Nghịch lý của dịch tả lợn châu Phi: Giá tăng tại Trung Quốc nhưng lại giảm sâu ở Việt Nam

01/06/2019 10:45 AM | Xã hội

Trái ngược với hiện tượng tăng giá ở Trung Quốc, thị trường thịt lợn Việt Nam lại vô cùng hỗn loạn. Sự e dè của người dân khiến giá thịt heo đi xuống mạnh.

Dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc khiến giá thịt lợn tại đây tăng hơn 14% trong tháng 4/2019, qua đó tác động sâu rộng đến tình hình kinh tế, xã hội.

Hãng tư vấn Chungyi Information Consultancy cho biết trong năm 2018, khoảng 690 triệu con lợn đã bị giết mổ ở Trung Quốc nhưng số lượng lợn khả dụng trong năm nay đã giảm 20% và đang ngày càng giảm mạnh hơn nữa.

Sự suy giảm nguồn cung đã khiến Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Trung Quốc dự đoán giá lợn bán buôn tại Trung Quốc sẽ tăng 70% trong nửa cuối năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Thịt lợn đóng vai trò vô cùng quan trọng ở Trung Quốc và chúng là nguyên nhân chính khiến giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 2,5% trong tháng 4/2019. Thậm chí chính quyền Bắc Kinh đang xem xét can thiệp thị trường khi có khả năng mở cửa kho dự trữ thịt lợn chiến lược.

Trái ngược với hiện tượng tăng giá ở Trung Quốc, thị trường thịt lợn Việt Nam lại vô cùng hỗn loạn. Sự e dè của người dân khiến giá thịt heo đi xuống mạnh.

Nghịch lý của dịch tả lợn châu Phi: Giá tăng tại Trung Quốc nhưng lại giảm sâu ở Việt Nam - Ảnh 1.

Trung Quốc đứng đầu thế giới về tiêu thụ thịt lợn, Việt Nam đứng 5

Tại miền Bắc, ở Hải Dương, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg xuống 32.000 đồng/kg; Phú Thọ giảm 1.000 đồng xuống 25.000 đồng/kg. Tại Ba Vì, Hoài Đức (Hà Nội), lợn hơi xuống giá còn 23.000 - 26.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơn tiếp tục đà giảm, như tại Bến Tre giảm tới 4.000 đồng/kg xuống 29.000 đồng/kg; Trà Vinh cũng giảm 3.000 đồng xuống 32.000 đồng/kg.

Thậm chí phương án mổ thịt cấp đông đã được tính đến nhưng 1 số ý kiến cho rằng chính phủ cần tính toán xem liệu có đủ thịt lợn cho đợt Tết Nguyên Đán chỉ còn 8 tháng nữa hay không. Với 1,6 triệu con lợn hiện tại ở Hà Nội nếu mổ thịt cấp đông hết (chưa tính lượng lợn mắc bệnh chết đi) thì chỉ được 112.000 tấn. Với mức tiêu thụ 18.000 tấn mỗi tháng, lượng thịt cấp đông này chỉ đủ cho Hà Nội trong 6 tháng.

Tại sao thịt lợn lại quan trọng ở Trung Quốc?

Thịt lợn đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ với ẩm thực mà còn liên quan đến văn hóa, kinh tế Trung Quốc. Tại đây, thịt lợn được gọi là "thịt" chứ chẳng cần phải nói rõ ra để phân biệt với các loại thịt khác.

Chúng được dùng trong rất nhiều nghi lễ ở Trung Quốc. Lượng tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ và hiện chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ thịt toàn quốc. Thịt gà đứng thứ 2 với 15% còn trâu bò chỉ có 10%. Trung Quốc vừa là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ nhiều nhất.

Hiện dịch tả lợn Châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc gặp lao đao. Trớ trêu thay, dù có nhập khẩu hết thịt lợn ở các quốc gia khác cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thịt heo vô cùng lớn của nền kinh tế thứ 2 thế giới này.

Báo cáo của ngân hàng Rabobank cho thấy Trung Quốc có thể mất tới 200 triệu con lợn vì dịch tả, cao gấp 3 lần tổng số lợn đang được chăn nuôi tại Mỹ.

Số liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy hiện Trung Quốc đang là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới với 433 triệu con lợn mỗi năm. Quốc gia này cũng là thị trường tiêu thụ thịt heo cao nhất toàn cầu và việc giảm 50% nguồn cung do dịch tả có thể khiến giá lợn tại đây tăng 70% trong năm nay.

Nghịch lý của dịch tả lợn châu Phi: Giá tăng tại Trung Quốc nhưng lại giảm sâu ở Việt Nam - Ảnh 2.

Số lợn chăn nuôi ở các nước (triệu con)

Với tầm quan trọng của thịt lợn, Trung Quốc đã bắt đầu dự trữ chiến lược loại thực phẩm này từ năm 2009 để ổn định giá cả. Bất cứ khi nào giá thịt lợn giảm mạnh xuống dưới ngưỡng nào đó, ví dụ giảm hơn 20% thì chính phủ sẽ mua vào thịt lợn để dự trữ cho tương lai. Đổi lại khi thịt lợn tăng quá quá mức gây ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, chính phủ sẽ bán thịt lợn đông lạnh dữ trữ ra ngoài.

Dẫu vậy, biện pháp của chính phủ Trung Quốc cũng chỉ mang tính tình thế do thịt lợn đông chẳng giữ được lâu còn dung lượng các kho đông lạnh lại có hạn. Các chuyên gia ước tính tổng kho dự trữ thịt lợn của Trung Quốc chỉ vào khoảng 110.000 đến 386.000 tấn, tương đương chưa đến 1% tổng lượng tiêu thụ hàng năm của nước này.

Tương tự tại Việt Nam, hãng tin Bloomberg cũng cho rằng thị trường này sẽ đối mặt khủng hoảng thịt lợn thời gian tới.

Tính từ đầu tháng 2/2019 khi dịch tả lợn chính thức bị phát hiện tại 2 tỉnh phía Bắc Việt Nam, hơn 1,7 triệu con lợn đã bị giết hại hoặc tiêu hủy. Số lợn bị tiêu hủy tại Việt Nam như vậy còn cao hơn cả Trung Quốc dù số lượng được heo chăn nuôi ở Trung Quốc cao gấp 20 lần Việt Nam và được phát hiện dịch bệnh sớm hơn.

Tại thủ phủ của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam, tỉnh Đồng Nai, số lượng lợn đã giảm 20% xuống 2 triệu con. 

Thịt lợn luôn là lựa chọn hàng đầu trong các bữa ăn của người Việt Nam. Tính đến năm ngoái, khoảng 70% thịt tiêu thụ tại Việt Nam là thịt lợn, thịt gà chiếm 20% còn thịt bò chỉ chưa đến 10%.

AB-Tổng hợp

Cùng chuyên mục
XEM