Nghịch lý vụ Panorama Hotel trên đèo Mã Pì Lèng: Dân mạng bức xúc hò nhau vote 1 sao, khách sạn vẫn “cháy hàng”

06/10/2019 07:36 AM | Kinh doanh

Có vẻ như càng bị tẩy chay, danh tiếng của Panorama lại càng lan rộng?

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng của nhà báo Trần Đăng Tuấn với nội dung kêu gọi tẩy chay tòa nhà bê tông 7 tầng được xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng.

Nội dung bài viết phản đối mạnh mẽ việc xây dựng Mã Pì Lèng Panorama-khu tổ hợp gồm nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê, đồng thời kêu gọi tẩy chay khách sạn này. Lý do được đưa ra là việc xây dựng tòa nhà đã phá hỏng cảnh quan tự nhiên, hùng vĩ của con đèo nổi tiếng.

"Bạn lên Mã Pì Lèng là để thấy nước mình có những nơi đẹp đến kỳ ảo. Nhưng nếu bạn vào sử dụng dịch vụ của quán - khách sạn này, là bạn đã góp một phần để đẩy cái ngày không còn cảnh quan Mã Pì Lèng để thưởng ngoạn đến gần hơn. Vì một cái kiếm được, rất nhanh thôi những cái khác sẽ mọc lên. Con cháu bạn sau này sẽ chỉ thấy những cái "răng sâu" bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ này", nhà báo Trần Đăng Tuấn lý giải trên trang cá nhân.

Chỉ sau ít giờ được đăng tải, bài viết đã nhận về hàng chục nghìn lượt like, share và bình luận của cộng đồng mạng. Hầu hết các bình luận đều thể hiện sự ủng hộ với quan điểm của tác giả bài viết. Với họ, ngôi nhà này không gì hơn một cục bê tông khổng lồ thiếu thẩm mỹ, gây chướng mắt và làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn là giá trị cốt lõi của đèo Mã Pì Lèng.

Trên Google, rất nhiều người đã cùng hò nhau vào đánh giá 1 sao cho khu tổ hợp khách sạn này, khiến điểm trung bình của nơi đây chỉ còn 2,9 mặc dù trước đó Panorama Hotel đã từng nhận khá nhiều đánh giá 5 sao từ người dùng.

Nghịch lý vụ Panorama Hotel trên đèo Mã Pì Lèng: Mặc dân mạng bức xúc hò nhau vote 1 sao, khách sạn vẫn “cháy hàng” - Ảnh 1.

Một điểm trừ nữa của Panorama Hotel là tính pháp lý của dự án.

Nhà hàng tuy nằm ngoài vùng bảo vệ II của danh thắng Mã Pì Lèng, nhưng theo Luật Di sản văn hóa, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lí văn hóa, tức Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình này chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, bà Vũ Ngọc Anh, chủ đầu tư dự án cũng chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng và công trình chưa có giấy phép xây dựng.

Ngoài vòng vây bão tố, khách sạn vẫn ‘cháy hàng’

Dù phải hứng chịu "cơn mưa" gạch đá từ cộng đồng mạng, khách sạn Panorama tại Mã Pì Lèng vẫn hết sạch phòng, khóa sổ không nhận thêm khách dịp cuối tuần.

Khi gõ khách sạn Panorama lên các trang web đặt phòng phổ biến như Booking hay Agoda vào ngày cuối tuần 6/10, các kết quả trả về đều cho thấy khách sạn đã hết phòng.

Nghịch lý vụ Panorama Hotel trên đèo Mã Pì Lèng: Mặc dân mạng bức xúc hò nhau vote 1 sao, khách sạn vẫn “cháy hàng” - Ảnh 2.
Nghịch lý vụ Panorama Hotel trên đèo Mã Pì Lèng: Mặc dân mạng bức xúc hò nhau vote 1 sao, khách sạn vẫn “cháy hàng” - Ảnh 3.

Cũng theo thông tin trên các website này, Mã Pì Lèng Panorama Hotel được đánh giá khá cao khi điểm số trung bình tại Booking là 8,8/10 và tại Agoda là 9/10. Nhìn chung, các khách hàng từng trải nghiệm trước đây đều cho rằng khách sạn có dịch vụ tốt, phòng ốc sạch sẽ và đặc biệt là ví trị quá tuyệt vời (cả Booking và Agoda đều đánh giá điểm vị trí là 10/10).

Nghịch lý vụ Panorama Hotel trên đèo Mã Pì Lèng: Mặc dân mạng bức xúc hò nhau vote 1 sao, khách sạn vẫn “cháy hàng” - Ảnh 4.

Được biết giá phòng tại Panorama Hotel dao động từ từ 650.000 – 750.000 đồng/phòng (tùy loại phòng 2 hay 3 người ở). Đối với phòng tập thể, mức thu phí là 250.000 đồng/người, đã bao gồm ăn sáng.

Phòng ngủ được trang bị đầy đủ tiện nghi như tủ quần áo, TV màn hình phẳng và phòng tắm riêng. Mỗi phòng nghỉ tại khách sạn đều có ban công nhìn ra vườn.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM