img
Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 1.
Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 2.

Spring Hill nằm ở địa phận Quốc Oai, Hà Nội. Để kịp 8 giờ sáng có mặt ở trường, đón học sinh ở nhiều điểm trung chuyển, thường xe buýt sẽ phải xuất phát ở điểm đầu tiên từ khoảng hơn 6 giờ. Trong chuyến đến thăm ngôi trường này, chúng tôi được hẹn có mặt ở cổng R6 - Royal City (Hà Nội) lúc 6 giờ 30, ấy thế mà khi tới nơi, ghế trên chiếc xe 35 chỗ đã kín hơn phân nửa.

Chắc hẳn các bậc làm cha mẹ đều đồng ý với nhau rằng việc đánh thức lũ trẻ vào buổi sáng cho kịp giờ đi học luôn là một thử thách. Thế nên, lý do khiến những bậc phụ huynh và cả lũ trẻ chấp nhận dậy sớm, di chuyển hơn 80km để đi học và về nhà mỗi ngày khiến chúng tôi rất tò mò. 

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số.

Cô Thảo - một trong hai cô giáo trên xe nhờ tôi bế một em học sinh vẫn còn say ngủ. "Đó là Titi, em ấy mới 3 tuổi thôi!", cậu bé ngồi bên cạnh tôi - Minh, một học sinh lớp 5 - giải thích, "Em ấy bé nhất trường, còn em Kẹo nữa." "Con nhớ hết tên tất cả các bạn ở trường à?". "Vâng, bọn con chơi với nhau cả mà!". Câu trả lời của chàng trai nhỏ càng khiến tôi háo hức muốn đặt chân đến Spring Hill (hay "trường đồi") như cách các thầy cô, học sinh và phụ huynh vẫn gọi ngôi trường này. 

Thầy Nguyễn Đức Quang, nhà sáng lập và điều hành trường đồi chia sẻ, Spring Hill chính thức chuyển từ phố lên đồi được hơn 2 năm nay. Việc chuyển trường lên đồi là cách để thầy có thể áp dụng triệt để những tư tưởng giáo dục mà thầy ấp ủ. Đó là cho các em được sống và trải nghiệm thuận tự nhiên hơn trong văn hóa bản địa, đồng thời học chương trình của Mỹ để trang bị ngoại ngữ và các kiến thức, phương pháp tư duy của công dân toàn cầu.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 4.

"Ở trường đồi, triết lý quan trọng nhất mà các con được học là tình yêu thương. Các con yêu thương bản thân, yêu thương con người, yêu thương đất đai, thiên nhiên. Trong đó, có hai nhóm mà các thầy cô luôn dạy các con thực hành thể hiện tình yêu thương dễ nhất, đó là các em bé ở trường và động thực vật xung quanh." - thầy Quang cho biết.

8 giờ sáng, đón chào các em và cả chúng tôi là không khí trong lành và cái nắng óng ả của vùng đồi. Từng tốp học sinh ríu rít xuống xe, dắt tay nhau lên dốc để vào trường. Ngôi trường trải khắp một quả đồi, được phân thành khu lớp học, khu ăn uống, bể bơi, kí túc xá cho học sinh bán trú và cả một vườn rau thực nghiệm. 

undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined

Từ những lớp học nằm ở lưng chừng đồi, các học sinh đổ về các khu học, khu ăn sáng để bắt đầu một ngày mới. Bữa ăn sáng diễn ra trong yên lặng, dù là các bé mầm non cho đến các anh chị lớn đều nhất loạt tuân thủ quy định "ăn uống trong tĩnh lặng" để tập trung và tận hưởng đầy đủ nhất về hương vị món ăn, để ăn trong sự biết ơn.

Toàn bộ thực phẩm được lấy từ vườn và trang trại riêng của trường, quá trình nấu nướng không bỏ đường, chất điều vị. Các em cũng hoàn toàn không uống sữa bò mà uống sữa hạt, sữa bí ngô… Rất nhiều loại rau, trái cây tự trồng trên đồi và chuối, bưởi, đu đủ, mít, na, bí ngô,... không chỉ là các món ăn hàng ngày ở trường mà còn trở thành món quà thầy cô tặng cho các bé trong mỗi dịp sinh nhật.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 6.

Tại trường đồi, tất cả học sinh sẽ có một ngày trong tuần không học kiến thức. Vào ngày đó, thay vì phải đi bộ 10 vòng dốc từ cổng trường đến nhà ăn (tương đương khoảng 2km), các em sẽ ra khu thể chất để chạy nhảy, trải nghiệm và vui chơi. Ngày chúng tôi đến (thứ 4) là ngày học trải nghiệm của khối lớp 3 tới lớp 7.

Ngay sau bữa ăn sáng, khi nghe thấy tiếng gà kêu báo hiệu sắp đẻ, một lớp mầm non được thầy cô đưa ra khu chuồng gà nuôi thực nghiệm để quan sát gà đẻ trứng. Suốt 15 phút, các cô cậu bé 4 tuổi giữ trật tự một cách đáng ngạc nhiên, chăm chú quan sát thật kỹ chú gà trống đang kêu để mời gọi cô gà mái vào ổ đẻ, cô gà mái thì đang bồn chồn nhảy ổ, liên tục kêu cục tác. Không phải qua sách vở hay video, các bé quan sát trực tiếp và ghi nhớ về quá trình gà mẹ đẻ trứng theo cách trực quan và tự nhiên nhất. 

dsc_0159
dsc_0159
dsc_0207
dsc_0207
dsc_0239
dsc_0239
dsc_0271
dsc_0271
dsc_0293
dsc_0293
dsc_0301
dsc_0301

Hôm nay cũng là ngày nghiệm thu một dự án đặc biệt của khối lớn. Các học sinh ngồi bệt ngay trên sườn dốc, mỗi nhóm quan sát hai chậu cây và ghi chép. "Đây là dự án cây yêu thương của chúng con!" - Chun, cậu học sinh lớp 3 trình bày. "Hằng ngày, chúng con sẽ nói chuyện với cây. Cây này thì con nói những lời xấu xí, cây này con nói những lời yêu thương. Hai cây được trồng và chăm sóc giống nhau."

Dự án này được khởi động thí nghiệm vào chính ngày khai giảng năm học mới. Thầy cô trường đồi muốn đánh dấu một năm học mới đầy yêu thương và chia sẻ bằng một dự án do chính tay các con làm. Sau đó trải qua quá trình quan sát, nhận thức, suy nghĩ tư duy để các con nhận ra những giá trị của yêu thương một cách tự nhiên nhất.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 8.

Các nhóm cùng đo đạc, hào hứng nghiệm thu dự án của mình. Sau 3 tháng, nhiều chậu cây nghe những lời nói xấu xí bị chết, có cây chỉ cao 5cm, ra được 2 lá. Còn các chậu cây được nói những điều tốt đẹp, yêu thương, ngược lại, lớn khá nhanh, cao 21cm, ra được 8 lá. Chun ghi chép vào sổ và nhận xét: "Con nhận ra rằng những lời yêu thương đã làm cho cây lớn nhanh hơn, những lời xấu xí làm cho cây chết."

Suốt trên đoạn dốc rợp bóng cây và hoa, em nào cũng có việc để làm, chúng tự ghi chép báo cáo, rút ra kết quả cho chính mình. Nhìn lũ trẻ đang say mê thực hành và tìm hiểu những kiến thức bằng cách tự tay mình làm, tự quan sát, tôi không khỏi thốt lên "Giống Tô-mô-e (ngôi trường trong cuốn sách Totto-chan, cô bé bên cửa sổ - PV) quá!".

Sau khi nghiệm thu dự án, nhóm học sinh bắt đầu hành trình đi bộ hơn 2 km đến khu hoạt động thể chất. Ra tới sân chơi, các em được chia nhóm theo sở thích vận động như đá bóng, nhảy dây, nhóm khác thì bắt côn trùng. Ngọc My, học sinh lớp 3, xòe tay khoe một chú bọ rùa. Cô bé cho biết đã đọc khái niệm bọ rùa trong sách và giải thích từ "beetle" có nghĩa là bọ cánh cứng. "Từ khi học trường đồi con mới biết thế nào là con cào cào", My hồ hởi khoe.

Một nhóm nữa kéo nhau đi lội suối ở con suối cạn gần sân bóng. Tùy theo sở thích của mình, lũ trẻ có thể lội suối, bắt nhện nước, bắt cua để quan sát (sau đó những con vật này sẽ được trả về với thiên nhiên). Lũ trẻ cũng được gợi ý xếp sỏi để quan sát sự thay đổi của dòng nước.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 9.

Các em nhanh chóng chia thành nhóm teamwork với nhau để... nghịch. Các thầy cô quan sát lũ trẻ, lâu lâu bổ sung kiến thức cho chúng một cách thật trực quan như "muốn tạo thành thác phải có độ cao, các bạn phải tập trung sỏi xếp cho cao lên" rồi mặc lũ trẻ tự mình nghịch ngợm.

Thật ra, người lớn luôn có xu hướng bao bọc trẻ, nhìn thấy chút lóng ngóng vụng về lập tức muốn làm hộ cho nhanh. Thế nên, việc để kệ lũ trẻ xoay xở khám phá theo cách của mình, hóa ra lại là một thứ rất khó, đòi hỏi nhiều nhẫn nại và nhất là sự tin tưởng. Lũ trẻ trường đồi được thầy cô trao cho tất cả những thứ ấy. Chúng tự xoay xở cởi giày dép nếu muốn lội suối, gửi bạn hay thầy cô giữ giùm đồ hoặc để đồ cá nhân lên vị trí gọn gàng, sạch sẽ để yên tâm vui chơi. Những bài học rút ra từ thực tế có lẽ hơn bất cứ lời khuyên bảo nặng về lý thuyết nào.

Sau khoảng 1 giờ vui chơi, chạy nhảy đúng nghĩa, các con trở về trường. Trời nắng, tất cả đều mồ hôi nhễ nhại, nhiều em còn lấm lem cả quần áo, nhưng trên những gương mặt con trẻ, nụ cười chẳng tắt lúc nào. Nhiều bậc phụ huynh có thể sẽ rất e ngại khi nhìn những bộ áo quần lấm bùn đất hay chiếc gấu quần ướt nước của lũ trẻ sau một buổi hoạt động ngoại khóa. Nhưng trẻ con mà, chúng yêu hoạt động, vui khi được hoạt động và cần được hoạt động, trải nghiệm để lớn lên khỏe mạnh, có tâm hồn, có cảm xúc và có tư duy sáng tạo.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 10.

Buổi chiều, học sinh còn rất nhiều dự án để thực hiện. Một số đi ra vườn trường giúp thầy cô thu hoạch rau, nhóm học sinh lớp 7 chuẩn bị muối sung. Món sung muối này sẽ được các em đăng bán trên nhóm trường. Trước đó, nhiều dự án khác như đan thảm sàn, làm thẻ flashcard cho các lớp mầm non… đã kinh doanh thành công. Số tiền thu được, một phần được tái đầu tư cho các dự án tiếp theo, một phần sẽ được "trả lương" cho các em tùy theo công sức mà từng em bỏ ra, và một phần phục vụ công tác cộng đồng.

Thầy Quang chia sẻ: "Mỗi bài học trải nghiệm đều là bài học mở". Hôm nay, lớp mầm non có thể ngồi cả buổi vẫn không thấy gà đẻ trứng hoặc các nhóm lớn thay vì tạo thác giữa lòng suối, có thể sẽ đi dọc theo con suối xa hơn để quan sát. "Những tình huống không giống nhau và với từng trải nghiệm khác biệt, mỗi học sinh sẽ học được những bài học riêng", thầy giải thích.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 11.

Trường đồi hiện có 250 học sinh, tuổi từ 2 đến 14, và 30 giáo viên. Học sinh học song song cả chương trình Phổ thông Việt Nam và chương trình phổ thông online của Mỹ (dạng homeschool). Với chương trình học online của Mỹ, các em được chia thành các nhóm trộn lẫn độ tuổi, theo trình độ tiếng Anh tương đồng. Nửa ngày các em học theo chương trình của sách giáo khoa Việt Nam, phân theo lớp từ lớp 1 đến lớp 7.

Thầy Quang cho biết, hướng giáo dục của trường là phát triển những giá trị riêng của từng học sinh. Thay vì áp dụng một chuẩn chung cho tất cả học sinh, các thầy cô sẽ trò chuyện, quan sát để hiểu rõ tính cách, thế mạnh, điểm yếu của từng em, từ đó có sự dẫn dắt phù hợp. "Mỗi thầy cô trong trường là một nhà giáo dục, chứ không chỉ là một giáo viên đơn thuần. Quan trọng hơn việc dạy, nhà giáo dục khơi gợi để mỗi học sinh nỗ lực hơn, khắc phục những điểm yếu mình đang có", thầy Quang chia sẻ.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 12.

Cũng theo đó, tiêu chí phát triển của học sinh chú trọng vào ba yếu tố: Thể lực khỏe mạnh, tư duy tích cực và phát triển tính nhân văn. Kết quả học tập thì đặt mục tiêu đạt chuẩn, không cần phải có điểm số cao. 

Thầy Quang cũng cho biết, trong trường có một số học sinh đặc biệt như trẻ tăng động, có thiên hướng trầm cảm hoặc tự kỷ. Tuy nhiên, tại trường đồi, tất cả các bạn đều phát triển tốt như nhau, không có sự khác biệt hay thua kém giữa học sinh thường và học sinh đặc biệt.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 13.

Để con mình mỗi ngày đều vượt hơn 80km cả đi lẫn về để đi học, mỗi phụ huynh đều có một lý do, một ấp ủ riêng. Người vì để con học tiếng Anh tốt hơn, người vì hy vọng khi học tại đây, con được phát triển toàn diện về mọi mặt. Sau này con sẽ tự định hướng được tương lai của mình.

Tuy nhiên, dường như những dự tính cho tương lai đó chỉ là mối bận tâm riêng của người lớn. Với học sinh trường đồi, các em chia sẻ những niềm vui đơn giản hơn. Thanh Minh cho biết: "Ở trường cũ con không có bạn. Giờ ra chơi, các bạn chỉ toàn dùng điện thoại. Ở đây không ai dùng điện thoại, bọn con chơi với nhau rất nhiều."

Nguyễn Nam, học sinh lớp 4 lại vui vì lý do khác. Nam kể, khi còn học trường cũ, em học nhiều, học giỏi, đã luyện thi ViOlympic đoạt giải nhì thành phố. Tuy tự hào về thành tích đó, nhưng em lại thích trường đồi hơn. "Ở trường đồi, con được chơi ngoài thiên nhiên nhiều, đồ ăn sạch hơn. Cũng không còn ở trong phòng điều hòa và học bài suốt ngày nữa!" - Nam hồn nhiên nói.

Ngôi trường đồi cách Hà Nội 40km, nơi con trẻ được thoải mái vẫy vùng và bỏ xuống gánh nặng điểm số - Ảnh 14.
Bích Vân
Quý Nguyễn
KingPro
Mộng Mộng, Hồng Anh
Theo Trí Thức Trẻ

Trí thức trẻ