Người đi xe đạp có nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 600.000 đồng

17/10/2019 20:44 PM | Xã hội

Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Tại hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020) diễn ra vào ngày 16/10 tại Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết: Chế tài đối với vi phạm nồng độ cho tất cả các phương tiện đường bộ bao gồm cả xe đạp, xe thô sơ đã được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt đối với lái xe vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn và các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông.

Dự kiến, Nghị định sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020 cùng với thời điểm Luật phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực.

Theo ông Hùng, nếu trước đây người điều khiển xe đạp, xe thô sơ khi tham gia giao thông có nồng độ cồn sẽ không bị xử phạt, thì tại dự thảo nghị định tới đây quy định chỉ cần có nồng độ cồn sẽ bị phạt 80.000-100.000 đồng; nếu trong máu có nồng độ cồn tối đa là 80mg/100 ml máu sẽ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.

Người đi môtô, xe máy bị phạt tối đa 8 triệu đồng và thấp nhất từ 2-3 triệu nếu phát hiện có nồng độ cồn trong máu.

Cũng tại dự thảo Nghị định mới, người điều khiển ôtô có nồng độ cồn, mức phạt thấp nhất từ 6- 8 triệu đồng (thay vì 1-2 triệu như hiện hành) và tối đa là 30-40 triệu đồng.

Cũng theo ông Hùng, Luật phòng chống tác hại của rượu bia nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe…

Cũng tại Điều 32, khoản 6 có quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”.

Kể từ ngày Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm.

Riêng trong trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Điều 12 của Luật, cụ thể: Không quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài…

Không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em; Không quảng cáo trên phương tiện giao thông…

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bộ Luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng.

Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Theo THÁI HÀ

Cùng chuyên mục
XEM