Người bác sĩ "kỳ lạ": Thường xuyên đi xin tiền, trưởng khoa biến thành... trưởng kho

06/06/2019 20:09 PM | Sống

Người bác sĩ đặc biệt, coi những bệnh nhi như con cháu trong nhà, không ngần ngại đi xin tiền giúp bệnh nhi chữa bệnh, cả phòng làm việc của mình cũng để cho bệnh nhân chứa đồ.

Duyên nghề "kỳ lạ"

"Ông Tâm đẹp trai" là câu nói cửa miệng của những đứa trẻ đang điều trị tại Khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương dùng để chào hỏi bác sĩ Tâm mỗi lần gặp mặt .

Nghe cách xưng hô của những đứa trẻ tại đây đủ để thấy khoảng cách giữa bác sĩ với bệnh nhân đã được xóa nhoà. Thay vào đó, là thứ tình cảm gần gũi như trong một gia đình, giữa ông và cháu.

Cuối giờ chiều nhưng Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) vẫn đang khá tất bật với công việc khám và điều trị bệnh cho những đứa trẻ.

30 năm trôi qua bác sĩ Tâm vẫn luôn cần mẫn, gắn bó với những bệnh nhi, không may mắn gặp di chứng về vận động, ngôn ngữ. Công việc này bác sĩ Tâm vẫn nói đùa là nghề "bắt sâu cho hoa".

 Người bác sĩ kỳ lạ: Thường xuyên đi xin tiền, trưởng khoa biến thành... trưởng kho - Ảnh 1.

BS Tâm chơi đùa với một bệnh nhi tại khoa.

"Từ khi, còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường Đại học y ước mơ của tôi là theo chuyên ngành nhi và tôi đã quyết tâm để thực hiện được. Học xong đại học, tôi đã thi đỗ nội trú nhi, năm 1988 sau 9 năm học tôi đã ra trường.

Thời điểm tôi ra trường xin việc rất khó khăn và như cái duyên định sẵn tôi lại làm về nhi Đông y", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Học nhi Tây y nhưng sau khi ra trường bác sĩ Tâm lại chuyển sang làm nhi Đông y, thời gian đầu, một số ngôn từ của Đông y khiến cho bác sĩ Tâm cũng bỡ ngỡ. Nhưng khi càng đi sâu nghiên cứu với kiến thức Đông – Tây y kết hợp bác sĩ Tâm lại càng thêm say mê với nghề.

Khi tiếp xúc với những bệnh nhi tại khoa, bác sĩ Tâm đã rất thương cho những bệnh nhi gặp di chứng thần kinh: liệt, mù, điếc, câm….

Ở cương vị là "đầu tàu" của khoa nhưng bác sĩ Tâm không hề ngần ngại đi xin từ thiện cho bệnh nhi. Anh không sợ việc đi xin giúp đỡ cho bệnh nhi sẽ làm hạ thấp giá trị của mình.

"Nếu thương bệnh nhi 1, thì tôi thường bố mẹ các cháu 10 lần. Hầu hết họ tới đây điều trị đã "trắng tay" không còn tiền bạc vì đã đi khắp nơi điều trị cho con. Cũng chính vì vậy tôi không ngần ngại tới ngõ cửa từng doanh nghiệp xin xuất ăn, sữa, quần áo cho các cháu", bác sĩ Tâm, chia sẻ.

Trong năm 2018, bác sĩ Tâm đã xin tiền mặt và quà, tổ chức rằm trung thu, Tết Thiếu nhi 1-6 cho các cháu với tổng giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng.

Trưởng khoa cũng là trưởng kho

Trước khi, mở của cho tôi vào phòng bác sĩ Tâm nhắc trước "khi vào phòng đừng bất ngờ". Bác sĩ Tâm nói vui: "Ở đây mọi người gọi tôi là trưởng kho, không phải là trưởng khoa".

Toàn bộ diện tích của căn phòng anh Tâm đã nhường lại cho bệnh nhân ở xa gửi lại đồ. Căn phòng của vị trưởng khoa chỉ duy nhất chỗ ngồi là không có đồ đạc để.

"Bệnh nhi ở đây thường phải điều trị lâu dài, nhà xa, gia đình thường khó khăn, họ thường hết tiền mới tìm đến đây. Cho nên chia sẻ được chút nào với họ thì tôi cố gắng làm.

Phòng trưởng khoa là nơi ngồi hay nơi chứa đồ thì có khác gì nhau đâu. Những cái đơn giản mình không giúp được cho bệnh nhân thì làm sao bệnh nhân yên tâm điều trị", bác sĩ Tâm nói.

 Người bác sĩ kỳ lạ: Thường xuyên đi xin tiền, trưởng khoa biến thành... trưởng kho - Ảnh 2.

Phía sau lưng BS Tâm đồ đạc, bệnh nhân gửi lại chất thành núi.

Bệnh nhi tại khoa thường phải điều trị kéo dài và chia theo từng đợt cho nên phòng trưởng khoa của bác sĩ Tâm đã trở thành địa chỉ quen thuộc để bố mẹ bệnh nhân gửi đồ trong thời gian tạm thời được ra viện.

Ánh mắt bác sĩ Tâm đầy hạnh phúc khi nhớ về những câu chuyện "cổ tích" đã xảy ra tại khoa. Đó là, những đứa trẻ bị viêm não đã được cứu sống nhưng để lại di chứng vận động chỉ nằm một chỗ, như xác chết không hồn.

Nhưng sau khi điều trị châm cứu, xoa bóp bấm huyết, vật lý trị liệu 7 ngày sau bệnh nhân đã đứng lên đi lại được. Rồi chuyện cháu nữ sinh bị câm do ức chế tâm lý đã 6 tháng đã nói trở lại sau 5 ngày châm cứu.

Và rất nhiều trường hợp khác đã tiến bộ nhanh chóng bất ngờ sau đợt điều trị ngắn. Sự kỳ diệu đó của châm cứu Việt nam đã khiến cho chính bản thân bác sĩ Tâm và đồng nghiệp sung sướng, hạnh phúc .

Theo bác sĩ Tâm việc chăm sóc và điều trị cho những đứa trẻ bị di chứng vận động, ngôn ngữ là công việc cần mẫn của những chú ong xây tổ. Trẻ tiến bộ không phải chỉ trong ngày một ngày hai mà là quá trình tính bằng năm bằng tháng. Bác sĩ phải cần mẫn vừa điều trị vừa làm tâm lý để giúp bố mẹ bệnh nhi yên tâm.

30 năm làm nghề "bắt sâu cho hoa" bác sĩ Tâm thấy đời không phụ ông. Với ông điều thành công nhất trong sự nghiệp không phải là những giải thưởng danh giá mà chính là lòng tin của bố mẹ bệnh nhân đặt vào bác sĩ.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM