Nghịch lý giáo dục Việt Nam: Càng ở thành phố, càng học cao càng dễ thất nghiệp

12/09/2016 09:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Ở các chỉ số về thất nghiệp, khu vực thành thị luôn ở mức cao hơn khu vực nông thôn. Trong lực lượng thất nghiệp, tỷ trọng số “ông cử”, ”bà cử” cũng ở mức thuộc hàng cao nhất từ trước đến nay.

Thanh niên thành thị dẫn đầu “lực lượng thất nghiệp”

Theo những con số trong thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm trong 6 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê, số người thất nghiệp tính đến cuối quý II là 1,12 triệu người, đã tăng gần 6 nghìn người so với quý trước.

Tỷ lệ thất nghiệp chung đạt 2,06%, không có quá nhiều biến động so với quý trước. Đặc biệt, theo thông cáo này, thất nghiệp ở thành thị đang cao gần gấp đôi thất nghiệp ở nông thôn.

Những người ở độ tuổi thanh niên đang đóng góp nhiều nhất vào “lực lượng thất nghiệp” ở nước ta. Theo đó, số người ở độ tuổi 15 đến 24 đang chiếm gần một nửa tổng số người thất nghiệp.

undefined
undefined

Điều đặc biệt ở các chỉ số trong thông cáo này là sự vượt trội về tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị so với nông thôn. Ngoài gấp đôi ở tỷ lệ thất nghiệp chung, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở thành thị (3,26%) cũng gần gấp đôi khu vực nông thôn (1,84%)

Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (7,07%) bỏ xa tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước thì nếu phân theo khu vực, có thể thấy tình trạng còn trầm trọng hơn ở thành thị.

Tỷ lệ này đặc biệt cao ở thành thị với mức 11,7%. Điều đó có nghĩa là cứ trong 10 thanh niên trong lực lượng lao động ở khu vực thành thị thì có hơn 1 người đang thất nghiệp.

Số “ông cử”, “bà cử” thất nghiệp lên mức cao kỷ lục

Một thống kê rất đáng chú ý được đưa ra là số người thất nghiệp có bằng đại học đã đạt thuộc hàng cao nhất từ trước đến nay.

Trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp, có đến hơn 500 nghìn người có bằng đại học. Hiểu đơn giản, cứ 10 người thất nghiệp thì có hơn 4 người là những “ông cử”, “bà cử”. Tỷ lệ này gấp đôi quý trước khi chỉ 2/10 người có trình độ đại học

Ở Việt Nam, hiện tượng tỷ lệ tốt nghiệp đại học và tỷ lệ thất nghiệp tỷ lệ thuận với nhau đã không còn là điều quá hiếm thấy nữa.

Còn nhớ, hơn 1 năm trước, trong một buổi công bố thông tin cập nhật thị trường lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - ông Doãn Mậu Diệp từng cho hay: “Với quy mô đào tạo đại học hiện nay, một năm có khoảng 400.000 lao động qua đào tạo đại học và trên đại học nhưng chúng ta thường xuyên duy trì khoảng 170.000 hoặc hơn một chút lao động nhóm này không có việc làm thì đây là điều “đáng suy nghĩ”.

Từ nhiều năm nay, các phương tiện truyền thông đã đưa ra nhiều báo động về chất lượng giáo dục đại học ở nước ta, khi những câu chuyện về các cử nhân phải không kiếm được việc trên thành phố, phải bỏ về quê; hay phải giấu bằng đại học, chỉ dám nộp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để “được” làm việc trong các khu công nghiệp đã phô biến. Giờ đây, những con số trên lại một lần nữa đặt ra câu hỏi cho những người làm giáo dục.

Báo cáo của một công ty tuyển dụng hoạt động tại Việt Nam từng đưa ra nhận định rằng, những sinh viên hiện nay đang thiếu những kỹ năng mềm cơ bản để giúp họ tìm kiếm một công việc. Với kiến thức chỉ dừng lại ở mức sách vở, hay đi làm thêm những công việc không liên quan đến ngành nghề làm việc trong tương lai, đã phần các sinh viên Việt Nam khi ra trường và vào các công ty đều cần đào tạo lại.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM