Nghĩ mà không hành động, phàn nàn mà không "vùng lên", đó là sự khởi đầu cho quá trình trì trệ và là nguyên nhân khiến bạn muôn đời nghèo

02/03/2019 09:14 AM | Sống

Việc chúng ta phải phấn đấu trong bao nhiêu năm mới có thể giàu có được quyết định nhờ nhân tố quan trọng này.

Hình thành thói quen trì trệ, thích phàn nàn

NGHĨ mà không HÀNH ĐỘNG thì đó là sự khởi đầu cho quá trình trì trệ. Tác hại của nó giống như hút thuốc lá vậy, hút một điếu không thể khiến chúng ta suy sụp tinh thần, thể lực, gây ảnh hưởng đến sức khỏe một cách tiêu cực ngay được. Nhưng nếu kéo dài như vậy, "góp gió thành bão", chúng ta sẽ phải đối mặt với đủ loại bệnh về phổi là lẽ đương nhiên. Tương tự như vậy, chỉ nghĩ mà không làm nhiều lần đến mức thành thói quen thì thất bại là điều tất yếu.

NGHĨ mà không HÀNH ĐỘNG cũng dẫn tới thói quen thích kêu ca, hay phàn nàn. Bạn nhận thức được vấn đề, bạn biết sai lầm nằm ở đâu, nhưng bạn không chịu đứng dậy, xắn tay áo lên để bắt đầu giải quyết thì khó khăn mãi mãi tồn tại ở đó. Hiện trạng không thay đổi, bạn vẫn bế tắc và tiếp tục phàn nàn, kêu ca. Nó trở thành một vòng lặp không ngừng.

Ngày nay, cứ gặp chuyện gì không hợp ý, chúng ta lại bắt đầu than vãn một bản "trường ca" không thấy điểm kết thúc. Cha mẹ kêu ca con cái hư hỏng, con cái trách người nhà không cảm thông, cấp trên thì kêu ca nhân viên làm việc kém hiệu quả, cấp dưới thì trách sếp trả lương bèo... Chúng ta phàn nàn về giá cả, về công việc, về các mối quan hệ, về cả cuộc đời, nhưng lại không bao giờ tự phàn nàn về bản thân rằng: "Tại sao mình lại kêu ca lắm như thế?", "Có thể làm gì tốt hơn là ngồi đây than vãn không?".

Theo tâm lý học, thói quen hay than vãn là biểu hiện của người tự ti. Vì không tin vào năng lực của mình, cho rằng bản thân không thể thay đổi hoàn cảnh, giải quyết khó khăn, họ chỉ biết thể hiện thái độ của mình thông qua những lời phàn nàn. Phải kêu ca, phải than vãn, phải cho người xung quanh biết họ bị bất công thế nào chính là cách để rũ bỏ trách nhiệm của bản thân.

Não của bạn được thiết kế để ghi nhớ những việc lặp đi lặp lại. Vì thế, khi than thở quá nhiều, bạn sẽ trở thành một kẻ bi quan và luyện cho não thói quen tìm kiếm điểm xấu trong mọi việc. Việc này sẽ biến bạn thành người luôn cảm thấy không thỏa mãn, bực bội và bất lực vì không làm được gì để giải quyết chúng.

 Nghĩ mà không hành động, phàn nàn mà không vùng lên, đó là sự khởi đầu cho quá trình trì trệ và là nguyên nhân khiến bạn muôn đời nghèo  - Ảnh 1.

Phàn nàn chính là lãng phí thời gian

Tỷ phú Jack Ma từng khẳng định trước 3.000 sinh viên trong một buổi giao lưu đối thoại rằng: "Các bạn cũng cần nhớ một điều là Warren Buffett, Steve Jobs... đều có chung một phẩm chất tốt, đó là không bao giờ kêu ca. Nếu kêu ca sẽ không bao giờ có cơ hội. Khi người khác than phiền, đó là cơ hội của các bạn".

Cho dù từng 3 lần trượt kì thi đại học, từng phạm vô số sai lầm nhưng Jack Ma không bao giờ kêu ca than phiền. Điều duy nhất vị tỷ phú Trung Quốc làm chính là Không từ bỏ. Nếu thất bại, ông làm lại. Nếu tiếp tục thất bại, ông vẫn tiếp tục làm lại từ đầu. Chính vì thế, sau 18 năm, Alibaba đã được tạo dựng, hoàn thiện và tìm được chỗ đứng vững vàng trong thị trường đầy cạnh tranh như ngày hôm nay.

Cho dù trong công việc hay trong cuộc sống, phàn nàn luôn là một liều thuốc độc có thể giết chết tình cảm con người. Ở nhà, phàn nàn có thể biến một người vợ dịu dàng trở thành "bà la sát", người đại trượng phu trở thành kẻ nhu nhược, không dám đối mặt với mâu thuẫn trong sinh hoạt rồi quan hệ dần trở nên bất hòa, dẫn tới cãi nhau, thậm chí là ly hôn.

Còn ở công ty, phàn nàn chỉ làm chúng ta đánh mất sự tập trung, không nhận thức được cơ hội, không đạt tới được thành công, dần dần ảnh hưởng mạng lưới quan hệ xã giao, bỏ công bỏ sức mà chẳng làm nên thành tựu gì.

 Nghĩ mà không hành động, phàn nàn mà không vùng lên, đó là sự khởi đầu cho quá trình trì trệ và là nguyên nhân khiến bạn muôn đời nghèo  - Ảnh 2.

Sự phàn nàn chỉ khiến bạn mất tập trung và bỏ lỡ cơ hội.

Một khi hình thành thói quen than vãn, kêu trời trách đất và luôn cảm thấy bất công, chúng ta có thể đánh mất sự nhiệt tình với xã hội, không cam lòng vì những cống hiến, công sức bản thân đã bỏ ra mà chẳng được đền đáp xứng đáng. Vì thế, chúng ta trở nên trì trệ, từ bỏ sự chăm chỉ, không muốn tiếp tục nỗ lực phấn đấu nữa.

Trên thực tế, muốn tồn tại trong xã hội, trước tiên bạn phải học cách trả giá một cái gì đó để có cơ hội thu hồi thành quả của mình. Nếu chỉ chăm chăm tính toán và không muốn cho đi, làm sao chúng ta có thể đạt kết quả tốt? Mười chuyện trên đời xảy ra thì phải có tám, chín chuyện là không như ý muốn. Than thở, kêu ca có giúp bạn dễ chịu hơn không? Hay chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi?

Những lúc như vậy, hãy thử 3 bước sau:

- Đầu tiên, nhắm mắt và nghĩ về bất kỳ điều gì bạn muốn than thở.

- Theo dõi xem chúng khiến bạn cảm thấy thế nào.

- Sau đó, thay đổi hướng suy nghĩ để giải quyết vấn đề, nếu không giải quyết được, hãy hít một hơi thật sâu và bỏ qua chúng.

Từ bỏ thói quen phàn nàn, chúng ta sẽ thấy não bộ hoạt động tích cực hơn, tư duy linh hoạt hơn và có khả năng xử lý khó khăn nhanh hơn. Trên con đường thành công, đừng để sự trì trệ hay thói phàn nàn trở thành vật cản rắc rối.

Theo Dương Mộc

Cùng chuyên mục
XEM