Người dân Trung Quốc: Buồn hơn bị cắt nước là đi WC phải quét gương mặt để nhận 90cm giấy, quét lần 2 trong vòng 10 phút sẽ ‘nhịn’ dùng giấy luôn!

22/10/2019 07:34 AM | Xã hội

Nếu hệ thống phát hiện cùng một khuôn mặt đến lần thứ hai trong vòng 10 phút, người đó sẽ không nhận được thêm chút giấy nào nữa.

Nhận diện khuôn mặt đã được sử dụng cho một loạt các ứng dụng công nghệ cao ở Trng Quốc như phòng chống tội phạm và giờ đây, nó đang được dùng để giải quyết những vấn đề thực tế hơn trong cuộc sống.

Bắc Kinh bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân phát giấy trong các nhà vệ sinh công cộng từ năm 2017 và năm nay, Quảng Châu cũng áp dụng phương pháp này.

Trên hòn đảo Shamian, một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Quảng Châu, công nghệ nhận diện khuôn mặt để phát giấy đã được áp dụng tại một số nhà vệ sinh. Người dùng sẽ nhận được 90 cm giấy vệ sinh sau khi quét gương mặt của mình.

Người dân Trung Quốc: Buồn hơn bị cắt nước là đi WC phải quét gương mặt để nhận 90cm giấy, quét lần 2 trong vòng 10 phút sẽ ‘nhịn’ dùng giấy luôn! - Ảnh 1.

Một người dân Trung Quốc đang lấy giấy vệ sinh sau khi quét khuôn mặt.

Nếu hệ thống phát hiện cùng một khuôn mặt đến lần thứ hai trong vòng 10 phút, người đó sẽ không nhận được thêm chút giấy nào nữa. Kết hợp công nghệ vào quá trình phân phối giấy vệ sinh là ví dụ mới nhất về những nỗ lực của Trung Quốc để áp dụng AI vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả thùng rác thông minh có khả năng phân loại vật liệu có thể tái chế và hệ thống đèn giao thông được AI hỗ trợ.

Tại Bắc Kinh, thùng rác với hệ thống nhận diện khuôn mặt đã được lắp đặt ở một số khu dân cư để xác định ai là người vứt rác. Theo một bài đăng trên mạng xã hội Weibo, những người bỏ rác vào đúng thùng phân loại có thể được cộng điểm tín nhiệm xã hội. Còn ở Thâm Quyến, người đi bộ sẽ bị nêu tên bởi các chương trình nhận dạng khuôn mặt thí điểm nếu họ vi phạm luật giao thông.

Người dân Trung Quốc: Buồn hơn bị cắt nước là đi WC phải quét gương mặt để nhận 90cm giấy, quét lần 2 trong vòng 10 phút sẽ ‘nhịn’ dùng giấy luôn! - Ảnh 2.

Hệ thống giúp phân loại rác thải dùng AI ở Trung Quốc.

Nhận dạng gương mặt để lấy giấy vệ sinh lần đầu xuất hiện năm 2017 trong một toilet công cộng ở Bắc Kinh và mới được giới thiệu ở Shamian vào tháng 6 năm nay.

Và tất nhiên, không phải ai cũng hài lòng khi AI đang ngày càng mở rộng phạm vi, từ các ứng dụng bảo mật đến nơi riêng tư như buồng vệ sinh. Nick Yi, một kỹ sư 24 tuổi ở Quảng Châu cho biết: "Lạm dụng AI là một dấu hiệu không tốt. Công nghệ này có thể giúp tiết kiệm giấy vệ sinh nhưng theo tôi đó là một việc lãng phí thời gian. Toilet công cộng ở Shamian vốn đã có rất đông người xếp hàng nhưng giờ đây số lượng đã tăng lên bởi mọi người phải đứng trước máy quét khuôn mặt trong nhiều giây để lấy giấy".

Mặt khác, việc dùng AI trong nhà vệ sinh công cộng cũng được một số người ủng hộ. Một cư dân Quảng Châu tên Li chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng nó rất cần thiết bởi nếu ai đó dùng quá nhiều thì giấy vệ sinh sẽ hết rất sớm. Tôi không quan tâm là công nghệ cao được áp dụng vào thám hiểm không gian hay tiết kiệm giấy vệ sinh, chỉ cần nó mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người là được".

Các nhà chức trách ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đang nỗ lực làm cho nhà vệ sinh công cộng trở nên thông minh hơn. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan đầu năm nay, hơn 700 thành phố của Trung Quốc đã đề xuất hoặc đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng nhà vệ sinh thông minh.

Tại Thượng Hải, chính quyền thành phố đã xây dựng khoảng 150 nhà vệ sinh công cộng thông minh sử dụng đèn hồng ngoại và cảm biến để phát hiện một người đã ngồi trong đó bao lâu. Ngoài ra, cảm biến cũng giám sát chất lượng không khí bên trong và tính năng tiết kiệm nước có nhiệm vụ điều chỉnh mực nước dựa trên thời gian sử dụng.

Theo Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan, thị trường cho các thành phố thông minh ở Trung Quốc dự kiến sẽ vượt mức 10.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỷ USD) trong năm nay và có khả năng đạt 25.000 nhân dân tệ vào năm 2022.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM