Nghiên cứu này cho thấy công nghệ mới là thách thức lớn nhất với Tổng thống Trump

09/02/2017 08:07 AM | Xã hội

Dù Tổng thống Donald Trump có buộc các công ty đưa nhà máy trở lại Mỹ thì công việc cũng rơi vào tay những chú robot hơn là người dân nước này.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều người dân nước này cho rằng những người lao động nhập cư Mexico là thủ phạm chính khiến tiền lương cũng như việc làm của họ bị mất. Những người nghèo tại Mỹ đổ tội cho lao động nhập cư về cuộc sống ngày càng đi xuống.

“Chúng tôi không có khả năng tha thứ cho điều đó. Chúng tôi không chấp nhận nó”, một người nghèo tại Mỹ nói khi phỏng vấn với tờ Economist.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt những động thái cấm người nhập cư hay xây bức tường Mexico của Tổng thống Trump thời gian gần đây. Các cơ quan an ninh nội địa cũng bị hối thúc trục xuất những lao động bát hợp pháp về nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quan điểm này không hoàn toàn chính xác. Lấy ví dụ thập niên 60 khi Tổng thống khi đó là John F.Kennedy chấp nhận chương trình Bracero với Mexico, qua đó cho phép gần 500.000 người lao động Mexico được nhập cảnh vào Mỹ để làm việc trên các cánh đồng khi mùa vụ tới.

Nghiên cứu này cho thấy công nghệ mới là thách thức lớn nhất với Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Chuyên gia Michael Clemens và Hannah Postel của Trung tâm phát triển quốc tế (CGD) đã sử dụng số liệu lao động, mức lương của ngành nông nghiệp Mỹ giai đoạn trước và sau Bracero để phản biện lại lập luận lao động nhập cư ảnh hưởng đến mức lương hiện nay.

Theo đó, số việc làm ngành nông nghiệp Mỹ tăng rất ít sau khi Bracero chấm dứt vào năm 1964 và bắt đầu suy giảm khi bước sang thập niên 70. Điều thú vị là xu thế này diễn ra ở cả các bang phụ thuộc nhiều vào lao động Mexico lẫn những bang không sử dụng.

Về tiền lương, nghiên cứu của CGD cho thấy mức thu nhập lao động nông nghiệp Mỹ vẫn tăng khi có Bracero và sau khi Bracero chấm dứt. Điều này cho thấy lao động Mexico không phải nguyên nhân khiến tiền lương của nông dân Mỹ bị suy giảm. Trên thực tế, sau khi Bracero chấm dứt vào năm 1964, mức lương của nông dân Mỹ thậm chí bắt đầu suy giảm khi bước sang thập niên 70.

Thủ phạm thực sự

Nghiên cứu của CGD cũng cho thấy thời kỳ này các trang trại Mỹ không sử dụng nhiều lao động nhập cư bất hợp pháp và lý do duy nhất cho sự suy giảm mức lương lao động là máy móc công nghệ. Nói cách khác, khi mức lương lao động nông nghiệp đi lên, các trang trại nhận ra việc sử dụng máy móc cho chi phí thấp hơn và nhiều nông dân bị sa thải vì đó.

Nghiên cứu này cho thấy công nghệ mới là thách thức lớn nhất với Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Mức lương của các bang dùng nhiều và không dùng lao động Mexico không thực sự biến động mấy trước và sau Bracero.

Nhiều công việc vào thập niên 60 như hái cà chua hay thu hoạch bông, củ cải đường... có thể được tự động hóa dễ dàng và việc kết thúc chương trình Bracero đã đẩy nhanh xu thế cơ giới hóa hơn.

Tuy nhiên, một số công việc như thu hoạch rau diếp và măng tây vẫn cần bàn tay của con người thời đó và đây là nguyên nhân khiến thu nhập lao động nông nghiệp vẫn tăng sau năm 1964 và bắt đầu suy giảm vào thập niên 70.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng mức lương của các nông dân vẫn được giữ vững là do các quy định về luật lao động chứ không phản ánh đúng thực chất cung cầu thị trường. Tại California, một trong những bang nông nghiệp quan trọng nhất ở Mỹ, chính quyền yêu cầu mức lương tối thiểu 15 USD/giờ cho nông dân.

Với những quy định như vậy, các trang trại đang ngày càng gia tăng sử dụng công nghệ thay vì tốn quá nhiều chi phí cho lao động thường và đây là nguyên nhân chính khiến hàng loạt lao động Mỹ thất nghiệp trong nghề nông chứ không phải người nhập cư.

Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà máy cần nhiều lao động. Với những quy trình không cần kỹ thuật cao, việc tự động hóa có lợi hơn rất nhiều so với thuê lao động và dù Tổng thống Trump có buộc các công ty đưa nhà máy trở lại Mỹ thì công việc cũng rơi vào tay những chú robot hơn là người dân nước này.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM