Nghiên cứu cho thấy TMĐT Việt Nam muốn thành công không thể bỏ qua việc nịnh nọt chị em

12/03/2017 15:39 PM | Công nghệ

Đằng sau sự phát triển của hệ sinh thái TMĐT tại Việt Nam có sự đóng góp không hề nhỏ của phái nữ, tuy nhiên, vai trò của họ thường chưa được các doanh nghiệp khai thác triệt để.

Google và Temasek tiên đoán môi trường TMĐT tại Đông Nam Á sẽ tiến tới trở thành ngành công nghiệp 200 tỷ USD vào năm 2025.

Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có thị trường TMĐT phát triển nhanh chóng nhất với số lượng người dùng Internet tăng trưởng tới 82% (tỷ lệ gia tăng 13% vào giai đoạn 2015-2020).

Đằng sau sự phát triển của hệ sinh thái TMĐT tại Việt Nam có sự đóng góp không hề nhỏ của phái nữ, tuy nhiên vai trò của họ thường chưa được các doanh nghiệp khai thác triệt để.

Sức ảnh hưởng to lớn của phái đẹp với ngành TMĐT

Ngay từ những ngày đầu, khi ngành TMĐT bước vào thế giới thời trang, đã có không ít những lời ý kiến trái chiều cho rằng việc mua quần áo mà không trực tiếp thử, cảm nhận chất vải hoặc kiểm tra chi tiết đường may, v.v… là một hình thức không thực tiễn.

Tuy nhiên, giờ đây quần áo, thực phẩm, hóa mỹ phẩm và còn nhiều mặt hàng tưởng chừng như “không khả thi” đều trở thành các đối tượng được tìm kiếm, mua sắm trực tuyến giúp đóng góp cho sự phát triển không ngừng của ngành kinh doanh bán lẻ trực tuyến.

Dự đoán về xu hướng TMĐT tại Đông Nam Á trong năm tới, tạp chí TechCrunch cho rằng mặt hàng thời trang tiêu dùng nhanh (fast-fashion etailer) sẽ trở thành tương lai của mua sắm trực tuyến.

Sự phát triển của Lazada và Zalora cũng như mô hình thương mại điện tử B2C tại Việt Nam như Chợ Tốt, Tiki được cho là có phần đóng góp lớn từ ngành hàng thời trang tiêu dùng nhanh. Báo cáo nội bộ của Lazada năm 2016 cũng cho thấy, mặt hàng thời trang, đồ gia dụng - 2 ngành hàng chủ đạo của nữ giới là 2 ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Theo số liệu thống kê từ comScore’s Women, phụ nữ chiếm 58% tổng số lượt tham gia mua sắm trực tuyến, và là yếu tố quyết định đến 83 - 87% xu hướng mua sắm của thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngoại trừ các danh mục sản phẩm gồm điện tử gia dụng/điện tử tin học, sự kiện/vé xem phim, và hoa/quà/thiệp, tất cả những danh mục còn lại đều nhận được sự quan tâm và đưa ra quyết định mua sắm.

Thu nhỏ phạm vi khu vực Đông Nam Á, các con số cũng không thể hiện sự khác biệt rõ rệt nào với 80% lượng tham gia mua sắm trực tuyến các sản phẩm gia dụng đến từ phái nữ.

Tính năng động của phụ nữ trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến đa dạng hơn so với cách đàn ông mua sắm. Thay vì tìm chính xác những gì mình muốn và tìm hiểu thông tin sản phẩm kĩ lưỡng như đàn ông, phụ nữ có xu hướng lướt nhanh qua trang sản phẩm mà mình muốn tìm kiếm sau đó xem xét những sản phẩm khác tương tự, nhằm mục đích so sánh về nhiều yếu tố như mức giá, thiết kế, nguồn gốc, v.v…

Và cụ thể tại Đông Nam Á, thời gian trải nghiệm trên các sàn giao dịch mua sắm trực tuyến của phụ nữ nhỉnh hơn đến 40% - một con số khá ấn tượng và đáng được các nhà đầu tư quan tâm để có thể tạo ra một thế giới trải nghiệm đa dạng, ấn tượng cho thị trường quan trọng và đầy tiềm năng này.

Làm sao để tiếp cận đối tượng cốt lõi của ngành TMĐT này?

Nói về cách thu hút đối tượng cốt lõi trên thị trường TMĐT hiện nay, David Chmelar - CEO của Tập Đoàn iPrice nhận định:

"Nhu cầu hàng đầu của thị trường nằm ở việc tạo nên trải nghiệm giao dịch mua sắm thân thiên, nơi khách hàng nhận được những cập nhật mới nhất và liên tục về các ưu đãi hấp dẫn, thông tin sản phẩm chính xác. Nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách tối ưu hoá tìm kiếm, khả năng lựa chọn và cập nhập thông tin sản phẩm là điều tối cần thiết trên các website mua sắm trực tuyến".

Không chỉ riêng việc xây dựng một trải nghiệm đáng tin cậy và dễ sử dụng, thấu hiểu xu hướng mua sắm dựa theo tính cách của người dùng cũng là một trong những yếu tố làm nên thành công của doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, cũng như vị thế của mình trên thương trường khắc nghiệt hiện nay.

Như với Tiki.vn, khảo sát nội bộ cho thấy rằng 70% tổng số khách hàng của họ là khách nữ. Do vậy, để không ngừng phát triển và giữ vững chất lượng dịch vụ tốt nhất của mình, Tiki tạo nên những chiến lược marketing hướng đến giá trị tinh thần như sự thân thiện, vui vẻ bên cạnh những đợt khuyến mãi giá hấp dẫn, chương trình tặng quà đặc biệt, v.v…nhằm thu hút các khách hàng nữ về cơ hội được trải nghiệm mua sắm thông minh.

Không dừng ở đó, những dịch vụ đi kèm tuyệt vời như tặng kẹp sách, bọc sách là những điểm nhấn tạo nên thành công và chỗ đứng vững chắc của Tiki như ngày nay.

Phụ nữ xem việc mua sắm trực tuyến như một hình thức giải trí khi họ có thể thỏa thích nhìn ngắm, tìm hiểu những món đồ mà mình đang tìm kiếm hoặc yêu thích mà không cần phải tốn quá nhiều công sức.

Để có thể “giữ chân” các đối tượng khách hàng nữ, doanh nghiệp TMĐT cần phải trang bị sự đa dạng trong các chọn lựa sản phẩm, chức năng tìm kiếm chính xác và nhanh chóng do thói quen chọn lọc nhu cầu mua sắm của phái nữ thường dựa vào tên thương hiệu cụ thể.

Và tất nhiên, không quên tạo ra một giao diện dễ làm quen, đẹp mắt và rõ ràng để thu hút và lôi kéo đối tượng mua sắm vốn đề cao hình thức này quay lại mua sắm cùng bạn.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM