Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt: "Chơi golf cũng như làm kinh doanh, không thể bê nguyên kinh nghiệm từ lượt chơi này cho lượt chơi khác, phải tập trung và thích ứng với mỗi vòng"

01/01/2017 09:32 AM | Kinh doanh

​Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, là một trong những “ông trùm” phát triển bất động sản nghỉ dưỡng gắn với sân golf. Tỷ phú đô la cho biết, niềm đam mê cháy bỏng với golf là một trong những lý do khiến ông theo đuổi chiến lược kinh doanh này.

- Ông bắt đầu chơi golf từ khi nào?

- Tôi đến với golf từ năm 2009. Trước đó nhiều năm, tôi từng quan tâm đến bộ môn này nhưng phải tới thời điểm cả bản thân và những người bạn sắp xếp được thời gian, tôi mới quyết định chơi golf. Bạn chắc cũng biết, khi bắt đầu chơi một môn thể thao nào đó, ta phải có một nhóm nhất định cùng sở thích và cùng mới bắt đầu chơi.

- Khi chưa chơi môn thể thao này, điều gì khiến ông quan tâm đến golf?​

- Đầu tiên là cảnh quan của các sân golf. Tôi là người mê cảnh đẹp từ nhỏ, mà bạn biết rồi đấy, sân golf nào cũng có một cảnh quan rất đẹp và không sân nào giống sân nào. Điều nữa là golf không đơn thuần chỉ là một môn thể thao, đó còn là môi trường tốt để giao lưu, mở rộng quan hệ và tìm kiếm các cơ hội hợp tác.

- Nhiều người cho rằng, chơi golf là để thể hiện đẳng cấp. Ông nghĩ sao về điều này?

- Ở Việt Nam, đến thời điểm này, những người chơi golf nghiệp dư thường phải có điều kiện nhất định như thu nhập đủ cao và làm chủ được thời gian. Vì golf du nhập vào chưa lâu, lượng sân còn ít, dẫn đến chi phí chơi còn cao. Bởi vậy, golf thường được gán cho cái mác là môn thể thao quý tộc. Có thể có một số người chơi golf vì cái mác đó, nhưng tôi tin chỉ là số ít và tôi không nằm trong số này.

Với các nước có ngành golf phát triển và lâu đời, đây là một môn thể thao mà người bình dân cũng có thể tham gia. Ở họ, golf thậm chí được phổ cập đến cả các trường phổ thông.

Môn golf tự nó đặc biệt hấp dẫn và tôi nghĩ đó là lý do chính cuốn hút mọi người.

- Cụ thể, golf hấp dẫn ông ở điều gì?

- Có những điều đặc biệt hấp dẫn mà phải chơi rồi mới cảm nhận hết được. Chẳng hạn khi chơi golf, đối thủ thực ra là chính mình. Bạn phải thực sự tập trung và thích nghi. Không có hố golf nào giống hố golf nào, sân golf nào giống sân golf nào. Bạn không thể bê nguyên kinh nghiệm từ hố golf, lượt chơi này áp dụng cho hố khác, lượt chơi khác.

Sự tập trung cần phải được duy trì trong suốt mỗi vòng chơi hay một cuộc chơi. Chỉ cần mất tập trung ở hố cuối, bạn cũng có thể đánh mất chiến thắng dù có áp đảo ở tất cả các hố hay vòng chơi trước đó.

Chưa kể, chơi golf rất có lợi cho sức khỏe, cả về thể chất, trí lực và tinh thần. Cảnh đẹp, không khí trong lành, tách biệt giúp thư giãn; sự tập trung giúp rèn luyện trí lực; và đi bộ nhiều giúp tăng cường thể lực. Để chơi một vòng 18 hố, bạn phải đi bộ bình quân khoảng 6,5 km.

"Khi chơi golf, đối thủ thực ra là chính mình".

- Giữa chơi golf và quản trị doanh nghiệp có điểm nào chung không, thưa ông?

- Có chứ. Như tôi vừa nói, để đạt kết quả tốt, người chơi golf cần duy trì sự tập trung và thích ứng trong suốt mỗi vòng hay mỗi cuộc chơi.

Trong quản trị doanh nghiêp cũng vậy, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp luôn luôn thay đổi. Ngày hôm nay khác với ngày hôm qua, lĩnh vực này khác với lĩnh vực khác, khách hàng, thị trường cũng biến thiên tương tự. Bạn phải luôn thích ứng và tập trung để không bỏ lỡ cơ hội cũng như không tái diễn sai lầm.

Muốn duy trì sự tập trung, bạn phải có chiến lược rõ ràng và kiên trì với chiến lược đó. Điều này giúp bạn tự tin khi nhập cuộc cũng như vững vàng khi đối diện thách thức hay vượt qua sai lầm.

Ngoài ra, tính cách cần có để chơi golf thành công cũng giống như tích cách của một lãnh đạo doanh nghiệp thành công, đó là quyết đoán nhưng không nóng vội.

Trong bất kỳ tình huống nào, một golfer hay một lãnh đạo doanh nghiệp đều cần bình tĩnh suy xét để có thể tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp tối ưu.

- Cũng vì đam mê golf mà ông trở thành một nhà đầu tư sân golf?

- Tôi đam mê golf ngay khi làm quen với môn thể thao này. Thách thức làm chủ cây gậy, kiểm soát trái bóng khiến tôi rất háo hức mỗi lần ra sân tập. Và đến khi trải nghiệm sân thật, tôi thực sự bị golf chinh phục.

Sau khi chơi được 4 năm, tôi bắt đầu đứng ra tổ chức giải golf với mục đích tri ân và tạo sân chơi, giao lưu cho bạn bè, khách hàng, đối tác và nhà đầu tư. Giải từ đó được tổ chức thường niên với quy mô ngày càng lớn.

Cùng với việc tổ chức giải đấu, tôi cũng tìm hiểu sâu hơn về golf dưới góc độ một ngành dịch vụ và dần hình thành ý định đầu tư sân golf.

Khi tập đoàn xây dựng chiến lược đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, tôi nhận thấy nếu tích hợp hạng mục sân golf sẽ giúp tạo nên hiệu ứng cộng hưởng giá trị rất tốt, bởi bất động sản nghỉ dưỡng và golf có chung đặc thù về đối tượng khách hàng, địa điểm đầu tư…

Ngoài ra, việc gắn sân golf vào các dự án nghỉ dưỡng giúp tạo sự khác biệt và thương hiệu cho tập đoàn. Và sân golf đã xuất hiện tại dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn đầu tiên của chúng tôi, FLC Sầm Sơn.

Sau khi chơi được 4 năm, tôi bắt đầu đứng ra tổ chức giải golf với mục đích tri ân và tạo sân chơi, giao lưu cho bạn bè, khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.

- Cảm giác của một người đam mê golf xây dựng được sân golf thế nào, thưa ông?

- Xây dựng sân golf mang lại một cảm xúc rất khác. Nếu như chơi golf có thể nhận được những cảm hứng và lợi ích từ môn thể thao này, thì cảm xúc khi xây dựng sân golf là niềm hạnh phúc khi mình mang được những giá trị đó đến cho mọi người và hơn thế nữa là góp phần mang lại diện mạo mới cùng giá trị kinh tế cho những miền đất mà chúng tôi đầu tư.

Thật khó tả lại cảm xúc của tôi khi chứng kiến sân golf được khánh thành mà trước đó địa hình ở vị trí của sân là một vùng đầm lầy. Cảm giác như mình đã làm được một điều kỳ diệu, tựa như biến bùn đen thành vàng vậy.

- Vốn đầu tư sân golf không hề nhỏ và thường có thời gian thu hồi chậm. Liệu niềm đam mê xây dựng sân golf của ông có là một sự xa xỉ với cổ đông?

- Không có chuyện chúng tôi đầu tư sân golf với bất kỳ giá nào. Tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng vì lợi ích của cổ đông. Tôi nhấn mạnh là tập đoàn xây dựng sân golf gắn với các quần thể du lịch nghỉ dưỡng chứ không làm biệt lập.

Như tôi đã nói, các sân golf giúp mang lại giá trị cộng hưởng cho cả tổ hợp. Đúng là golf không trực tiếp mang lại nhiều nguồn thu ngay, cần 2-3 năm để hoàn vốn, nhưng gián tiếp làm tăng giá trị của các hạng mục khác, bao gồm dịch vụ khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng.

- Trong những năm tiếp theo, ông dự định đầu tư thế nào cho các sân golf?

- Ngay tháng 1/2017, chúng tôi ra mắt Học viện golf tại FLC Quy Nhơn cùng với 18 hố golf mới do Schmidt-Curley thiết kế. Khoảng quý 2/2017, chúng tôi sẽ khánh thành sân golf cùng quần thể du lịch tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dự kiến khởi công quần thể resort – sân golf tại Đồ Sơn, Hải Phòng và triển khai dự án học viện golf cùng quần thể tại Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tìm hiểu các địa điểm đầu tư mới, tiếp tục khẳng định là nhà phát triển sân golf gắn với du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam và khu vực.

- Xin hỏi ông thêm một câu ngoài lề. Ông vừa kết thúc năm 2016 với vị trí là tỷ phú USD số 1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cảm xúc của ông lúc này thế nào?

- Tôi không quan tâm nhiều lắm. Hiện tôi suy nghĩ nhiều hơn đến việc củng cố nền móng vững chắc cho FLC và FLC Faros, trên con đường trở thành nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam, phù hợp với xu thế ưu tiên phát triển ngành công nghiệp du lịch của đất nước những năm tới.

Cảm ơn ông và chúc ông tiếp tục thành công với niềm đam mê của mình.

Theo Tiểu Uyên

Cùng chuyên mục
XEM