Nghề nguy hiểm nhất Việt Nam: Cứ mỗi giờ lại có 1 người gặp tai nạn, 1/3 trong số đó tử vong

06/04/2016 09:33 AM | Kinh doanh

Theo con số thống kê của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015, cả nước có khoảng 7.700 người bị tai nạn lao động. Trong đó, lĩnh vực xây dựng chiếm 1/3. Tính trung bình cứ mỗi giờ lao động, lại có 1 người bị tai nạn trong ngành này.

Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người chiếm 35,2% và 37,9% tổng số người chết. Con số "khủng khiếp" này đã đưa ngành xây dựng đứng đứng đầu về số các vụ tai nạn lao động trong cả nước năm 2015.

Trong số 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhiều thương vong nhất của năm 2015, có tới bốn vụ xảy ra tại các công trường xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều vụ tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp trong ngành không được báo cáo.

Đánh giá về những con số trên, ông Đặng Văn Khánh, Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, tình trạng mất an toàn lao động, vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực này đang ở mức báo động.

Trong dịp Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã biên soạn, phát 45.000 tờ rơi tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có liên quan đến ngành xây dựng.

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO), chia sẻ, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngành xây dựng luôn là một trong những ngành công nghiệp nguy hiểm nhất với số lượng lớn tai nạn và thương vong do tai nạn lao động. Số người chết do tai nạn lao động, ngành xây dựng luôn nằm trong top 3.

Ví dụ, ngay tại Singapore, một nền kinh tế phát triển vào bậc nhất ASEAN, có tới 40% tại nạn lao động chết người xảy ra trong ngành xây dựng.

Tuy nhiên, ở những nước phát triển, việc khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng các mô hình quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp bằng cách kết nối biện pháp an toàn với lợi ích của doanh nghiệp mang lại nhiều hiệu quả thực tiễn.

Một phương pháp đã áp dụng thành công là kết hợp số liệu thống kê tai nạn lao động với quy trình đấu thầu của chính phủ với các dự án sử dụng nguồn vốn xã hội. Chính phủ cũng không can thiệp vào các doanh nghiệp có tỷ lệ tai nạn thấp.

Ngoài ra, chính phủ còn có thể áp dụng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động thấp hơn cho các doanh nghiệp tự kiểm soát và hạn chế được tình hình tại nạn ở doanh nghiệp mình.

Năm 2015, nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm trong ngành xây dựng đã xảy ra. Đơn cử như vụ tai nạn do sập giàn giáo ngày 25/3/2015 tại Dự án Formosa - Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) làm 13 người chết, 29 người bị thương...

Vụ tai nạn do sập công trình xây dựng cây xăng tại Xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày 9/12/2015 cũng làm 2 người chết và 6 người bị thương.

Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, tổ chức lao động không hợp lý và điều kiện lao động không đảm bảo. Bên cạnh đó, người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân cũng khiến tai nạn xảy ra.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM