Người nghe Mozart, Chopin thông minh và làm việc năng suất hơn người nghe nhạc Rock, nhạc Sơn Tùng MTP? Đây là câu trả lời của các nhà khoa học

10/06/2017 09:26 AM | Sống

Chúng ta thường đặt câu hỏi vì sao khi những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như: Mozart, Beethoven,… đều có chỉ số thông minh (IQ) cao ngất ngưởng là 153 và 165. Câu trả lời không ở đâu khác, mà ở chính niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời họ: Âm nhạc.

Nhiều bậc cha mẹ phủ nhận việc cho trẻ sơ sinh nghe nhạc Mozart sẽ giúp chúng thông minh hơn. Nhưng trên thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển hoàn toàn có thể cải thiện được bộ não con người cũng như khả năng học tập.

Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là mọi người thường hiểu nhầm hoặc áp dụng khoa học một cách gượng ép vào thực tế. Lấy ví dụ như bạn có một đĩa CD các bài hát của Mozart và lắng nghe nó hàng giờ với hi vọng trở thành một thiên tài. Điều này thật nực cười. Hoặc, bạn chỉ nhìn vào câu chuyện ngớ ngẩn ấy và kết luận âm nhạc không hề có ích với não bộ.

Hãy thực tế hơn và hiểu đúng cái được gọi là âm nhạc. Âm nhạc không phải là một thứ thuốc tiên để chỉ cần lắng nghe trong một vài giờ sẽ biến một kẻ tối dạ thành Einstein thứ hai. Nhưng nếu bạn hiểu rõ lợi ích thiết thực của âm nhạc cổ điển, bạn sẽ hiểu rằng nó có thể tạo ra một vài khác biệt.

Không ai có thể thành công trong một sớm một chiều, lợi ích luôn được tích lũy theo thời gian

Thông tin nghe nhạc Mozart để cải thiện trí tuệ đã được đài BBC nhắc đến từ năm 1991 như là kết quả một nghiên cứu của Đại học California. Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, nghiên cứu này đã được thổi phồng so với những gì nó thực có. Dần dần sau này, các nhà khoa học đã phát hiện rằng khoảng 15 phút sau khi nghe nhạc Mozart, những người trẻ thực hiện các công việc cá nhân nhanh chóng, hiệu quả hơn.


Nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart

Nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart

Nối tiếp thành công của các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học bắt tay sâu hơn vào việc nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng đối với não bộ. Một số kết quả được khám phá như sau: Các học sinh ghi nhớ kiến thức và làm các bài kiểm tra tốt hơn sau khi nghe nhạc cổ điển.

Trong năm 2004, sau khi cho chuột nghe nhạc cổ điển, các nhà khoa học đã phát hiện ra trong não của chúng có biểu hiện của các loại gen như: BDNF – một yếu tố tăng trưởng thần kinh và CREB – một loại hợp chất tác động đến học tập và trí nhớ và synapsin I – một yếu tố giúp phát triển protein. Nói một cách đơn giản, bộ não sẽ tạo ra các hoạt chất để đáp ứng sự kích thích từ âm nhạc của Mozart.

Kể cả khi âm nhạc cổ điển không giúp bạn thông minh hơn thì nó cũng sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn

Các nghiên cứu còn cho thấy, thường xuyên nghe âm nhạc có nhiều lợi ích khác như giảm bớt lo lắng. Ngày nay, y học thường sử dụng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc để điều trị chứng rối loạn, sa sút trí tuệ và mất ngủ. Có thể âm nhạc không mang lại tác dụng thần kì là khiến bạn trở nên thông minh hơn, nhưng hãy tin tưởng rằng nó sẽ cải thiện sức khỏe của bạn ở những vùng khác.

Hãy chọn đúng thể loại nhạc phù hợp với mình. Âm nhạc chỉ phát huy tác dụng tối đa khi bạn biết cách thưởng thức nó

Tất cả những thứ nêu trên đều chứng minh cho một luận điểm duy nhất là âm nhạc cổ điển có lợi. Nhưng liệu có nhất thiết phải là âm nhạc cổ điển, là nhạc của Mozart không? Nếu nghe nhạc của Brahms hay Tchaikovsky hay thậm chí là nhạc rock thì có đạt được hiệu quả không?

Câu trả lời là có.

Yếu tố phân biệt không phải là nhạc của ai, mà điều quan trọng là bạn thích loại nhạc nào. Nếu bạn thấy nhạc cổ điển nhàm chán thì giá trị mà nó tác động đến bạn cũng chỉ là chữ số 0 tròn trĩnh. Nhìn chung, âm nhạc hoạt động như một chất kích thích đến não.

Theo Inc, nghe nhạc giúp xây dựng một con đường nối giữa bộ nhớ và trung tâm cảm xúc, giữ cho trí óc luôn hoạt động tích cực. Có một số đặc điểm độc đáo của âm nhạc cổ điển khiến nó hiệu quả hơn các thể loại nhạc khác.

Âm nhạc cổ điển phức tạp hơn nhiều so với những bài nhạc rock hay pop, vì vậy nó đòi hỏi não bạn phải xử lí nhiều hơn, từ đó gia tăng hiệu quả kích thích. Âm nhạc cổ điển không chỉ là một phương tiện thư giãn mà còn là cách thức thúc đẩy việc học vô cùng hiệu quả. Thay vì trực tiếp tác động đến sức mạnh của não, nó sẽ tạo ra một môi trường nhẹ nhàng, thuận lợi hơn để suy nghĩ, học tập.

Những lợi ích kể trên không phải là lí do để bạn trói buộc bản thân với việc nghe nhạc cổ điển. Đừng hiểu nhầm. Âm nhạc, cho dù nó đến từ đâu hoặc do ai tạo ra, ít nhiều đều mang những lợi ích nhất định. Ép buộc bản thân nghe những bản nhạc không thú vị sẽ ngăn cản quá trình tác động của nó lên não, đặc biệt là khi những tác động ấy phải được tích lũy theo thời gian, lâu dần mới tạo thành kết quả. Nếu bạn thích nghe Death Metal hơn nhạc Mozart, đừng cảm thấy xấu hổ và hãy tăng âm lượng lên.

Cuộc tranh luận về ảnh hưởng của âm nhạc đến não sẽ không kết thúc bằng một vài nghiên cứu, nhưng chúng cũng chỉ ra nhạc cổ điển có thể mang lại giá trị tích cực cho não cũng như sức khỏe tổng thể của bạn. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là nghe nhạc cổ điển sẽ tăng IQ của bạn thêm 10 điểm hay chối bỏ nó nếu nhạc cổ điển không phát huy tác dụng ngay lập tức.

Âm nhạc là để thưởng thức, đừng biến nó trở thành một loại vitamin.

Châu Anh

Cùng chuyên mục
XEM