Người mua ô tô vẫn phải chờ "dài cổ"

20/01/2018 08:49 AM | Kinh doanh

Giới kinh doanh ô tô cho rằng kể cả khi đã có thông tư hướng dẫn Nghị định 116, thị trường vẫn khan hiếm ô tô nhập khẩu thêm nhiều tháng và giá bán khó giảm như kỳ vọng.

Nhiều người muốn mua ô tô đã chờ đợi suốt năm 2017 để được mua xe giá rẻ vào năm 2018 nhờ thuế nhập khẩu giảm nhưng thực tế không phải vậy.

Tạm dừng nhập khẩu

Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh ô tô chính thức có hiệu lực từ 1-1-2018. Nhưng đến thời điểm này, rất ít nhà nhập khẩu ô tô đáp ứng được các điều kiện của nghị định. Trong đó, hai điểm được cho là khó khăn nhất với các doanh nghiệp nhập khẩu là giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải kiểm định một mẫu xe về tiêu chuẩn khí thải và an toàn.

 Người mua ô tô vẫn phải chờ dài cổ  - Ảnh 1.

Thị trường ô tô nhập khẩu được dự báo sẽ còn khan hàng thêm nhiều tháng nữa. Ảnh: Tấn Thạnh

Kết quả là ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 116, lượng ô tô nhập khẩu đã bắt đầu sụt giảm. Báo cáo của Cục Hải quan TP HCM cho thấy từ tháng 9-2017 đến nay, lượng ô tô nhập khẩu giảm mạnh. Chưa có chiếc xe nào được nhập về với thuế suất nhập khẩu 0% theo cam kết hội nhập giữa các quốc gia ASEAN từ đầu năm 2018.

Hai hãng xe lớn của Nhật là Toyota Motor và Honda Motor mới đây khẳng định trên báo chí quốc tế rằng họ đã tạm ngừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam kể từ đầu năm nay do Nghị định 116 đòi hỏi kiểm tra nghiêm ngặt các loại xe nhập khẩu.

Thực tế không riêng Toyota và Honda mà các hãng xe khác như Ford, Mitsubishi hay Suzuki cũng âm thầm tạm dừng xuất khẩu các lô hàng sang Việt Nam từ cuối năm 2017 đến nay để chờ các hướng dẫn cụ thể với Nghị định 116. Điều này khiến các dòng ô tô nhập khẩu trở nên khan hiếm, giá bán xe không giảm như kỳ vọng của nhiều người, thậm chí còn tăng giá ở các dòng xe bán chạy.

Khan hàng, tăng giá

Khảo sát nhiều đại lý kinh doanh xe nhập khẩu tại TP HCM cho thấy nguồn xe nhập đang rất ít hàng để bán. Chẳng hạn, tại đại lý Toyota trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, chỉ còn trưng bày hai chiếc Lexus dòng ES250. Nhân viên ở đây cho biết giá xe vẫn không thay đổi là 2,280 tỉ đồng/xe nếu bao ra bảng số khoảng 2,5 tỉ đồng nhưng hai chiếc này đã có người mua và đang chờ làm thủ tục nhận xe. Nếu khách muốn mua xe phải đặt tiền cọc 5% giá trị xe, tức khoảng 120 triệu đồng và đợi đến khoảng tháng 11 mới được nhận xe. Lúc này nếu có xe, giá cả lên xuống như thế nào sẽ tính tiếp.

Hay như dòng xe Toyota Fortuner 2017 nhập khẩu được người tiêu dùng rất ưa chuộng cũng đang trong tình trạng khan hiếm, giá bán bị đội lên khá cao so với đề xuất ban đầu của hãng. Thậm chí những xe cũ đã chạy được 6 tháng đến 1 năm, vẫn được rao bán tới 1,1 tỉ đồng trong khi giá bán ban đầu chỉ khoảng 981 triệu đồng.

Còn tại đại lý xe Honda trên đường 3/2 quận 11, nhân viên cho biết chỉ còn 2 chiếc xe CR-V phiên bản cao cấp và phiên bản thường, trong đó xe phiên bản cao cấp đã được bán cho khách, chỉ còn duy nhất xe phiên bản thường với giá như năm 2017 là 1,136 triệu đồng kèm gói phụ kiện 50 triệu đồng. Còn các dòng xe nhập khác như Honda Civic, Accord, Odyssey đã hết hàng từ giữa tháng 12-2017. Khách muốn mua xe cũng phải đặt tiền cọc trước 50 triệu đồng và được hẹn tháng 5 hoặc tháng 6 mới có hàng. Nhưng đây chỉ là dự kiến, còn thời gian cụ thể vẫn chưa xác định.

Giám đốc điều hành lĩnh vực bán hàng ô tô Honda Việt Nam, Takayuki Uotani cho biết dòng xe Honda CR-V đang được rất nhiều khách hàng trông đợi để mua trong dịp Tết nhưng chưa thể nhập về với mức thuế nhập khẩu 0%. Thay vào đó, Honda Việt Nam đã nhập với số lượng hạn chế 750 xe CR-V đời mới trước thời điểm 1-1-2018 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, giá bán có cao hơn đề xuất số xe này phải chịu mức thuế suất nhập khẩu dành cho xe nguyên chiếc là 30%. Các nhà phân phối sẽ chủ động liên hệ và ưu tiên giao xe cho các khách hàng đã đặt hàng trước.

Hiện các hãng xe Toyota, Honda, Ford đều cho biết họ vẫn "án binh bất động" chờ hướng dẫn nghị định 116 từ cơ quan quản lý. Đại diện Honda Việt Nam cho biết Honda cũng như nhiều hãng xe khác từ đầu năm đến nay cũng chưa nhập được lô xe nào, mọi thứ đều phải chờ thông tư hướng dẫn, lúc đó mới tính toán cũng như có kế hoạch nhập khẩu như thế nào. Còn hiện nay mọi thứ đều bị vướng.

Tuy nhiên, một người trong ngành cho biết ngay cả khi cơ quan chức năng có thông tư hướng dẫn thì các hãng cũng cần vài tháng chuẩn bị để có đủ các giấy tờ theo quy định, nên trước mắt và vài tháng tới thị trường sẽ không có, hoặc chỉ có rất ít các dòng xe nhập khẩu được người tiêu dùng ưa chuộng như: Toyota Fortuner, Toyota Camry, Corrolla Altis, Toyota Yaris, Honda CR-V, Honda City, Honda Civic, Ford Ranger, Ford Focus, Nissan Sunny, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, Mistubishi Pajero,...

Xe lắp ráp cũng thiếu hàng

Việc thiếu hụt xe nhập khẩu đang là lợi thế cho các dòng xe lắp ráp trong nước khi thị trường đang vào cao điểm mua sắm cuối năm âm lịch. Tuy nhiên, điều đáng nói nhiều dòng xe lắp ráp trong nước cũng đang thiếu hụt hàng để giao cho khách do nhu cầu mua sắm xe trước Tết tăng cao, các hãng xe sản xuất không đủ hàng để cung cấp cho các đại lý. Chẳng hạn, nhiều đại lý của Honda hiện nay cũng có xe City lắp ráp trong nước để bán cho khách, người mua xe phải đặt cọc trước 20 triệu đồng để giữ chỗ nhưng chưa biết khi nào mới nhận được xe.

Tương tự, nhiều đại lý của Ford cũng không còn xe Ecosport để bán. Hiện chỉ có những đại lý lớn mới còn một vài xe của dòng này để bán. Theo đại diện hãng Ford, sở dĩ dòng xe trên khan hiếm là do hãng có chủ trương giảm giá cả trăm triệu đồng xuống còn 550 triệu đồng/chiếc nên lượng người mua tăng lên đáng kể dẫn đến thiếu hàng. Tuy nhiên, đến tháng 2 tới dòng xe này tiếp tục cung cấp ra thị trường với giá tăng lên 630 triệu đồng/xe.

Một chuyên gia về ô tô biết các dòng xe lắp ráp trong nước vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, chủ yếu là xe có dung tích xi lanh dưới 1.5 nhờ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, còn các xe sang trên 2.0 bị đánh thuế cao khiến cho lượng nhập xe giảm.

Theo Nguyễn Hải - Sơn Nhung

Từ khóa:  ô tô , xe hơi
Cùng chuyên mục
XEM