“Ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều tổng công ty đều đặn lĩnh hàng nghìn tỷ cổ tức mà không phải lo kinh doanh

13/06/2017 10:09 AM | Kinh doanh

Nếu bỏ ra khoản cổ tức nhận được hàng năm, nhiều tổng công ty với vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng sẽ không tránh khỏi tình cảnh thua lỗ.

Liên tục nhiều năm gần đây, công ty mẹ Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam ( VEAM ) ghi nhận khoản lỗ thuần đều đặn từ hoạt động kinh doanh hàng trăm tỷ đồng. Chủ yếu do lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chỉ vừa đủ trang trải cho chi phí quản lý doanh nghiệp, trong khi chi phí tài chính và bán hàng nằm ngoài khả năng.

Tuy nhiên, chính công ty này lại thuộc nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong số các tổng công ty thuộc sở hữu của Nhà nước, đứng trên cả ACV, Vinacomin hay Vinachem. Điều này có được là nhờ khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết khi VEAM đang sở hữu cổ phần trong 3 liên doanh với các hãng xe lớn là Ford (thông qua công ty Diesel Sông Công), Honda và Toyota.

Tổng cộng VEAM đã góp 559 tỷ đồng vào 3 liên doanh trên. Đến cuối năm 2015, tổng giá trị của khoản đầu tư trên ghi nhận tương ứng với tỷ lệ sở hữu đạt 8.570 tỷ đồng - gấp 15,3 lần. Trong đó, khoản đầu tư 30% vốn tại liên doanh Honda Việt Nam, tăng từ 253 tỷ lên gần 7.100 tỷ đồng.

Ngoài VEAM, một số doanh nghiệp khác cũng thuộc nhóm “ngồi mát ăn bát vàng” có thể kể đến như Satra , Saigon Tourist hay Phát triển Công nghiệp Tân Thuận ( TTIPC ).

Năm 2016, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 5% lên gần 6.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù lợi nhuận gộp tăng tới 35% lên 446 tỷ nhưng con số này không đáng là bao so với hơn 1.100 tỷ đồng chi phí bán hàng và chi phí quản lý.

“Cứu cánh” cho Satra đến từ khoản cổ tức nhận được, nhờ sở hữu 40% vốn của Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của Cty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading).

Năm 2016, cổ tức và lợi nhuận được chia của Satra đạt xấp xỉ 2.750 tỷ đồng. Các năm gần đây, Satra cũng đều đặn nhận được từ 2.200-2.500 tỷ đồng doanh thu tài chính mỗi năm, chủ yếu là lợi nhuận được chia từ Heineken Việt Nam.

Hay như Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (TTIPC), theo BCTC công ty mẹ năm 2016, doanh nghiệp này ghi nhận tới 827 tỷ đồng doanh thu tài chính, dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh chỉ hơn 107 tỷ. Trong đó, phần cổ tức và lợi nhuận được chia hơn 740 tỷ đồng.

Trước đó năm 2015, cổ tức cũng đem về cho TTIPC gần 960 tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ này có thể duy trì mức lợi nhuận hàng năm vài trăm tỷ dù doanh thu chỉ vài chục, cho tới hơn trăm tỷ đồng.

Cổ tức của TTIPC chủ yếu đến từ 30% vốn góp tại Liên doanh Phú Mỹ Hưng.

Theo Bảo Bối

Cùng chuyên mục
XEM