Người hướng nội thường nhút nhát nhưng giỏi lắng nghe, quản lý, làm việc độc lập: Tuyệt đối không cần mất thời gian chứng minh, phấn đấu để trở thành người hướng ngoại làm gì cả!

30/05/2019 15:15 PM | Sống

Là người hướng nội, tôi học được cách ngừng so sánh bản thân với người khác, mà so sánh bản thân với chính bản thân mình. Xem mỗi ngày mình học thêm được cái gì, tiến bộ được gì rồi, có gì mới không?


Nhiều bạn thấy tôi "chém gió" tưng bừng trên Facebook, rồi thì đứng lớp giảng dạy, tham gia event các kiểu, nên cứ nghĩ rằng tôi phải là một thanh niên rất hướng ngoại, không gặp người là không chịu được. Nhưng sự thật không phải như thế tí nào đâu. Tôi là một người hướng nội thực thụ, một introvert đúng nghĩa. 

Cách đây một thời gian đã từng có lúc mình rất kém tự tin – đặc điểm chung của đa phần các bạn hướng nội. Người hướng nội sẽ kiểu như thế này:

- Trò chuyện với bạn bè thân thiết thì rất nhiệt tình, nhưng khi trình bày ý tưởng với một người hoặc một nhóm người lạ, phải thuyết trình một cái gì đấy thì lại run như gặp cọp, mặt đỏ bừng, toàn thân lẩy bẩy, nói không ra hơi, quên hết những gì cần nói. Chán chưa! 

- Rất sợ người khác nghĩ gì về mình. Ví dụ như vào cửa hàng mua quần áo thì ngại vì sợ các bạn nhân viên đánh giá mình cùi bắp không biết gì về quần áo; vào phòng tập gym thì ngại vì sợ các anh 6 múi cười vào mặt... Nói chung là gặp ai lạ cũng ngại, cứ lo không biết nghĩ gì về mình, người ta đánh giá như thế nào về mình. 

Thế nên tôi rất mất tự tin.

Tôi bắt đầu có chút tự tin hơn từ lúc bắt đầu vào học đại học. Do tính chất của công việc học đòi hỏi tôi phải đứng trước lớp thuyết trình và phát biểu nhiều, ngày nào cũng như thế nên dần dần mình cũng dạn dĩ hơn. Và để giải quyết dứt điểm cái tính hay ngại của bản thân, sau khi học xong khóa tiếng Anh dự bị, tôi quyết định đăng ký học ngành Truyền thông Chuyên nghiệp, một ngành đòi hỏi phải nói, phải giao tiếp rất nhiều. Tôi hi vọng lấy độc trị được độc. Và đúng như thế thật.

Bài viết này tôi chia sẻ lại 2 tips mình vẫn đang áp dụng mỗi ngày để khiến bản thân tự tin hơn hay nói cách khác, để người khác thấy tôi đang rất tự tin (khi thể hiện ra ngoài).

Người hướng nội thường nhút nhát nhưng giỏi lắng nghe, quản lý, làm việc độc lập: Tuyệt đối không cần mất thời gian chứng minh, phấn đấu để trở thành người hướng ngoại làm gì cả! - Ảnh 1.

Body language rất quan trọng

Nếu bạn nào tìm hiểu sâu chắc sẽ biết, body-language hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng trong việc giao tiếp, cũng như là một công cụ rất hữu hiệu để thể hiện sự tự tin của mỗi người. Việc giao tiếp không chỉ đơn thuần là nói cái gì ra, mà nó thể hiện ở cả điệu bộ khuôn mặt, tác phong đi đứng.... Bạn cứ thử tưởng tượng bạn bắt đầu blind-date với một anh chàng hay cô nàng nào đó, khi cô ta hoặc anh ta bước vào gặp bạn, khi hai người chưa nói câu gì thì bạn sẽ nhìn vào đâu dể đánh giá? Bên cạnh việc đầu tóc quần áo, đương nhiên bạn sẽ đánh giá đến cách đi đứng, cách thể hiện ngôn ngữ cơ thể đúng không nào.

Để làm chủ được ngôn ngữ cơ thể là cả một nghệ thuật, không thể nào nói một sớm một chiều muốn học là học được. Vậy nên tôi chỉ chia sẻ ở đây một số tips mà các bạn có thể thực hiện được ngay ở lần giao tiếp tiếp theo, chắc chắn sẽ thấy hiệu quả:

* Cười khi gặp người khác

Các cụ đã có câu, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Chẳng có ai ấn tượng khi gặp một người lạ với khuôn mặt đằng đằng sát khí cả. Vậy nên tip đầu tiên mình hay áp dụng khi gặp một người mới quen là cười một cái thật tươi. Phản xạ của người khác khi nhìn thấy bạn cười là sẽ cười lại, và khi bạn thấy một người cười với bạn, chắc chắn bạn cũng dễ dàng và thoải mái hơn để bắt đầu một cuộc trò chuyện rồi. 

* Ánh mắt khi nói chuyện

Cái này cũng rất quan trọng, nó thể hiện rằng mình đang tập trung vào cuộc trò chuyện và mình thực sự lắng nghe người khác nói. Đương nhiên không phải lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào mắt người ta, nhưng tôi ghét nhất ai đó ngồi nói chuyện với mình mà bấm bấm điện thoại đó. Thà gặp nhau 30 phút nói chuyện tập trung còn hơn gặp nhau 3 tiếng mà mỗi người ôm một cái điện thoại hết lướt Instagram rồi lại đến Facebook. 

Người hướng nội thường nhút nhát nhưng giỏi lắng nghe, quản lý, làm việc độc lập: Tuyệt đối không cần mất thời gian chứng minh, phấn đấu để trở thành người hướng ngoại làm gì cả! - Ảnh 2.

Cái bắt tay

Cái này mình dành riêng cho việc xây dựng các mối quan hệ làm ăn và khi đi phỏng vấn. Tôi thấy cái này nhiều bạn sinh viên còn rất thiếu. Thực chất không cần phải tập một cái bắt tay xịn rồi đỡ tay như thế nào, đặt tay ở đâu làm cái gì. Chúng ta chỉ cần tập một cái bắt tay cơ bản là được. Một cái bắt tay cơ bản là đừng lỏng lẻo quá, đừng bóp tay người ta chặt quá, đừng bắt tay khi tay đầy mồ hôi, như thế là đủ rồi. 

Khi  nghĩ về việc bắt tay như một cử chỉ thông thường thì chúng ta sẽ bắt tay rất tự nhiên, giống như việc lái xe máy khi không nghĩ đến việc phải đạp phanh như nào, ấn còi ra sao thì chúng ta vẫn cứ lái vi vu đó thôi. 

Để lộ lòng bàn tay

Đây là một thủ thuật về tâm lý đã được nghiên cứu trong cuốn Ngôn ngữ cơ thể – Body Language của tác giả Allan & Barbara Pease. Việc để lộ lòng bàn tay khi nói chuyện sẽ giúp cho người đối diện tin tưởng mình hơn, thấy mình tự tin hơn. 

Cái này phải tập, trước khi tập để lộ lòng bàn tay như thế nào, chúng ta hãy tập trước các động tác xấu mà chúng ta hay làm khi lo lắng đã, đấy là KHOANH TAY trước ngực, GIẤU TAY dưới gầm bàn khi phỏng vấn, ĐÚT TAY túi quần hoặc GIẤU TAY ra sau mông khi nói chuyện với người khác... Lập tức hãy bỏ ngay đi, nếu bạn có những thói quen xấu này.

Đứng thẳng

Cuối cùng là tư thế, cái này mình cũng đang tập dần dần. Khi mình đứng thẳng, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn ra phía trước thì tự nhiên mình thấy bản thân to lớn hơn, tự tin hơn. Trước đây dáng mình đi cứ bị chê là gù gù, cổ cứ rụt rụt như kiểu sợ sệt gì đấy. Cái này cũng phải tập đấy, tập ngồi thẳng lưng khi làm việc, tập đến phòng gym để tư thế chuẩn hơn.

Nói chung là Body-language quan trọng lắm, các bạn hãy học cách làm chủ cơ thể và cảm xúc của chính mình. 

Người hướng nội thường nhút nhát nhưng giỏi lắng nghe, quản lý, làm việc độc lập: Tuyệt đối không cần mất thời gian chứng minh, phấn đấu để trở thành người hướng ngoại làm gì cả! - Ảnh 3.

Chế ngự nỗi lo lắng tinh thần

Ở đoạn trên tôi đã nói về việc thay đổi tư thế như thế nào để tự tin hơn. Phần này tôi sẽ chia sẻ một xíu về việc thay đổi tinh thần, suy nghĩ bên trong như thế nào để tự tin hơn.

Như tôi đã nói ở trên, hồi xưa tôi rất sợ nói trước đám đông, sợ gặp người lạ vì không biết người ta sẽ nghĩ gì, người ta sẽ đánh giá gì về mình, lỡ mình nói cái gì sai thì người ta cười mình thì sao. Sau này được làm tư tưởng rồi thì mình cũng bớt sợ hơn. Mình hay làm tư tưởng như thế này:

Luôn tâm niệm trong đầu mỗi khi gặp người là là "Không sợ ai hết". Dù gì thì thế giới có những 7 tỉ người (hình như bây giờ hơn rồi), lỡ mình có nói gì đấy fail fail thì thôi, kiếm người khác nói chuyện. Người ta không hợp tác, làm việc với mình thì có người khác, thiếu gì. Người ta không mua hàng của mình thì có người khác, sợ gì. Mình tiếp cận với tư tưởng như vậy đấy. 

Ai cũng có gì đấy khiến họ không tự tin. Dần dần mình thấy là ai cũng có gì đó khiến họ không tự tin cả. Các em hot girl thì có thể xinh xắn hơn nhưng chắc gì đã thông minh, làm việc tốt như mình. Tương tự các anh hot boy phòng gym 6 múi thế thôi nhưng chắc gì họ đã có công việc tốt như chúng ta. Vậy nên mình ngừng việc so sánh bản thân với người khác, mà so sánh bản thân với chính bản thân mình. Xem mỗi ngày mình học thêm được cái gì, tiến bộ được gì rồi, có gì mới không?

Nói chung nếu là một Introvert, chúng ta cần biết phát huy những điểm mạnh về việc lắng nghe, viết lách, làm việc độc lập của bản thân, chứ không cần phải cố gắng chứng minh, phấn đấu để trở thành Extrovert làm gì cả. Bằng các tips ở trên, tôi hi vọng các bạn sẽ tự tin hơn, từ đấy giúp ích nhiều hơn cho việc mở rộng network và đi tìm việc cho các bạn.

Lê Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
XEM