Người già Hàn Quốc tỏa sáng trền sàn diễn thời trang, YouTube

29/06/2019 20:28 PM | Xã hội

Tự hào với bộ râu dài và mái tóc xám gợn sóng, Kim Chil-doo, 65 tuổi, nhìn thẳng vào tường, đĩnh đạc và tự tin, khi ông tập đi trên sàn diễn giữa những người mẫu trẻ, gầy gò tại một học viện ở Seoul hồi đầu tháng 6.

Kim Chil-doo đã trở thành người mẫu thời trang lớn tuổi đầu tiên của Hàn Quốc vào năm ngoái, hiện thực hóa giấc mơ cả đời của ông với màn ra mắt lôi cuốn tại Tuần lễ thời trang Seoul.

“Đây là những gì tôi muốn làm khi còn trẻ, nhưng phải từ bỏ để kiếm tiền, và tôi nghĩ đây là điều rất đáng thử ngay cả bây giờ”, Kim nói. “Tôi vui mừng vì đã làm điều đó - trở thành một người mẫu thực sự rất thú vị. Lớn tuổi? Đó chỉ là một cách gọi”.

Ở một đất nước có dân số già nhanh nhất thế giới, nhiều người lớn tuổi tại Hàn Quốc như Kim đang thử sức với những cơ hội nghề nghiệp muộn khác thường.

Người cao tuổi đổ xô đến các trường người mẫu sau thành công của Kim. Những người khác trở thành ngôi sao YouTube hoặc đăng ký dạy tiếng Hàn cho người hâm mộ Kpop ở nước ngoài.

Xu hướng này đã mang đến những hy vọng mới cho người già, phần lớn làm những công việc tay chân với mức lương thấp để nuôi sống bản thân sau khi nghỉ hưu. Gần một nửa số người Hàn Quốc được sinh ra trong những năm 1946 – 1964 đang sống trong nghèo đói - cao nhất trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Vào một buổi chiều gần đây, khoảng hai chục người, đa số tuổi từ cuối 50 đến 60, đã tập trung tại một trung tâm phúc lợi ở Songpa ở phía đông nam Seoul cho buổi đào tạo catwalk hàng tuần, với hy vọng được như Kim, giờ là ngôi sao mới nổi trong các quảng cáo và tạp chí thời trang.

Với You Sung-lae, 59 tuổi, giấc mơ trở thành một nữ diễn viên thuở nhỏ và hứng thú với thời trang đã đưa bà đến với khóa học.

“Học người mẫu cho tôi cảm giác được sống lại tuổi trẻ mà tôi không thể tận hưởng, vì tôi đã kết hôn và sinh con khi còn rất trẻ”, You nói, mặc một chiếc áo khoác màu xanh coban, đeo giày cao gót màu cam và kính râm thiết kế.

Người già Hàn Quốc tỏa sáng trền sàn diễn thời trang, YouTube - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Thị trường người cao tuổi mở rộng

Lim Sung-min, người đại diện cho Kim và là một cựu người mẫu, cho biết công ty của ông đang tìm cách phát triển đội ngũ người mẫu lớn tuổi, nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp đang phát triển nhanh.

Trong khi nhiều người cao tuổi sống trong cô đơn và nghèo đói, những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ em lại có sức mua đáng kể do có quyền sở hữu nhà, tiền tiết kiệm và an sinh xã hội.

Thị trường người cao tuổi Hàn Quốc đã mở rộng gấp năm lần từ năm 2002 đến 2010, theo Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc, và tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Lotte, công ty vận hành chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất Hàn Quốc, cho biết doanh số của cửa hàng bách hóa dành cho khách hàng ở độ tuổi 60 tăng trung bình 12% trong giai đoạn 2013-2018 so với mức tăng của doanh thu chung là 2-5%.

“Khách hàng lớn tuổi đã trở thành nhân tố quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, vì họ chi tiêu nhiều tiền hơn cho bản thân sau khi dành nhiều thập kỷ cho gia đình”, người phát ngôn của Lotte cho biết.

Đến năm 2050, cứ 100 người ở độ tuổi 15-64 thì sẽ có 71 người từ 65 tuổi trở lên ở Hàn Quốc, tăng từ mức 17,3 % trong năm 2014, OECD dự báo. Điều này sẽ khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia có dân số già thứ ba trên thế giới trong số các nước giàu có, sau Nhật Bản và Tây Ban Nha.

'Quá tài năng để ở nhà'

Một số công ty và chính quyền địa phương đang tìm cách khai thác tiềm năng bị lãng quên của thế hệ cũ và giúp họ bắt đầu một chương mới của cuộc sống.

Cho Yong-min là một sinh viên chính sách công tại Đại học Princeton khi anh thực hiện một dự án trao đổi ngôn ngữ nhỏ giữa các chuyên gia Hàn Quốc đã nghỉ hưu và người nước ngoài vào năm 2014.

Anh bắt đầu tuyển dụng tình nguyện viên cao tuổi, liên kết họ với các sinh viên học về Hàn Quốc tại Princeton và Yale qua Skype.

“Họ rất tài năng, với nhiều kinh nghiệm xã hội và nghề nghiệp có thể chia sẻ”, Cho, 27 tuổi, vừa tốt nghiệp cho biết.

Người già Hàn Quốc tỏa sáng trền sàn diễn thời trang, YouTube - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters.

Thị trường tỏ ra hứa hẹn hơn nhiều so với dự kiến, thu hút sinh viên, người Mỹ gốc Hàn và lượng người hâm mộ toàn cầu của các ban nhạc và ca sĩ Kpop.

Năm 2017, Cho đã biến sáng kiến của mình thành dự án khởi nghiệp có tên SAY - hay Người cao tuổi và Thanh niên - hiện có hơn 50 giảng viên hoạt động và 500 sinh viên theo học.

Lee Kye-won, 69 tuổi, cựu nhân viên của một công ty giao dịch đã làm việc với Cho từ năm 2014 nói: “Tôi rất khó chịu khi hỏi bạn bè mình đã làm gì hôm nay và nhận được câu trả lời: ‘Tuổi này ngoài leo núi ra thì còn làm được gì chứ?’”.

“Giảng dạy là một công việc khó khăn vì nó đòi hỏi bạn phải có nguồn năng lượng vô tận, nhưng tôi rất vui vì được giúp đỡ một chút cho những người nước ngoài”.

Thời gian đẹp nhất

Gia nhập cộng đồng quốc tế cũng có vẻ hấp dẫn đối với những người lao động lớn tuổi truyền thống hơn.

Ở thị trấn nhỏ Yeongju, người thợ rèn Seok Noh-ki, 66 tuổi, đang dự tính từ bỏ công việc nặng nhọc cho đến khi homi, một lưỡi cày cầm tay truyền thống của Hàn Quốc, bắt đầu bán chạy như tôm tươi trên Amazon.com và eBay Inc vào cuối 2018, sau một chiến dịch quảng cáo trên YouTube.

Công cụ thủ công của ông hiện là một trong 10 thiết bị làm vườn hàng đầu thế giới trên Amazon, nhận được lời khen ngợi từ những người nông dân đang tìm kiếm các công cụ làm cỏ.

“Khi họ nói Amazon, tôi cứ nghĩ họ đang nói về rừng nhiệt đới và dòng sông mà tôi thấy trên TV”, Seok nói.

Doanh số bán dụng cụ của ông tăng gấp ba lần và xuất khẩu tăng vọt, khiến ông phải thuê nhiều công nhân hơn - một số người cao niên như ông, và một số thanh niên có thể một ngày nào đó sẽ tiếp quản công việc.

“Nghề rèn là tất cả những gì tôi biết từ khi 14 tuổi, nhưng hiện tại là quãng thời gian đẹp trong cuộc đời tôi”, Seok nói.

Người già Hàn Quốc tỏa sáng trền sàn diễn thời trang, YouTube - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters.

Các trường hợp như vậy rất đáng khích lệ, các chuyên gia nói, nhưng các biện pháp bảo vệ xã hội cũng cần được cải thiện để theo kịp tốc độ lão hóa, bao gồm các chính sách bền vững để đảm bảo mức thu nhập khá cho người cao niên.

“Đất nước đang già đi nhanh hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia OECD nào khác, và nếu chúng ta không tìm ra cách ứng phó, các thế hệ tương lai sẽ phải chịu hậu quả”, ông Lee Sam-sik, giáo sư khoa học chính sách tại Đại học Hanyang ở Seoul nói.

Ji Byung-soo, 77 tuổi, đã có một cuộc sống thanh đạm khi nhận các khoản trợ cấp của chính phủ vừa đủ để trả tiền thuê nhà và thuốc lá cho đến khi trở nên nổi tiếng nhờ hát lại một bài hát của các nữ ca sĩ Kpop hồi tháng 3.

Màn thể hiện bài hát “Crazy” của Son Dambi trong một cuộc thi hát trên truyền hình với những động tác vụng về nhưng lôi cuốn đã thu hút hơn 2,7 triệu lượt xem, mang lại cho ông nhiều hợp đồng thương mại và kênh YouTube riêng.

Ji cho biết ông tự hào khi có thể giúp đỡ những người cao tuổi cô đơn khác và quyên góp cho một cơ sở phúc lợi nơi ông đã làm tình nguyện trong nhiều năm.

Tại một lễ hội dành cho giới trẻ ở Seoul vào tháng trước, ông đã cười rạng rỡ mặc cái nóng như thiêu đốt và nhảy không ngừng khi các bạn trẻ hô vang biệt danh của ông, “Haldambi” – nghĩa là Cụ Dambi.

“Cuộc sống bắt đầu ở tuổi 70”, Ji nói, lau mồ hôi trên vầng trán nhăn nheo. “Hãy sống hạnh phúc và tận hưởng niềm vui”.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM