Ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, "viên ngọc quý" của Made in China 2025 đang chùn bước vì nợ

15/11/2019 10:44 AM | Xã hội

Thanh Hoa Unigroup là một nhánh kinh doanh của trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, trái phiếu định danh bằng USD đáo hạn vào năm 2023 của họ đã sụt giảm mạnh và lợi suất hiện đang ở mức hơn 10%.

"Viên ngọc quý" trong kế hoạch Made in China 2025 của Chủ tịch Tập Cận Bình đang chùn bước. Thanh Hoa Unigroup là một nhánh kinh doanh của trường đại học danh giá bậc nhất Trung Quốc - Đại học Thanh Hoa. Đây cũng là nơi ông Tập từng theo học.

Thanh Hoa Unigroup đã và đang nỗ lực để vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản chip còn non trẻ của Trung Quốc từ năm 2015, khi họ cố gắng mua cổ phần của các đối thủ đến từ Mỹ - Micron Technology và Western Digital. Tuy nhiên, cả 2 thương vụ đều thất bại trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ không chấp nhận vì lo ngại đến cơ sở an ninh quốc gia.

Bị "chối từ" ở nước ngoài, Unigroup quyết tâm trở thành "nhà vô địch" trong nước và tập trung nguồn lực vào phát triển công nghệ bộ nhớ flash (flash-memory). Một trong những công ty con mới thành lập được 3 năm của họ, Yangtze Memory Technologies, đã đưa những bí quyết của họ vào sản xuất. Bernstein Research nhận định, thực sự ấn tượng khi công ty này đã phát triển nhanh chóng đến vậy, dù hiệu suất vẫn kém so với các đối thủ.

 Ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, viên ngọc quý của Made in China 2025 đang chùn bước vì nợ  - Ảnh 1.

Trái phiếu của Unigroup đáo hạn năm 2023 lên xuống như "tàu lượn" siêu tốc.


Tuy nhiên, các nhà đầu tư trái phiếu đang rất lo ngại, khi trái phiếu định danh bằng USD của Unigroup đáo hạn vào năm 2023 đã sụt giảm mạnh trong những ngày gần đây và lợi suất hiện đang ở mức hơn 10%. Tuần trước, nhà sản xuất chip này đã vội vã sắp xếp một cuộc họp từ xa nhằm trấn an các nhà đầu tư, thông báo rằng tình hình tài chính của họ vẫn ở trạng thái tốt.

Chắc chắn rằng, loại tài sản có tầm quan trọng mang tính chiến lược quốc gia như vậy không nên được giao dịch như trái phiếu của một công ty được xếp hạng là "rác" - gần như rơi vào tình trạng phá sản, hay quản lý có vấn đề.

Một câu hỏi lớn đang "treo lửng lơ" với Unigroup là: Ai là người hậu thuẫn cho họ? Là một phần của cuộc cải cách trường đại học ở Trung Quốc, với mục tiêu tách riêng các tổ chức học giáo dục với mảng kinh doanh, thì cổ đông có quyền chi phối của Unigroup là Thanh Hoa Holdings đã nhiều lần cố gắng tách khỏi công ty này.

Đương nhiên, những trái chủ cũng "rùng mình" mỗi khi lời đồn đoán xoay quanh quyền sở hữu của Unigroup nổi lên. Năm ngoái, trái phiếu của công ty này sụt giá khi Thanh Hoa đồng ý bán cổ phần cho một thực thể nhà nước tại Tô Châu, hồi phục sau 1 tháng khi trường đại học này lựa chọn chính phủ Thâm Quyến với nhiều tiền mặt.

Tuy nhiên, trái phiếu lại lao dốc trong vài tháng gần đây, khi Thanh Hoa loại bỏ thoả thuận với Thâm Quyến. Ở một cuộc hội nghị hồi tuần trước, Zhao Weiguo - chủ tịch công ty, cho biết Unigroup nên nằm trong sự quản lý của Đại học Thanh Hoa, ông nhắc đến mong muốn của một "nhà lãnh đạo tối cao". Đó là Chủ tịch Tập Cận Bình.

 Ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, viên ngọc quý của Made in China 2025 đang chùn bước vì nợ  - Ảnh 2.

Việc tìm ra ai là người nắm giữ "ví tiền" là đặc biệt quan trọng đối với Unigroup, bởi như tất cả các nhà sản xuất chip khác, họ cần hàng tỷ USD cho chi phí tài sản cố định. Chẳng hạn, công ty đi đầu trong ngành - Samsung, đã chi khoảng 25 tỷ USD cho chi phí tài sản cố định hàng năm trong 5 năm qua. Yangtze Memory - mảng kinh doanh chip flash của Unigroup, đã chi hơn 20 tỷ CNY (2,86 tỷ USD) cho nhà máy mới tại Vũ Hán và dự tính tốn 30 tỷ USD trong tổng chi tiêu tại đó. Sự khác biệt chính đó là, không như Samsung, Yangtze đi sau về công nghệ và không thể hoà vốn cho đến năm 2022, theo ước tính của Barclays. Tiền phải rót vào từ bên ngoài.

Chắn chắn rằng, Unigroup đang nhận được hỗ trợ tài chính từ các quỹ "hướng dẫn của chính phủ" (GGF) theo kiểu vốn mạo hiểm và có được khoản tín dụng lớn từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại rằng, số tiền đó vẫn chưa đủ. Những công ty thuộc sở hữu nhà nước không được nêu tên và thậm chí cả Đại học Thanh Hoa không có nhiều tiềm lực tài chính đến vậy để hỗ trợ cho Unigroup khi họ tăng cường sản xuất.

Nửa đầu năm nay, doanh thu tại Unigroup tăng 7,5% so với năm trước, nhưng thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (Ebitda) giảm 27% xuống còn 1,5 tỷ CNY, do chi phí nghiên cứu tăng quá mạnh. Tính đến tháng 6, công ty đã nắm giữ 39 tỷ CNY tiền mặt nhưng khoản nợ chịu lãi 58 tỷ CNY sẽ đáo hạn vào năm tới.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ tại sao Thanh Hoa lại huỷ bỏ thoả thuận với Thâm Quyến. Các nhà đầu tư cũng nghi ngờ về động cơ địa chính trị. Nếu Thanh Hoa chuyển nhượng cổ phần cho Thâm Quyến, Unigroup sẽ trở thành doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, dễ bị hạn chế trong quá trình hoạt động, từ chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ sang thuế ưu đãi - nếu Trung Quốc đạt thoả thuận thương mại với Trung Quốc. Mặt khác, nếu Unigroup vẫn hoạt động trong tầm kiểm soát của một trường đại học phi lợi nhuận thì họ có thể phát triển chip trong "vùng xám" (grey zone).

Bị chiến tranh thương mại chèn ép, Trung Quốc đang muốn trở thành đất nước "tự cung tự cấp" về công nghệ và chất bán dẫn chắc chắn là lĩnh vực phù hợp để bắt đầu. Năm ngoái, thâm hụt thương mại ngành sản xuất chip của Trung Quốc tiếp tục tăng tới 228 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với thập kỷ trước.

Nhưng nếu bạn cho rằng Thanh Hoa Unigroup sẽ trở thành người chiến thắng từ việc này, thì hãy nghĩ lại. Như những gì đã diễn ra, tham gia "nghĩa vụ quân sự" trong cuộc chiến thương mại không hẳn là sẽ giúp bạn có được điểm tín dụng cao, khi các phương tiện tài trợ của chính phủ và ngân hàng khu vực hiện đang đối mặt với những công ty mất khả năng thanh toán nợ. Các nhà đầu tư của Unigroup cần phải nhớ rằng họ không thể mang tinh thần của ngôi trường mà ông Tập từng theo học đến ngân hàng vay nợ.

Theo Giang Ng

Cùng chuyên mục
XEM