Người đàn ông lì xì cháu ruột 20 ngàn đồng liền bị xé rách, vứt thẳng xuống đất do ‘ruột’ ít: ‘Giờ người ta quan trọng vật chất vậy sao? Đến lũ trẻ cũng vậy ư?’

03/02/2022 08:01 AM | Sống

Câu chuyện đang thu hút quan tâm của CĐM về cách ứng xử của trẻ nhỏ và cách giáo dục của gia đình khi quá xem trọng đồng tiền.

Lì xì (mừng tuổi) ngày đầu năm mới là một nét văn hoá ở Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á với lời chúc may mắn, thịnh vượng, sức khoẻ và trường thọ. Số tiền không quan trọng ít nhiều, cốt yếu ở tấm lòng, và lời cầu chúc vạn sự như ý, bình an đầu năm. Thế nhưng, khi xã hội phát triển phong tục này có ít nhiều thay đổi, đặc biệt với trẻ nhỏ, thay vì đón nhận tấm lòng của người tặng, thì có xu hướng ảnh hưởng bởi sự quan tâm của người lớn, chăm chăm xem 'ruột' bên trong ít - nhiều ra sao.

Vẫn biết ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì không quy định là mệnh giá nào, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Nhưng giờ đây, hành động lì xì đang dần bị méo mó trong cách suy nghĩ của nhiều người. Chẳng biết từ bao giờ, lì xì đã vô tình trở thành một thước đo tình cảm, mối quan hệ giữa người với người theo chiều hướng tiêu cực.

Câu chuyện buồn bã ngày đầu năm của một người đàn ông trên diễn đàn mạng gây chú ý của dư luận. Cụ thể anh chia sẻ: 

Người đàn ông lì xì cháu ruột 20 ngàn đồng liền bị xé rách, vứt thẳng xuống đất do ‘ruột’ ít: ‘Giờ người ta quan trọng vật chất vậy sao? Đến lũ trẻ cũng vậy ư?’ - Ảnh 1.

Người Việt thường dùng tiền mới, trong những phong bao đẹp để mừng tuổi. Ảnh: P.D


"Chào mọi người, xin phép giấu tên vì sợ người quen đọc được lại không hay. Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, nhưng anh chị em tôi lại là những người thành đạt. Mỗi năm Tết đến ngoài việc đau đầu nghĩ xem phải biếu bố mẹ gì, gửi quà tết bao nhiêu cho bằng anh bằng em thôi mà cũng khiến tôi trầm cảm. Quả thực so với anh chị em toàn người thành đạt, thì một kẻ chạy xe ôm như tôi đúng là không cân xứng.

Ban nãy mấy anh chị em rủ nhau đến nhà chúc Tết bố mẹ, anh chị em tôi thì ô tô, áo quần thơm tho.

Còn gia đình tôi thì 3 người trên chiếc xe máy cà tàng, quần áo bạc màu đến thăm bố mẹ. Trong cuộc trò chuyện, người khoe Tết năm nay thưởng Tết trăm triệu, có người thì bảo sang năm mua nhà mới. Rồi họ hỏi tôi năm nay sao rồi. Tôi chỉ biết cúi mặt mà cười trừ.

Lúc sau tôi ra về, ra đến cửa thì vô tình nhìn thấy chiếc phong bao lì xì tôi mừng tuổi cho một đứa cháu là con của anh chị tôi. Chiếc phong bao được xé vội rồi ném đi. Tôi không trách anh chị tôi, nhưng quả thật... Giờ người ta quan trọng vật chất vậy sao? Đến lũ trẻ cũng vậy ư?".

Người đàn ông lì xì cháu ruột 20 ngàn đồng liền bị xé rách, vứt thẳng xuống đất do ‘ruột’ ít: ‘Giờ người ta quan trọng vật chất vậy sao? Đến lũ trẻ cũng vậy ư?’ - Ảnh 2.

Kèm theo đó là hình ảnh một phong bao lì xì bị xé rách, bên trong lộ ra tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng đang nằm chỏng chơ dưới đất.

Bài viết ngày đầu năm mới nói trên sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xôn xao. Câu chuyện lì xì Tết bao nhiêu cũng là trăn trở của nhiều người bởi lì xì nhiều thì không có điều kiện kinh tế, nhưng lì xì ít thì lại ái ngại với những người xung quanh. Chuyên gia tâm lý Kim Thành (Hà Nội) cho biết lì xì là biểu trưng mang may mắn đầu năm cho nhau chứ không phải là để cho nhau tiền. Vì thế không nên lì xì quá nhiều tiền, nhất là với trẻ con.

Nhiều người bày tỏ bức xúc với thái độ giáo dục con trẻ của những người lớn trong gia đình bởi dù lớn hay nhỏ cũng là tấm lòng của người trao lì xì trong ngày đầu năm nên cần phải trân trọng.

Của cho không bằng cách cho. Nhưng hãy cố gắng đặt bản thân vào vị trí người cầm phong bao lì xì để hiểu được cái sự tình của người ta trước khi buông lời nói hay suy nghĩ những điều cay đắng. Không phải ai kiếm được nhiều tiền cũng phải mặc định mừng tiền to. Không phải ai mừng tiền to là mặc định họ giàu. Đừng biến tiền thành thước đo tình cảm, kẻo nó bạc lăm! 

PV

Cùng chuyên mục
XEM