Người Nhật đã biến nhà vệ sinh công cộng thành máy kiếm tiền như thế nào?

29/12/2016 10:31 AM | Kinh doanh

Với những trạm dừng chân kèm toilet trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, người Nhật đã tự mở ra cho mình kênh bán hàng nội địa, tiêu thụ các sản phẩm truyền thống khiến khách hàng sẵn sàng chi tiền mà vẫn cảm thấy vui vẻ.

Là một người từng đón nhiều đoàn chuyên gia Nhật đến Việt Nam, vừa với mục đích công tác, vừa với mục đích du lịch giải trí nên tôi phải đi lại rất thường xuyên, qua nhiều tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu bằng ô tô.

Một trong những vấn đề mà chúng tôi hay gặp trên đường đi đó là thiếu nhà vệ sinh, nhiều khi gây ra không ít bất tiện. Việc Việt Nam thiếu nhà vệ sinh trong nội thành đã được người ta nói đến từ lâu, nhưng trên các tuyến quốc lộ, cao tốc của chúng ta cũng rất thiếu nhà vệ sinh.

Hoặc nếu có nơi có thể đi vệ sinh, thường đó là hàng quán dân sinh, khách thường phải mua hàng hóa ở đó mới có thể đáp ứng cho nhu cầu của mình.

Mọi sự so sánh sẽ đều khập khiễng, nhưng câu chuyện nhà vệ sinh trên đường cao tốc tại Nhật dưới đây, theo quan điểm của người viết, sẽ có ít nhiều ý nghĩa với câu chuyện tại Việt Nam hiện nay, không những chúng ta mang đến thêm nhiều tiện ích cho người nước ngoài cũng như người bản xứ, mà còn mở ra thêm kênh bán hàng, tiêu thụ sản phẩm địa phương.

Sống ở Nhật 4 năm, trong khoảng thời gian đó, tôi từng sống ở miền quê tỉnh Niigata của Nhật 2 năm.

Địa phương chuyên làm nông nghiệp này cách Tokyo khoảng 300 kilomet. Chúng tôi nhiều lần lên Tokyo vì những chuyến công tác và dọc quãng đường chúng tôi thường nghỉ giữa chặng khoảng từ 2 đến 3 lần. Người Nhật tính toán rất cẩn thận về các khu vực dịch vụ (SA - service area) này, thường cách khoảng 50km, hoặc tối đa đến 150km, họ sẽ thiết kế một khu SA như vậy.

Trải nghiệm dịch vụ tại các khu SA như thế này thực sự rất tuyệt vời. Về cơ bản, một điểm dịch vụ trên đường cao tốc của Nhật có thể thực hiện đủ chức năng của trung tâm mua sắm cỡ nhỏ. Mỗi khu vực có diện tích khoảng vài trăm mét vuông, chỉ có một cửa vào và một cửa ra duy nhất.

Bên cạnh đó là khu nhà vệ sinh với số lượng rất nhiều phòng, nhiều khi có cả phòng thay tã cho trẻ sơ sinh. Đó là chưa kể đến bảng điện tử giúp khách được biết phòng vệ sinh nào đang trống, phòng nào đang có người dùng để khách không mất công tìm kiếm.


Bảng điện tử giúp khách được biết tình trạng trống của các phòng vệ sinh. Ảnh: JDP

Bảng điện tử giúp khách được biết tình trạng trống của các phòng vệ sinh. Ảnh: JDP

Đặc biệt, chưa bao giờ tôi phải trả một đồng nào khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở Nhật dù chất lượng nhà vệ sinh luôn cực kỳ tốt. Trong suốt khoảng thời gian 4 năm sống ở cả thành phố và nông thôn nước Nhật, tôi chỉ nhớ có 1-2 lần gì đó nhà vệ sinh hơi bốc mùi một chút.

Tại SA, hàng hóa được bày bán luôn có giá ngang bằng thậm chí thấp hơn chút so với hàng hóa bày bán tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Hàng hóa ở đây có cực kỳ nhiều chủng loại, từ hàng tiêu dùng nhanh cho đến thực phẩm tươi sống, đồ đông lạnh.

Ngoài ra, khi đến mùa sản xuất các sản phẩm truyền thống, người Nhật cũng tận dụng luôn kênh bán hàng này để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm truyền thống, ví như các loại bánh, các loại hoa quả, sản phẩm thủ công, đan lát, mỹ nghệ, giá cả sản phẩm ở đây rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại ở cùng địa phương.

Chưa kể đến nhiều SA còn có cả cả phòng tắm nóng lạnh, hàng loạt máy rút tiền, khu vực bán café nóng lạnh tự động, các trạm bơm xăng trả tiền trực tiếp. Các SA đồng thời có luôn cả khu tổ chức lễ hội.

Nếu so sánh tương đương, bên Mỹ cũng có những trạm dừng chân với dịch vụ vệ sinh và mua sắm giống Nhật. Thậm chí ở Mỹ đã có những trạm dừng kiểu này trước Nhật khá lâu nhưng dịch vụ không thể so sánh được với Nhật, đó là điều mà ngay cả rất nhiều du khách Mỹ cũng phải thừa nhận khi họ đến Nhật.

Tất cả những trạm SA cần rất ít nhân lực phục vụ. Thường chỉ có khoảng từ 3 đến 4 người sẽ chịu trách nhiệm bao quát toàn bộ khu vực SA.

Không những tinh tế trong cung cấp dịch vụ, khi xây dựng các SA, người Nhật còn thiết kế xây dựng nó ở các địa điểm có cảnh rất đẹp để giúp mang đến cơ hội cho khách cơ hội ngắm cảnh.

Chẳng thế mà trong rất nhiều chuyến đi của chúng tôi trong nội địa nước Nhật, khi tài xế chỉ cho dừng 30 phút nhưng vì cảnh quá đẹp, mọi người chụp ảnh nhiều đến mức tài xế phải ra nhắc tận nơi mọi người đi về. Hoặc trong các tuyến đường đi quanh khu vực có núi Phú Sỹ, rất nhiều các SA được thiết kế để có khu vực nghỉ ngơi ăn uống nhìn ra núi Phú Sỹ 4 mùa tuyệt đẹp.


Khu vực nghỉ ngơi ăn uống tại SA nhìn ra núi Phú Sỹ, đang ẩn mình dưới những đám mây. Ảnh: JDP

Khu vực nghỉ ngơi ăn uống tại SA nhìn ra núi Phú Sỹ, đang ẩn mình dưới những đám mây. Ảnh: JDP

Với sự chu đáo của người Nhật, thực ra các SA thậm chí không bao giờ trở nên cũ. Tôi đã đi tuyến đường Niigata – Tokyo hàng chục lần trong suốt 4 năm, nhưng cứ năm sau đi qua cùng SA đó lại thấy nó đã có thêm các sản phẩm mới, và đặc biệt rất ít sản phẩm ngoại nhập.

Vậy là với những trạm dừng chân kèm toilet trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, người Nhật đã tự mở ra cho mình kênh bán hàng nội địa, tiêu thụ các sản phẩm truyền thống khiến khách hàng sẵn sàng chi tiền mà vẫn cảm thấy vui vẻ. Chẳng thế mà nhiều khách du lịch đến Nhật về rồi thường nói với nhau: “Đến Nhật tiêu hết cả tiền mà vẫn thấy vui.”

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM