằm xuống, nhiều lời yêu thương Sulli mới vội vã được gửi đến trang cá nhân của cô. Lúc này, cả thế giới bỗng dưng tha thứ cho mọi “tội lỗi”, mọi sự nổi loạn của Sulli. Lúc này, những kẻ ghét bỏ Sulli mới hối hận vì đã buông lời cay nghiệt với cô gái luôn bị mổ xẻ chuyện tình yêu, cuộc sống cá nhân. Lúc này, họ nhớ ra Sulli từng livestream suốt 10 phút nhưng chẳng nói gì, chỉ nằm khóc, cắn móng tay và đôi mắt như bị rút cạn sự sống. Lúc này, họ nhớ ra Sulli từng cố gắng tự tử bất thành vào năm 2016, thời điểm đen tối nhất sự nghiệp của cô. Lúc này, mọi người mới nhận ra Sulli đã sống một cuộc đời cô đơn, bế tắc đến thế nào, mới phát hiện ra, đằng sau nụ cười đẹp rạng ngời là một tâm hồn nát tan.

Mọi lời yêu thương, an ủi, bao nhiêu lời xin lỗi đổ đồn trên mạng xã hội, giờ đã thành vô nghĩa. Mọi lời chúc tụng rằng đóa tuyết lê xinh đẹp ấy hãy mỉm cười, hãy thanh thản ở một thế giới khác, giờ đã muộn. Sulli phải đợi đến lúc chết mới được cả thế giới yêu thương, và những hành động, sự nổi loạn trước đây bị chỉ trích nặng nề mới được nhận diện là những dấu hiệu của trầm cảm. Một câu “giá như” buông ra thật dễ, nhưng cũng như thời gian, mạng sống đã vuột mất không bao giờ lấy lại được.

Người ta chỉ nhớ ưu điểm của người chết và soi khuyết điểm của người sống, đừng để người mất rồi mới biết yêu thương - Ảnh 3.

Có người bảo rằng, những người từng công kích Sulli, nay lại tỏ ra thương xót, khóc than trên mạng xã hội là giả tạo, lật mặt như bánh tráng. Điều đấy cũng đúng một phần, bởi người ta nằm xuống rồi, nếu vẫn nói những lời độc địa thì mình là kẻ xấu, chẳng ai muốn nói những lời không hay, muốn tỏ vẻ lạnh lùng với sự ra đi của một người đã khuất. Nhưng một phần khác quan trọng hơn, đó là tâm lý rất thông thường của con người: Bạn chết rồi, bạn sẽ được yêu thương.

Bởi vì trong hiện thực, con người không dễ thông cảm cho người sống, mà dễ thông cảm cho người chết. Người ta thường nhớ tới khuyết điểm của người sống, nhớ rất dai, nhai đi nhai lại, thậm chí đay nghiến hàng ngày, nếu cần. Nhưng một khi ai đó chết đi, người ở lại sẽ chỉ nhớ đến ưu điểm của họ, nhớ đến họ đã tuyệt vời thế nào, tử tế, ấm áp ra sao.

Đó là lý do mà dù người nằm xuống là một đứa trẻ sống được ít ngày hay một cụ già đã nếm trải đủ hỷ nộ ái ố cuộc đời, trong điếu văn chỉ toàn những lời tụng ca. Không phải bởi bố mẹ đứa bé chưa từng nổi đóa giữa đêm, ức chế muốn hóa điên vì con khóc quấy; không phải bởi con cụ già ấy chưa từng thấy phiền khi cụ cứ gọi điện hoài để kể đi kể lại mấy câu chuyện cũ rích, chưa từng thấy việc chăm cha mẹ nằm liệt giường, thay bỉm, bón ăn là gánh nặng… mà bởi tất cả những khuyết điểm đó đã chấm dứt. Và trong những ngày giỗ chạp, ngày Tết, ngày tụ tập gia đình, những câu chuyện ngọt ngào, những kỷ niệm đẹp nhất của người đã khuất sẽ được ôn lại, để người còn sống có chút niềm vui.

Người ta chỉ nhớ ưu điểm của người chết và soi khuyết điểm của người sống, đừng để người mất rồi mới biết yêu thương - Ảnh 4.

Bạn có để ý không, ai khi chết rồi cũng là những người tử tế nhất, tuyệt vời nhất mà bạn từng gặp. Nhưng nếu bạn hỏi về tật xấu của người đó, ít ngày trước, khi họ vẫn còn sống, bạn sẽ có thể viết được hẳn một quyển tiểu thuyết, chắc chắn luôn!

Tôi đã chứng kiến cảnh một người bạn khóc ngất bên linh cữu của mẹ chồng khi mà trước đó hai tuần, vì không hài lòng với bà nên đã “giật” con trai ra khỏi vòng tay bà rồi hai mẹ con đi Sài Gòn chơi. Cô chê bà bẩn, mất vệ sinh vì cứ thích cắn nhỏ thịt cho thằng bé thay vì xé, cứ thè lưỡi liếm thử cháo còn nóng hay không rồi mới đút cho cháu. Cô giận bà vì làm lem nhem bộ đồng phục mới cứng của con cô… Chuyến đi chơi chưa kết thúc thì hai mẹ con cô phải về gấp vì bà đột quỵ và mất. Cô ân hận vì lời cuối cô nói với bà là “Con tự chăm con con được, không khiến mẹ phải lo”.

Tôi cũng biết nhiều người, khi cha mẹ còn sống thì chẳng quan trọng chuyện thăm nom săn sóc, thay được cái bỉm, cho ăn được lọ yến thì thở than cả mấy ngày, coi cha mẹ như cục nợ, chỉ mong họ ăn ít để đỡ phải dọn bỉm nhiều, mong họ chóng chết để đỡ tốn tiền thuốc men, osin chăm sóc, xổ toẹt vào mặt cha mẹ là mình khổ quá; nhưng khi làm giỗ thì luôn mâm cao cỗ đầy, đãi tiệc hoành tráng.

Người ta chỉ nhớ ưu điểm của người chết và soi khuyết điểm của người sống, đừng để người mất rồi mới biết yêu thương - Ảnh 5.

Tôi biết một người mẹ phải gánh vác kinh tế gia đình vì chồng kém cỏi, thường than phiền vì con lẵng nhẵng bám đuôi, chê con viết xấu, học dốt, chê con còi, ngứa mắt là đánh con như ngóe, bảo với con “đời tao quá khổ vì mày”, “đáng lẽ tao không nên đẻ mày ra, để tao chia tay thằng bố mày cho dễ”... Trong đám ma chồng và con mất vì tai nạn giao thông, chị gào thét mong được trả lại đứa con mà chị từng ước mình chưa đẻ, người chồng chị bảo là vô dụng.

Những câu chuyện như thế, chắc bạn cũng chứng kiến nhiều rồi. Tôi cứ tự hỏi sao cứ phải đợi đến khi ai đó chết, mình mới yêu thương và nhìn thấy ở họ những ưu điểm, còn trước đó, ta lại chỉ chú ý vào khuyết điểm thôi? Khi tất cả những khuyết điểm ấy đột ngột dừng lại, theo cái cách “triệt để” nhất, ta có hạnh phúc không?

Người ta chỉ nhớ ưu điểm của người chết và soi khuyết điểm của người sống, đừng để người mất rồi mới biết yêu thương - Ảnh 6.

Đợi đến lúc ai đó chết mới yêu thương họ toàn vẹn thì muộn mất! Ta chọn ai đó để gắn bó với mình, bước vào cuộc đời mình là bởi ưu điểm của họ, và có xu hướng chối bỏ/không chấp nhận khuyết điểm của họ. Nhưng người hoàn hảo, như đã nói, chỉ có ở thiên đường, ở thế giới bên kia.

Nếu không thể tha thứ cả khuyết điểm của ai đó bằng tất cả sự bao dung như ta có thể làm với một người đã khuất, hãy thử tập trung vào ưu điểm của họ, có được không? Để mỗi ngày ở bên nhau, ta yêu thương và được yêu thương cho đủ, để lỡ ngày mai có là ngày cuối cùng, đó sẽ là ngày cuối cùng không hối tiếc.

Và thay vì tối nay cằn nhằn về lão chồng hay đi rông, cảm thấy phiền vì lũ con “phiền toái” muốn đè tóc bạn ra nghịch hay vẽ lên người, nghĩ lại ai đó xấu tính làm mình thấy ghét, hãy thử nghĩ về những điều tốt đẹp của họ, về lý do ta chọn họ bên cạnh mình, để tự cho mình cơ hội yêu thương họ thêm một lần, thế có được không?

Theo Phong Linh - Hà Trâm

Cùng chuyên mục
XEM