Người làm bố mẹ giỏi sẽ biết cách làm sếp xuất sắc bởi hiểu được những điều sau

15/06/2019 15:30 PM | Kinh doanh

Nếu muốn con bạn học tập, trưởng thành và xác định được khả năng của mình, bạn cần phải đầu tư tiền bạc và thời gian, cùng với những rắc rối để dẫn dắt chúng. Tương tự như vậy đối với việc lãnh đạo các nhân viên.

Quy tắc thiết lập quan hệ

Mối quan hệ của bạn với nhân viên càng bền vững, thì sự liên kết mà bạn có được càng chặt chẽ và những nhân viên đó sẽ càng muốn hỗ trợ bạn nhiều hơn. Những hướng dẫn sau có thể áp dụng cả khi bạn đang phát biểu trước rất đông khán giả hay khi nói chuyện chỉ với một người.

1. Hãy liên kết với chính mình: Bạn phải biết mình là ai và hãy tự tin vào bản thân nếu muốn thiết lập quan hệ với người khác.

2. Hãy giao tiếp cởi mở và chân thành với mọi người: Huấn luyện viên huyền thoại giải bóng đá vô địch quốc gia, Bill Walsh, đã nói: “Không gì có hiệu quả hơn những lời khen chân thành và đúng đắn và không gì thiếu thỏa đáng hơn một lời khen sáo rỗng.”

3. Hãy tìm hiểu về khán giả của mình: Hãy tìm hiểu tên, lịch sử và mơ ước của mọi người. Hãy nói về những gì mà họ quan tâm.

4. Hãy thực hiện những thông điệp của mình: Hãy thực hiện những gì bạn nói. Niềm tin đến từ đó.

5. Hãy chủ động đến với mọi người: Tôi không thích có bất cứ rào cản nào khi nói chuyện. Tôi không mong người khác phải thích nghi với tôi mà bản thân tôi sẽ phải thích nghi với họ.

6. Hãy chú ý đến người khác: Vấn đề hàng đầu của những phát ngôn viên thiếu kinh nghiệm và những người lãnh đạo kém hiệu quả chính là họ luôn chú ý đến bản thân mình.

7. Hãy tin tưởng vào người khác: Thứ nhất, bạn giao tiếp vì bạn tin rằng mình có điều đáng để nói. Thứ hai, bạn giao tiếp với người khác vì bạn tin rằng họ có một giá trị nào đó.

8. Hãy đưa ra phương hướng và hy vọng: Napoleon Bonaparte đã nói: “Người lãnh đạo là những người biết cho đi những hy vọng.”

Đừng bỏ lỡ

Người ta thường hay bỏ lỡ nhiều cơ hội thiết lập và xây dựng những quan hệ sâu sắc hơn vì họ không tự làm cho bản thân trở nên gần gũi hơn. Sự cởi mở không liên quan đến sự bạo dạn hay rụt rè của người khác, mà nó liên quan tới việc bạn kiểm soát bản thân như thế nào cũng như việc bạn gửi đến cho người khác những thông điệp gì.

Một người thông minh thì sớm hay muộn anh ta cũng sẽ nhận ra rằng cuộc sống là sự kết hợp của những ngày đẹp và ngày xấu, chiến thắng và thất bại, cho và nhận. Anh ta sẽ hiểu được rằng, không cần thiết phải có một tâm hồn quá nhạy cảm, nên bỏ qua một số việc. Anh ta sẽ học được rằng kẻ mất bình tĩnh thường là kẻ thua cuộc, và không nên trầm trọng hóa khi người khác không giữ được bình tĩnh… 

Tóm lại, anh ta đã nhận ra ”nghệ thuật sống” có tới 98% phụ thuộc vào cách cư xử đối với người khác. Nếu muốn trở thành một người biết chấp thuận và dễ gần, thì bạn cần phải thoáng hơn với mọi người.

Người làm bố mẹ giỏi sẽ biết cách làm sếp xuất sắc bởi hiểu được những điều sau - Ảnh 1.

Hãy đi chậm rãi qua sảnh

Một trong những lỗi lầm mà người lãnh đạo hay mắc phải đó là dành quá nhiều thời gian ngồi trong phòng. Các nhà lãnh đạo thường bị chi phối bởi lịch làm việc bởi họ thích mọi thứ đều phải được hoàn tất. Họ ở trong phòng, vội vàng đến các cuộc họp và không chú ý tới bất cứ ai. Đó thật sự là sai lầm! 

Trước tiên, lãnh đạo là một công việc về con người. Nếu quên đi yếu tố con người, tức là bạn đang hủy hoại sự lãnh đạo của mình, và đang đứng trước nguy cơ mất khả năng lãnh đạo. Đến khi quay lại, bạn sẽ chợt nhận ra rằng không có ai đi theo mình và bạn đang đi một mình.

Xây dựng quan hệ luôn là nền tảng của việc lãnh đạo có hiệu quả. Những người lãnh đạo không chú ý đến khía cạnh này thường trông cậy vào vị thế của mình. Họ hy vọng năng lực của mình sẽ giúp họ “nói chuyện”. Những nhà lãnh đạo giỏi là những người có năng lực, quan tâm chú ý tới quan hệ với nhân viên mà họ lãnh đạo.

Một trong những cách tốt nhất để giữ quan hệ với nhân viên và nắm bắt được xem họ làm việc thế nào là tiếp cận với công việc của họ một cách thân thiện. Hãy trò chuyện với họ khi gặp ở bãi đỗ xe. Hãy đến họp sớm vài phút để gặp gỡ mọi người. Hãy dành thời gian để đi chậm rãi trên sảnh. Hãy liên kết với nhân viên và cho họ cơ hội tiếp xúc với bạn.

Xây dựng lòng tin

Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng những mối quan hệ cá nhân và quan hệ công việc, đó là “chất keo gắn kết nhân viên với những nhà lãnh đạo”. Niềm tin có nghĩa là trách nhiệm giải trình, khả năng dự đoán trước và độ tin cậy của bạn. Nhân viên luôn muốn tin vào nhà lãnh đạo của họ. Họ muốn có thể nói: “Một ngày nào đó tôi cũng muốn giống như ông ấy hay bà ấy.” Mọi người trước tiên phải tin tưởng ở bạn rồi mới đi theo sự lãnh đạo của bạn.

Niềm tin phải được xây dựng từng ngày. Điều đó đòi hỏi bạn phải kiên định. Nhà lãnh đạo có thể phá vỡ lòng tin qua một vài hành động như: không giữ lời hứa, buôn chuyện, giấu diếm thông tin và sống hai mặt. Những hành động này sẽ phá hủy sự tin tưởng, thứ rất cần thiết để nhà lãnh đạo tiềm năng đi lên. Khi nhà lãnh đạo đánh mất lòng tin, anh ta sẽ phải làm gấp đôi để xây dựng lại chúng.

Người làm bố mẹ giỏi sẽ biết cách làm sếp xuất sắc bởi hiểu được những điều sau - Ảnh 2.

Giảm tốc độ

Hầu hết những người muốn làm lãnh đạo đều vội vàng. Nhưng nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi hơn, bạn cần phải giảm tốc độ. Bạn có thể hành động một mình hay tự xây dựng danh tiếng của mình nhanh hơn. Nhưng để lãnh đạo người khác, bạn cần phải giảm tốc độ đủ để liên kết với họ, thu hút sự chú ý và để họ đồng hành cùng bạn.

Nếu đã có con, bạn sẽ dễ dàng hiểu điều này. Nếu cần dọn dẹp nhà cửa, hãy thử làm theo hai cách. Đầu tiên, hãy nhờ bọn trẻ giúp. Bạn cần phải hướng dẫn bọn trẻ, giám sát chúng. Bạn cần phải khiến chúng tập trung trở lại vào công việc khi chúng lơ đễnh. Làm theo cách này có thể sẽ rất mệt, thậm chí kết quả công việc không được như bạn mong đợi.

Sau đó, hãy thử làm công việc đó một mình. Bạn có thể làm nhanh hơn được bao nhiêu? Chất lượng công việc có tốt hơn nhiều không? Bạn có đỡ bực mình hơn không?

Làm việc một mình sẽ nhanh hơn (ít nhất là ở giai đoạn bắt đầu), nhưng sẽ không đem lại kết quả như trên. Nếu muốn con bạn học tập, trưởng thành và xác định được khả năng của mình, bạn cần phải đầu tư tiền bạc và thời gian, cùng với những rắc rối để dẫn dắt chúng. Tương tự như vậy đối với việc lãnh đạo các nhân viên. Nhà lãnh đạo không nhất thiết phải là người đầu tiên hoàn thành công việc - người luôn làm việc một mình và là người nhanh nhất, mà đó phải là người đầu tiên giúp tất cả nhân viên cùng về đích.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM