Người Nhật không kêu than trên Facebook trong thảm hoạ Kumamoto

17/04/2016 20:00 PM | Sống

Khi thảm hoạ xẩy ra, người Nhật không lên mạng xã hội kêu than, họ ngay lập tức bắt tay vào những việc khác, điều này làm Facebook khá mờ nhạt trong việc hỗ trợ thông tin liên quan đến trận động đất tại Kumamoto.

Trái ngược hẳn với động đất tại Nepal, khủng bố tại Pháp... Facebook tại Nhật rất im ắng, trong hai trận động đất 6,2 và 7,3 độ Richter xảy ra liên tiếp vào ngày 14 và 15/4/2016 tại thành phố Kumamoto, đảo Kyushu, Nhật Bản khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và gần 2000 người bị thương.

Trong đoạn tin đầu tiên về động đất trên fanpage của tờ Asahi Shimbun chỉ có 97 lượt chia sẻ, trong khi đó con số này trên fanpage của Yahoo Japan 394 lượt chia sẻ với 66 bình luận.

Asahi Shimbun và Yahoo Japan là những trang trực tuyến rất có tiếng và được ưa thích tại Nhật. Trên trang Facebook cá nhân của người dùng Nhật, hoặc những fanpage khác, có rất ít thông tin về động đất.

Họ chủ yếu dùng Facebook để thông báo với những bạn bè quốc tế, thậm chí có nhiều dòng tin dành để nhắn nhủ người Việt Nam, do có khá nhiều người Việt sinh sống tại Nhật.

Các sinh viên di chuyển đồ dùng cá nhân của mình khỏi kí túc xá đã bị hư hại tại Kumamoto. Ảnh: AP
Các sinh viên di chuyển đồ dùng cá nhân của mình khỏi kí túc xá đã bị hư hại tại Kumamoto. Ảnh: AP

Đây là những con số thể hiện sự tương tác rất khiêm tốn giữa Facebook và xã hội thực, nhưng lại không phải điều quá ngạc nhiên đối với Nhật Bản, một quốc gia luôn giáo dục công dân mình rất kỹ, khi thảm hoạ xảy ra, họ sẽ phải làm những gì để chạy đua với thời gian.

Một người dùng có tên Araki Hiroko thông báo bằng tiếng Nhật và tiếng Việt về chỗ tị nạn cho nạn nhân động đất trên Facebook
Một người dùng có tên Araki Hiroko thông báo bằng tiếng Nhật và tiếng Việt về chỗ tị nạn cho nạn nhân động đất trên Facebook

Trước hết, Twitter trở thành kênh truyền thông hữu hiệu để chia sẻ nhanh chóng hàng nghìn đoạn Tweet: “Kumamoto xảy ra động đất vào 14/4, mọi người hãy cẩn thận”, vài dòng ngắn ngủi là đầy đủ thông tin.

Tranh phong cách anime của tài khoản Twitter Kazenoyouni vẽ để động viên mọi người trong trận động đất Kumamoto (kuma có nghĩa là con gấu)
Tranh phong cách anime của tài khoản Twitter Kazenoyouni vẽ để động viên mọi người trong trận động đất Kumamoto (kuma có nghĩa là con gấu)

Yahoo Japan nhanh chóng mở quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân tại trận động đất Kumamoto. Trong đó, mỗi số tiền đóng góp từ người dùng, Yahoo sẽ đóng góp tương ứng trong giới hạn 20 triệu yên Nhật.

Điều đó có nghĩa là, nếu người dùng đóng góp 20 triệu yên, Yahoo sẽ đóng góp thêm 20 triệu yên, tổng là 40 triệu yên.

Tính đến ngày 16/4, số tiền trong quỹ đóng góp này đã hơn 165 triệu yên, với sự đóng góp của gần 2000 người và vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Đất lở chắn ngang một con đường tại Kumamoto. Ảnh: Asahi Shimbun
Đất lở chắn ngang một con đường tại Kumamoto. Ảnh: Asahi Shimbun

Yahoo rất được ưa chuộng tại Nhật, người Nhật đọc tin trên Yahoo mỗi ngày và họ cũng sử dụng Yahoo như một sàn thương mại điện tử tương tự eBay.

Những nhà mạng Nhật Bản như Softbank, Au, Docomo cũng nhanh chóng vào cuộc.

Tại Nhật, gần những ga tàu, các cửa hàng tiện lợi... luôn có Wi-fi miễn phí dành cho người dùng nội mạng, nếu bạn dùng mạng của Softbank thì chỉ có thể bắt sóng Wi-fi từ Softbank.

Tuy nhiên, ngay khi trận động đất Kumamoto xẩy ra, các nhà mạng Nhật đã nhanh chóng thiết lập hệ thống kết nối Wi-fi miễn phí có thể truy cập được từ tất cả các máy, với tên mạng là 00000JAPAN.

Nishi Yama, một người Nhật cho biết, khi trận động đất diễn ra thì các nhà mạng sẽ tự động gửi cảnh báo cho người dùng. Trong khi đó, người Nhật từ bé đã sống chung với động đất và luôn tìm cách hạn chế thiệt hại do thảm hoạ thiên nhiên gây ra, họ luôn có suy nghĩ: “cho dù trong hoàn cảnh nào, bình tĩnh là điều tối quan trọng nhất”.

Trận động đất tại Kumamoto cũng khiến cho một số nhà máy sản xuất của Sony và Mitsubishi phải dừng hoạt động, nhưng điều này nghiêng về khả năng sẽ không có sự xáo trộn về giá cả nào trên thị trường, do các công ty Nhật đã di chuyển rất nhiều cơ sở sản xuất của họ sang các nước như Trung Quốc và Việt Nam.

Đây là loạt động đất khủng khiếp nhất, tính từ thảm hoạ động đất kèm sóng thần tại Nhật vào năm 2011.

Theo Thành Lương

Cùng chuyên mục
XEM