"Người giàu cũng khóc" phiên bản Apple: nỗi khổ của kẻ lắm tiền với 250 tỷ USD trong két mà không biết tiêu gì cho hết

06/05/2017 08:44 AM | Kinh doanh

Với nhiều công ty, thiếu tiền trở thành vấn đề muôn thủa nhưng với Apple thì ngược lại, lượng tiền quá khủng cũng khiến giới lãnh đạo Táo khuyết đau đầu.

Theo tờ Wall Street Journal, Apple đã đưa ra báo cáo tài chính hôm thứ Ba thông báo công ty hiện sở hữu 250 tỷ USD tiền mặt, khoản tiền khổng lồ biến Táo khuyết thành công ty giàu có bậc nhất nước Mỹ.

Chẳng cần nói nhiều ai cũng hiểu, núi tiền này đến từ “gà son” iPhone, mẫu điện thoại thông minh hot nhất trong thập kỷ qua. Thế nhưng, lâm vào cảnh có quá nhiều tiền như Apple mới hiểu nỗi khổ của gã nhà giàu xứ Cupertino.

Apple đang "ngập" trong lượng tiền mặt khổng lồ

Ôm lượng tiền khủng, Táo khuyết đau đầu không biết phải làm gì để đầu tư hiệu quả. Nếu dàn đều cho các dự án, chắc Apple cần nghĩ ra hàng trăm startup quy mô nghiên cứu cỡ iPhone cùng một lúc. Đó là bài toán cho bất kỳ công ty nào, và hơn hết, cơ cấu doanh nghiệp khác lạ của hãng lại càng khiến công cuộc “giải ngân” trở nên khó khăn hơn.

Không phải là kẻ keo kiệt, thực tế nhà Táo đã đầu tư rất nhiều nhưng chắc phải “vung tiền” hơn nữa mới hết 250 tỷ USD. Công ty đã chi trên 10 tỷ cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2016 (R&D), số tiền thuộc hàng khủng với bất kỳ tên tuổi nào, nhưng với Apple thì chỉ như cái móng tay.

Nên nhớ, ngoài 250 tỷ tiền mặt, Tim Cook còn thấy tài khoản tập đoàn đều đặn thu về 4 tỷ USD lợi nhuận mỗi tháng.

Tim Cook trở thành kiến trúc sư cho những thành công về mặt tài chính của Táo khuyết

Nguồn tin nội bộ Táo khuyết tiết lộ cho tác giả Fred Vogelstein rằng, Apple đã chi 150 triệu USD trong nhiều năm để phát triển nguyên mẫu iPhone đầu tiên. Lúc này, đó là khoản đầu tư lớn so với tiềm lực công ty.

Nhưng giờ đây, Apple bung ra khoảng 25 dự án cỡ như iPhone mỗi tháng chỉ để cố kìm hãm đà tăng của lượng tiền mặt trong két. Điều được đánh giá là ngược đời giữa thời buổi kinh tế khó khăn đối với các thương hiệu công nghệ.

Hãy so sánh một chút, Alphabet trong nhiều năm được đánh giá là rất tích cực đầu tư cho các dự án mới như xe tự lái, công nghệ chống lão hóa, tham vọng phủ Internet toàn cầu hay dự án drone. Nhưng tất thảy chỉ dừng ở mức 3,6 tỷ USD trong năm 2016, khoản đầu tư khiêm tốn so với lợi nhuận 19,5 tỷ USD của công ty mẹ Google.

Apple chắc hẳn đang đau đầu để tìm cách tiêu khoản tiền 250 tỷ USD

Apple thậm chí còn giỏi kiếm tiền giỏi hơn đối thủ khi thu về 45,7 tỷ USD trong năm tài khóa 2016. Nếu phải “tống khứ” bớt tiền cho nhẹ gánh, Táo khuyết phải đầu tư gấp 10 lần số dự án “tương lai” như Alphabet.

Nhưng thật khó để một công ty quản lý hàng trăm dự án giá trị hành trăm triệu đô như vậy. Alphabet có thể là minh chứng rõ nét khi nhiều ý tưởng không thể vượt qua vòng thử nghiệm nguyên mẫu để cất cánh thành một “thực thể” riêng biệt.

Khác với gã khổng lồ tìm kiếm, Apple có cấu trúc khác thường khiến quá trình mở rộng startup trở nên khó khăn hơn. Hầu hết các công ty được tổ chức tập trung xung quanh các bộ phận, mỗi bộ phận như vậy chịu trách nhiệm cho một dòng sản phẩm cụ thể. Táo khuyết thì ngược lại, họ không có phó chủ tịch riêng cho Mac, iPhone hay iPad mà là phó chủ tịch về công nghệ phần mềm, công nghệ phần cứng và nhiều mảng chuyên biệt khác.

Apple có bộ máy tổ chức khác lạ tập trung vào iPhone và iPad

Vì thế, hoạt động của Apple tỏ ra thiếu linh động nếu tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ. Công ty đã dồn mọi nguồn lực vào iPhone và iPad nên cách tổ chức cũng hướng tới việc tối ưu cho hai thiết bị này. Bởi thế mà dòng Mac, đặc biệt là Mac Pro cao cấp đã bị bỏ quên.

Đó là lý do vì sao Táo khuyết sở hữu hệ sinh thái hẹp hơn nhiều so với nhiều cái tên khác. Chẳng thế mà bài toán tiêu tiền lại khiến giới lãnh đạo Apple đau đầu đến vậy. Muốn sử dụng 250 tỷ USD hiệu quả, hãng buộc phải tái cấu trúc bộ máy tổ chức.

Thế nhưng, mô hình hiện tại lại đóng vai trò quan trọng cho thành công của iPhone và các sản phẩm khác vì cho phép công ty tập trung những kỹ sư tốt tất của mình vào từng dự án. Về dài hạn, Apple phải nghĩ tới chiến lược tạo ra “cỗ máy sinh lời” khác ngoài iPhone và hơn hết vẫn phải đau đầu vì có quá nhiều tiền mặt. Nỗi khổ của gã nhà giàu chẳng mấy ai hiểu thấu.

Theo Le Min Kop

Cùng chuyên mục
XEM