Nghiên cứu nói rằng ngủ sớm hay muộn không quyết định thành công của mỗi người, quan trọng là phải ngủ đúng giờ

14/06/2017 19:04 PM | Sống

Một nghiên cứu mới được thực hiện cho hay nếu muốn thành công con người phải có lịch ngủ, thức giấc cố định và thực hiện nó hàng ngày.

Đi ngủ đúng giờ mỗi tối có thể rất khó khăn – đặc biệt là khi các tập phim truyền hình mà bạn yêu thích cứ sắp hết lại đến đoạn gay cấn, liệu bạn có giải pháp nào khác ngoài thức đến tận 2 giờ xem để xem hết toàn bộ season?

Và tối hôm sau, chắc chắn bạn sẽ ngủ gục vào lúc 10 giờ tối vì đã quá mệt.

Nhưng hóa ra lối sinh hoạt thiếu điều độ này lại có thể ảnh hưởng đến bạn theo rất nhiều cách.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có giờ ngủ cố định thường thành công hơn so với những người đi ngủ ở các khung giờ khác nhau mỗi tối.

Theo các nhà khoa học từ bệnh viện Brigham and Women's (BWH), đi ngủ điều độ đúng giờ cũng quan trọng không kém so với việc phải ngủ đủ mỗi tối.

Một nghiên cứu đã tiến hành đo lường giấc ngủ và nhịp sinh học của 61 sinh viên ở Đại học Harvard trong 30 ngày bằng cách sử dụng nhật ký giấc ngủ, trước khi so sánh dữ liệu đó với thành tích học tập của họ.

Kết quả cho thấy những sinh viên có giờ giấc ngủ nghê ít điều độ nhất thường có điểm số trung bình thấp hơn so với những người còn lại.

Không chỉ có thế, những người đi ngủ vào cùng một khung giờ mỗi tối thường có thói quen thức dậy ngay lập tức vào buổi sáng (chứ không ngủ nướng) và thường chìm vào giấc ngủ nhanh hơn vào buổi tối (chứ không khó ngủ, trằn trọc, thao thức suốt đêm).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ này chính là do lượng melatonin được tiết ra không đều, mà đây lại là loại hormone khiến chúng ta muốn đi ngủ. Vì thế đồng hồ sinh học (hay nhịp sinh học) của bạn bị đảo lộn và dẫn đến nhiều xáo trộn.

Tiến sĩ Andrew J. K. Phillips – tác giả của nghiên cứu, đồng thời là nhà vật lý sinh học tại Phân khoa Giấc ngủ và Rối loạn Nhịp sinh học thuộc bệnh viện BWH – cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy đi ngủ và thức dậy vào những khung giờ cố định hàng ngày cũng quan trọng như số giờ mà chúng ta dành cho việc ngủ”.

“Giấc ngủ điều độ là một yếu tố cực kỳ quan trọng và có thể điều chỉnh được, và yếu tố này hoàn toàn độc lập so với thời lượng giấc ngủ”, ông nói.

Điều thú vị là các sinh viên đều có số giờ ngủ gần như nhau, chỉ có thời gian đi ngủ là khác biệt.

“Chúng tôi nhận thấy so với những người đi ngủ điều độ, đồng hồ sinh học ở những sinh viên có giờ giấc đi ngủ không cố định bị thay đổi muộn hơn gần 3 tiếng”, tiến sĩ Charles A. Czeisler – Giám đốc Viện Sức khỏe Giấc ngủ – cho biết.

“Đối với những sinh viên có giờ đi ngủ và tỉnh dậy thay đổi liên tục, các lớp học và bài kiểm tra diễn ra vào lúc 9 giờ sáng đối với nhịp sinh học của họ sẽ như diễn ra vào lúc 6 giờ sáng, và vào lúc đó khả năng tư duy cũng như ra quyết định vẫn còn bị hạn chế”.

“Điều trớ trêu là họ chẳng tiết kiệm được chút thời gian nào bởi vì rốt cuộc thì họ cũng có số giờ ngủ bằng với những người sinh hoạt điều độ và đi ngủ đúng giờ”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM