Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì!

10/02/2024 08:00 AM | Sống

Nhờ phương pháp kinh doanh khác biệt, cách giới thiệu văn hóa Việt Nam độc lạ cùng việc nuôi dạy con có 1-0-2 đã giúp nữ Tiến sĩ gặt hái nhiều thành tựu, tạo nên sức ảnh hưởng lớn tại quốc gia Trung Âu có lịch sử lâu đời.

Chị là Tiến sĩ Phan Bích Thiện - người Việt Nam duy nhất trong danh sách 50 gương mặt tiêu biểu do Tạp chí Phụ nữ thành đạt của Hungary bình chọn.

Trang tạp chí giới thiệu chị có tựa đề “Cầu nối Đông Tây” để ca ngợi chị Bích Thiện với đóng vai trò như cây cầu nối châu Á và châu Âu. Đó là niềm vui không hề nhỏ của chị, cũng như những người con lập nghiệp xa xứ khi được xã hội nước sở tại ghi nhận. Niềm hạnh phúc như nhân đôi khi sự ghi nhận là kết quả cho những đóng góp quảng bá quê hương.

“Cảm ơn quê hương Việt Nam luôn là động lực cho tôi phấn đấu. Và cảm ơn Hungary - quê hương thứ hai đã đón nhận và tạo điều kiện để tôi vươn lên đóng góp cho cả 2 quê hương”, chị Bích Thiện xúc động chia sẻ.

Chúng tôi có buổi trò chuyện với người phụ nữ đặc biệt này mới thấu hiểu được hết những gian truân mà chị trải qua trong 38 năm bôn ba nơi đất khách quê người.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 1.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 2.

Vừa qua, chị vinh dự có mặt trong top 50 - 2023 do Tạp chí Phụ nữ thành đạt của Hungary bình chọn, cảm xúc của chị ra sao? 

Tôi vô cùng vinh dự và thấy đó là niềm vui lớn. Bởi đối với một người không phải người nước sở tại - Hungary nhưng được nước họ nhìn nhận và ghi nhận. Đó là nguồn khích lệ lớn cho sự cố gắng hội nhập và khẳng định vị thế bình đẳng của bản thân nói riêng và người Việt Nam nói chung trong xã hội Hungary.

Những tiêu chí để một cá nhân được bình chọn và vinh danh là gì, thưa chị?

Tạp chí Phụ nữ thành đạt của Hungary đến nay đã được 20 năm, mỗi tháng đều ra một số giới thiệu, tôn vinh top 10 gương mặt tiêu biểu, thành đạt. Tiêu chí đó là người không chỉ đạt thành công trong lĩnh vực riêng mà còn có ảnh hưởng, đóng góp tích cực với xã hội. Và họ không chỉ là doanh nhân mà còn hoạt động trong mọi lĩnh vực như: Thể thao, Nghệ thuật, Khoa học,...

Đặc biệt ngoài vinh danh theo tháng, Tạp chí có giải thưởng vinh danh top 50 người thành đạt vào cuối năm, khác số tháng ở chỗ là bình chọn cả nam giới và nữ giới. Ban biên tập và độc giả sẽ là những người bình chọn cho hạng giải này.

Về số tháng, tôi được 2 lần được chọn là gương mặt của tháng. Lần đầu tiên vào tháng 10/2020 với thành tựu đưa doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh COVID-19. Lần thứ hai là vào số mùa hè tháng 7-8/2023. Còn gần đây, tôi vinh dự nhận giải thưởng của năm, trong đó có những nhà khoa học đoạt giải Nobel, vận động viên đạt Olympic, nhà văn,… Mọi người còn trêu đùa tôi rằng được xếp cạnh bên những gương mặt “quốc dân” của Hungary.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 3.

Trang giới thiệu chị có tựa đề “Cầu nối Đông Tây” để ca ngợi người phụ nữ đóng vai trò như cây cầu nối châu Á và châu Âu, vậy trong năm qua, dấu ấn nào khiến chị đặc biệt xúc động mỗi khi nhắc tới? 

Thật ra đó không phải là thành tựu trong 1 năm mà là hành trình 25 năm tại Hungary. Trước đây tôi học tại Nga, mãi đến năm 1998 mới cùng chồng người Hungary sang đây lập nghiệp. Dù xa xứ nhưng tôi luôn cố gắng gìn giữ văn hóa Việt bởi bất cứ người con nào dù đi đâu cũng hướng về cội nguồn.

Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng vấn đề hội nhập. Tôi luôn tâm niệm điều này trong cuộc sống gia đình, tới công việc kinh doanh, tới cả những việc làm kết nối cộng đồng.

Về vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, tôi đã tổ chức những cuộc thi vẽ tranh về đất nước Việt Nam dành cho học sinh Hungary; các ngày văn hóa của Việt Nam; các buổi gặp gỡ, giới thiệu kết nối các doanh nhân để có thể đầu tư và hợp tác. Tôi còn là Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary - Việt Nam nhằm đẩy mạnh mối quan hệ giữa 2 quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, tôi đã vận động một đoàn đại diện các cơ quan truyền thông lớn tại Hungary sang thăm Việt Nam, kết hợp với Tổng Cục Du lịch Việt Nam vào năm 2016. Tôi và con gái từng tham gia chương trình truyền hình giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam. Năm 2010, Quỹ Vì quan hệ Hungary - Việt Nam đã vận động và xây dựng được tượng đài Kỷ niệm hữu nghị mang biểu tượng 2 nước và vận động xây dựng chùa Đại Bi. Chúng tôi còn có chương trình “Tối Việt Nam” để kết nối mọi người với nhiều hoạt động.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 4.

Bỏ nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đóng góp cho cộng đồng, chị có từng bị mọi người xung quanh đàm tiếu không? 

Rất người từng nói tôi là “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Thực tình, người Việt Nam sinh sống ở nhiều nước mặc dù có điều kiện kinh tế nhưng vẫn cảm thấy mình như công dân hạng 2. Hiện có 2 thái cực không hoàn hảo: 1 là nhóm người sinh sống trong phạm vi cộng đồng Việt; 2 là thế hệ các bạn trẻ Tây hóa hoàn toàn, sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, nhiều bạn không nói được tiếng Việt và không biết văn hóa Việt Nam. Chúng ta cần “hòa nhập nhưng không hòa tan”, giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng không quên hội nhập.

Để thực hiện các công việc cộng đồng, tôi thường xuyên về Việt Nam, không có thời gian dành cho bản thân. Chẳng hạn như đợt cận Tết, tôi về nước tham gia chương trình Tết nhân ái, thăm gia đình liệt sĩ, Xuân quê hương,... Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, bản thân có khả năng, còn làm được việc gì có ích cho xã hội, đất nước thì hãy cố gắng.

Vậy trong gia đình, đâu là cách chị nuôi dạy con luôn hướng về cội nguồn?

Hai con tôi là con lai nhưng đều nghe nói tiếng Việt khá tốt, giao tiếp hoàn toàn với mẹ bằng tiếng Việt vì được hướng dẫn từ nhỏ.

Ngoài ra, trong nhà tôi có bàn thờ chạm thổ chuẩn Việt và tổ chức đầy đủ ngày lễ Tết truyền thống như: Tết Trung thu, Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên đán,... Các con biết gói bánh chưng, làm gà, nấu xôi, mua cành đào, tặng lì xì, xông đất,...

Cách đây 20 năm, tôi cũng là người đầu tiên đưa ra ý tưởng tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em Việt sinh sống tại Hungary. Khi đó cộng đồng người Việt còn nhỏ, mọi người bận mưu sinh nên không quan tâm đến việc truyền văn hóa dân tộc cho thế hệ sau. Sau đó, điều này đã thành thông lệ, Hội Phụ nữ Việt Nam, và sau này lớn mạnh lên là Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary đứng ra tổ chức hàng năm.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 5.

Chị đã thuyết phục chồng đồng hành trong việc giáo dục song song cho con tiếp thu 2 nền văn hóa như thế nào?

Trong một gia đình đa văn hóa sẽ rất khó để các con thích nghi và có thể sẽ xảy ra xung đột giữa vợ chồng. Trong gia đình tôi, tất cả những ngày lễ của 2 dân tộc đều được tổ chức để các con được sống trong cả 2 nền văn hóa. Điều này sẽ giúp các con thêm hiểu biết, nâng tầm thế giới quan và sẽ dễ dàng hiểu các nền văn hóa khác. Tôi muốn các con dù đi tới đâu cũng luôn tiếp nhận, tôn trọng văn hóa, sự khác biệt của mọi người.

Với thế hệ thứ hai sinh ra tại Hungary, Việt Nam với các con cũng như các nước khác, các con không có kỷ niệm ấu thơ. Chính vì thế, tôi phải tạo dựng được lòng yêu Việt Nam từ việc rất nhỏ như kể sự tích, truyền thuyết, giới thiệu nét văn hóa,... chứ không thể ép buộc. Hay khi về Việt Nam, tôi không chỉ đưa các con đi thăm họ hàng mà còn tới tham quan các danh lam thắng cảnh như Văn miếu Quốc Tử Giám, Lăng Bác,...

Mọi hoạt động của chị đều xoay quanh tiêu chí “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Vậy đâu là cách khiến chị được xã hội Hungary ghi nhận?

Dù tôi có đi tới đâu thì dòng máu Việt vẫn chảy trong người. Nhưng tự hào thôi là chưa đủ mà cần biến thành hành động để xã hội Hungary nhìn nhận và ghi nhận. Bên cạnh các hoạt động quảng bá văn hóa Việt, tôi cũng luôn chú trọng tìm hiểu văn hóa, chính trị, bộ máy nhà nước,... Hungary.

Trong thực tế, nhiều người Việt sinh sống tại Hungary 20 - 30 năm vẫn không thông thạo tiếng Hungary. Họ chỉ biết tiếng bồi, không đọc được sách báo. Nhiều người không nắm được hệ thống trường học, y tế, bộ máy chính trị,.... Tôi thấy, chúng ta phải tìm hiểu và tôn trọng văn hóa nước sở tại mới dễ dàng quảng bá cho Việt Nam. Chúng ta phải biết cho đi mới mong được nhận lại.

Tháng 6/2023, tôi đưa ra ý tưởng và Hội Phụ nữ Việt Nam tổ tại Hungary tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu. Đây là lần đầu tiên có diễn đàn phụ nữ Việt ở nước ngoài với quy mô lớn với hơn 250 đại biểu đến từ 21 quốc gia. Hơn thế, điều thành công lớn là diễn đàn được tổ chức tại phòng thượng viện của nhà Quốc hội Hungary, nhiều người coi đây là kỳ tích, gây được tiếng vang lớn. Và đây cũng góp phần giúp tôi lọt top 50 - 2023 do Tạp chí Phụ nữ thành đạt của Hungary. Tờ báo Dân tộc của Hungary có đưa một bài báo với tiêu đề rất hay: “Châu Á và châu Âu hẹn gặp nhau trong một buổi sáng đầu hè ở Budapest”. Thời khắc đó, cả tòa nhà Quốc hội tràn ngập hình ảnh tà áo dài Việt, rất ấn tượng.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 6.

Trong nhiều sự kiện lớn nhỏ tại, chị thường mặc áo dài truyền thống Việt Nam. Đâu là lý do chị chọn trang phục này mà không phải những bộ đồ hợp mốt?

Tôi có đến hàng trăm bộ áo dài Việt Nam, tôi là “fan” của áo dài. Tôi nghĩ người phụ nữ nào mặc áo dài cũng đều đẹp, rất nữ tính, đặc biệt, không giống bất cứ trang phục khác. Tôi vẫn giới thiệu tới bạn bè quốc tế những họa tiết được in trên áo dài, đó cũng là một cách truyền bá văn hóa Việt.

Trên trang cá nhân, chị từng viết những câu thơ:

“Từng năm tới như nhà ga mới

Lúc thẳng đường khi gập ghềnh quanh lối

Cám ơn những người vẫn lăn bánh cũng ta”.

Vậy người “cùng lăn bánh” đã giúp đỡ chị thế nào?

Đầu tiên tôi phải cảm ơn ông xã bởi nếu không có hậu phương vững chắc thì tôi không thể làm được. Rất ít người đàn ông thông cảm, thấu hiểu được cho các hoạt động xã hội của vợ. Đặc biệt, anh lại là người Hungary nên sự đồng cảm càng phải nhiều hơn. Tiếp theo là các con luôn ủng hộ tôi, các con luôn tự hào giới thiệu bản thân mang 2 dòng máu.

Người mà tôi muốn gửi lời cảm ơn nữa là mẹ của mình. Dù đã 90 tuổi nhưng mẹ vẫn luôn là động viên, cổ vũ con cháu. Bên cạnh gia đình còn có bạn bè đồng hành, hỗ trợ tôi.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 7.

Luôn một lòng hướng về quê hương, còn công việc kinh doanh, chị có thể chia sẻ đôi điều được không? 

Hiện tôi là chủ của khu khách sạn lâu đài Field. Trước kia, đó là lâu đài cổ của một dòng họ, nguồn gốc của người Do Thái. Sau này, chính phủ Hungary đưa ra chính sách xã hội hóa những tòa lâu đài di tích lịch sử với điều kiện cải tạo. Năm 2002, vợ chồng tôi quyết định mua lâu đài với tổng diện tích 19ha. Sau 3 năm cải tạo, đến năm 2005, lâu đài đi vào hoạt động với 50 phòng, cách Budapest hơn 100km.

Tòa lâu đài cổ mang phong cách châu Âu, khi khôi phục tôi đã đắn đo rất nhiều mới quyết định đưa nội thất chạm trổ khắc làng Đồng Kỵ ở Việt Nam sang Hungary. Đó là ý tưởng mạo hiểm, tôi từng lo sẽ thất bại, tính trước rủi ro. Nhưng cuối cùng tôi vẫn dũng cảm làm phép thử: Cầu thang chạm trổ tứ quý đầu rồng, sàn các phòng bằng tre trúc,... Năm 2010, lâu đài được bình chọn là “Khách sạn đẹp nhất Hungary”, giải “Khách sạn của năm” năm 2011, giải thưởng “Chất lượng châu Âu” năm 2014.

Tôi nghĩ chính sự khác biệt đã tạo nên thành công, tạo tiếng vang, được mọi người đón nhận. Tôi hạnh phúc khi vừa quảng bá được văn hóa Việt Nam, vừa tạo được nét riêng cho doanh nghiệp của mình, thu về hiệu quả cao.

Ngoài ra, tôi mới xây dựng một ngôi chùa Việt mang tên Đại Bi nằm tại Simontornya. Tôi muốn đó là một ngôi chùa không lớn nhưng điều quan trọng nhất là giữ văn hóa Việt. Tất cả mọi thứ từ đá, tượng, cửa,... đều được đưa từ Việt Nam sang. Ngoài việc phục vụ nhu cầu tham quan, đến cúng lễ của người Việt thì điều mà tôi hướng tới là giới thiệu văn hóa tâm linh, văn hóa Phật pháp cho người Hungary. Rất vui là giờ có rất nhiều người Hungary, đặc biệt là các bạn trẻ tới tham quan, tìm hiểu văn hóa như ý nghĩa hoa sen, tượng quan văn - quan võ,... Tại chùa có câu đối do tôi tự làm thể hiện mong muốn sâu thẳm trong trái tim: “Nơi xa xôi nhưng tâm gần Phật/Chùa tuy nhỏ nhưng lòng từ bi”.

Việt Nam cần phát triển kinh tế nhưng để định vị được thương hiệu đất nước thì cần chú trọng đến văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta không được quảng bá dàn trải mà cần chọn trọng tâm, mũi nhọn để tăng tính hiệu quả. Chúng ta luôn nói đến 2 từ “cầu nối”, để thực sự làm được điều đó thì không chỉ đưa ra khẩu hiệu. Bởi đó là bề nổi sớm trôi đi mà quan trọng phải được thực hiện trong từng hành động, suy nghĩ. Mỗi người Việt Nam đều có thể là một đại sứ nhân dân.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 8.

Được biết năm 2020, chị đã điều hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch COVID-19 một cách ngoạn mục?

Tháng 3/2020, tại Hungary xuất hiện ca COVID-19 đầu tiên, chỉ sau 1-2 tuần, chính phủ đưa ra yêu cầu ngừng hoạt động kinh doanh. Đó là cú sốc lớn đối với tôi và nhiều người khác. Tôi phải luôn động viên bản thân bình tĩnh để tìm cách giải quyết.

Đầu tiên, tôi họp 50 nhân viên để chia sẻ khó khăn, nhưng không hề bắt ai nghỉ việc. Tôi mong muốn họ chia sẻ bằng cách chấp nhận mức lương giảm xuống và cần làm thêm nhiều việc khác không phải chuyên môn. Tôi động viên họ sửa sang, dọn dẹp lại phòng ốc - những việc khó làm khi mô hình vận hành thì giờ tranh thủ. Tôi tạo công ăn việc làm và tận dụng nguồn lực, thời gian trong thời điểm khó khăn. Về nhân viên sale, tôi yêu cầu họ giữ chăm sóc khách hàng và không ngừng lên kế hoạch về dịch vụ mới, chờ đến khi được mở cửa lại.

Đến khi chính phủ cho phép mở cửa, số lượng khách đặt phòng còn cao gấp mấy lần so với trước kia. Nhờ sự đồng lòng hợp sức của đội ngũ nhân viên mà khó khăn đã lùi lại.

Môn thể thao chị yêu thích - chạy bộ đã mang tới cho chị điều gì?

Thể thao đối với mỗi người rất quan trọng vì khi chạy bộ, thời gian đó vừa để “nghỉ ngơi chủ động” chứ không phải thụ động. Điều thứ hai, chạy bộ là cách để vượt lên chính bản thân.

Thời gian đầu, tôi chỉ chạy được mấy trăm mét, đến 1km đã mệt. Sau đó, tôi kiên trì tập luyện mỗi ngày, đặt mục tiêu 3km, 5km, 7km còn giờ đã chạy được 10km. Đến tháng 12 cuối năm, tôi tự động viên bản thân chạy 12km. Đó là cách chiến thắng chính mình vì tôi không cần chạy đua với bất kỳ ai.

Và cách thở trong chạy bộ cũng rất quan trọng để không bị mất sức. Vì thế, chạy bộ cũng giúp tôi học được cách hít sâu, thở ra bình tĩnh, áp dụng được vào cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn khi gặp một vấn đề không hay, tôi sẽ hít vào thật sâu rồi thở ra để bình tâm lại, từ đó tìm phương án giải quyết tốt nhất.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 9.

Những năm đầu xa quê hương, chắc hẳn chị rất nhớ Việt Nam, nhớ người thân?

Tết năm đầu tiên xa quê, tôi vô cùng nhớ nhà, cũng sắm sửa Tết đầy đủ trong tiết trời giá lạnh. Nhưng khi giây khắc giao thừa, bao nhiêu ký ức ùa về. Tôi nhớ phút giây này ở nhà, mọi người đang quây quần bên nhau, nâng ly rượu để tiễn năm cũ, đón chào năm mới. Và tôi đã khóc, chắp bút nên bài thơ “Tết nơi xa quê”, trong đó có đôi ba câu như sau:

“Con háo hức chờ đón phút giao thừa,

Đậm đà xôi thơm, ngọt ngào hương trầm tỏa.

Con nâng niu khắc giây quý giá,

Tết về, trĩu nặng nỗi quê hương”.

Những Tết sau, tôi cố gắng xây dựng cộng đồng người Việt, cùng nhau tổ chức ăn uống, sum vầy. Và tôi còn có tổ ấm nhỏ nên không còn chạnh lòng, nhớ quê nhiều như những năm đầu. Hơn nữa, nhờ công nghệ hiện đại nên giờ dù xa quê nhưng tôi có thể “call video” về nhà để trò chuyện với người thân, giúp nỗi nhớ vơi đi.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 10.

Là người gốc Hà Nội, vậy chị đã hướng dẫn các con nấu mâm cơm Tết, trang trí nhà cửa, bày biện bàn thờ,... ra sao?

Tôi thực hiện rất đầy đủ, chẳng hạn như với đồ ăn sẽ nấu các món truyền thống như: Luộc gà cắm hoa hồng, gói bánh chưng, gói nem, nấu canh măng miến, làm thịt đông, nấu xôi,... Những ngày trước đó, tôi dạy các con soạn sửa bàn thờ Tết, lau chùi sắp xếp đúng vị trí, rút chân hương, bày mâm ngũ quả, hạ cỗ,... Rồi các con còn biết xông đất, mừng tuổi, mang cành lộc xuân về nhà ra sao.

Vừa làm tôi vừa giải thích, giới thiệu cho các con về ý nghĩa phong tục, chứ không phải sự bắt ép. Đêm giao thừa, tôi cùng chồng, các con cũng sẽ gọi điện về nhà chúc Tết, sáng hôm sau sẽ đi chùa cầu bình an.

Nhìn lại chặng đường chông gai đã bước qua, đâu là lời mà chị muốn nhắn nhủ tới những người con xa xứ?

Mặc dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng bạn hãy cố gắng giữ gìn nét đẹp văn hóa. Ngay cả dịp Tết cổ truyền, nếu không có điều kiện về quê, thăm người thân thì hãy mang cái Tết từ Việt Nam sang. Điều này không khó, chỉ là chúng ta có muốn hay không. Bởi bên nước ngoài cũng có những khu chợ dân sinh bán đầy đủ nguyên liệu, đồ ăn Việt. Nó cũng không đắt đỏ, khó khăn, chỉ cần là ta muốn.

Tất nhiên điều này không thể thay thế được Tết ở quê hương nhưng ít ra cũng tạo chút ít không khí, khiến bản thân và những người xung quanh cảm thấy quê gần hơn. Từ đó, chúng ta sẽ có động lực trong đời sống hàng ngày. Quê hương không phải là điều gì đó rộng lớn, cao sang mà đơn giản đó là những người thân yêu xung quanh.

Người ở Việt Nam hãy cố gắng mở lòng hơn để hiểu tâm tư của người xa xứ. Còn những người xa xứ thì hãy mang một chút văn hóa quê hương sang bên đó để thấy cuộc sống hài hòa hơn.

Người phụ nữ Việt lọt top 50 - 2023 gương mặt thành đạt của Tạp chí hàng đầu Hungary: Mang cả tre trúc, đồ gỗ Đồng Kỵ sang xây khách sạn, dạy con nấu cỗ cúng chuẩn Hà Nội không thiếu thứ gì! - Ảnh 11.

Chị có thể nói câu “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Hungary tới độc giả?

Boldog Új Évet, Boldog Új Évet và Boldog Új Évet.

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!

Bài viết: Ứng Hà Chi - Thiết kế: Hà Mĩ

Từ khóa:  Forbes
Cùng chuyên mục
XEM