Vinashin hạ cấp thành SBIC: Hàng vạn lao động đi về đâu

08/11/2013 08:07 AM | Nghề nghiệp

Nội dung nổi bật:

- Thời kì đỉnh cao năm 2009, Vinashin có tới 70.000 lao động, bao gồm cả lao động thời vụ.

- Theo lãnh đạo Vinashin, tính đến thời điểm 31.7.2013, số lao động của tập đoàn còn lại 26.242 người. Trong đó có hơn 8.000 người (chiếm 30%) không có việc làm.

- Để giải quyết vấn đề này, Vinashin đã xây dựng  phương án tái cơ cấu lao động và chỉ giữ lại khoảng 8.000 người, cắt giảm và giải quyết chế độ cho gần 14.000 người theo 2 giai đoạn, trong đó, sẽ cắt giảm ngay 8.000 người không có việc làm, sau đó tiếp tục cắt giảm cùng quá trình tái cơ cấu DN.



Tái cơ cấu cho… nhỏ

Đến nay, Vinashin đã chính thức được “xóa tên” cũ, và thay bằng một cái tên mới: Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Đây là doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin.

Trả lời câu hỏi về việc xử lý như thế nào đối với các DN của Vinashin trong diện phải tái cấu trúc, ông Vũ Chiến Thắng - Vụ trưởng vụ Quản lý DN, Bộ GTVT - cho biết: Đối với 236 DN không giữ lại, TCty tiếp tục rà soát, đánh giá, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tài sản để tái cơ cấu một cách thận trọng và hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa thất thoát.

Theo đó, sẽ phấn đấu đến năm 2015 cơ bản thực hiện xong việc tái cơ cấu Vinashin. Đối với 70 DN còn vốn chủ sở hữu của Vinashin thì thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng để thu hồi vốn đã đầu tư.

Đối với 166 DN không còn vốn chủ sở hữu thì thực hiện giải thể, phá sản theo thực trạng tài chính của DN hoặc bán theo quy định của pháp luật.

Hàng vạn lao động về đâu?

Tại thời “đỉnh cao” vào năm 2009, Vinashin đã từng có tới 70.000 lao động, gồm cả lao động thời vụ. Trước những diễn biến khó khăn của Vinashin, từ năm 2010, số lao động thời vụ đã chủ động nghỉ, chuyển việc.

Do đó số lao động của Vinashin trước khi thực hiện tái cơ cấu chỉ còn khoảng 53.000 người. Được biết, khi thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển giao một số DN, dự án về PVN và Vinalines, lao động bình quân năm 2010 là 46.532 người, và năm 2011 chỉ còn là 36.402 người.

Đến ngày 31.12.2012, tổng số lao động của Vinashin còn khoảng 28.500 người, trong đó có khoảng 74,3% số lao động có việc làm. 

Còn theo thông tin từ phía lãnh đạo Vinashin, tính đến thời điểm 31.7.2013, số lao động của tập đoàn còn lại 26.242 người. Trong đó có hơn 8.000 người (chiếm 30%) không có việc làm.

Để giải quyết vấn đề này, Vinashin đã xây dựng  phương án tái cơ cấu lao động và chỉ giữ lại khoảng 8.000 người, cắt giảm và giải quyết chế độ cho gần 14.000 người theo 2 giai đoạn, trong đó, sẽ cắt giảm ngay 8.000 người không có việc làm, sau đó tiếp tục cắt giảm cùng quá trình tái cơ cấu DN.

Tuy nhiên, ngay cả việc cắt giảm lao động không có việc làm cũng không đơn giản, bởi các đơn vị của tập đoàn không có tiền để nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, nên không thể chi trả tiền lương còn nợ và chốt sổ BHXH trả cho lao động trước khi nghỉ việc.

Còn theo Vụ Quản lý DN của Bộ GTVT thì trong quá trình tái cơ cấu DN, Vinashin và các DN thành viên đã chủ động giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Theo đó, Vinashin đã căn cứ vào Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20.8.2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, và quy định của Bộ luật Lao động để giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động.

Trong trường hợp các DN chưa có nguồn để chi trả cho người lao động, Vinashin tạm thời được sử dụng số vốn sản xuất kinh doanh để trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm theo lộ trình cắt giảm lao động

Trên cơ sở thực tế chi trả trợ cấp cho người lao động thuộc tập đoàn, được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, Bộ Tài chính thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp từ quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, đồng thời quyết toán cho tập đoàn theo quy định. Sau này, Vinashin sẽ sử dụng nguồn thu trong quá trình tái cơ cấu DN để hoàn trả Chính phủ.

Theo Công Thắng - Đặng Tiến

duchai

Cùng chuyên mục
XEM